Rất nhiều
người trong chúng ta thường nhầm lẫn giữa hai nghi lễ này. Tuy cùng diễn ra vào
đúng tết Trung Nguyên rằm tháng Bảy nhưng mỗi nghi lễ lại có những ý nghĩa
riêng. Người ngoài Bắc thường quen hơn với cái tên “Xá tội vong nhân”, còn người
miền Nam thì được nghe nhiều về “Vu Lan” hơn.
Tuy hai
cái tên nhưng không phải là một.
Vu Lan (hay Vu Lan Bồn)
phiên âm tiếng Phạn là Ullambana, nghĩa là cứu đảo huyền. Theo ngài Tông
Mật, Vu Lan nghĩa là đảo huyền, ám chỉ cực hình bị treo (huyền) ngược (đảo) của
chúng sinh trong địa ngục. Bồn tức là cái chậu, cái thau, tượng trưng cho vật cứu
hộ những chúng sinh ấy. Người Trung Hoa dịch là Vu Lan Bồn, có nghĩa là giải đảo
huyền, giải cái tội bị treo ngược.
Theo
Kinh Vu Lan Bồn, Ngài Mục Kiều Liên là một trong mười đại đệ tử của Đức Phật, nổi
tiếng về lòng hiếu thảo và nhiều phép thần thông. Khi mẫu thân Ngài là bà Thanh
Đề qua đời, ông tưởng nhớ và muốn biết bây giờ mẹ như thế nào nên dùng mắt phép
nhìn khắp trời đất để tìm. Tìm thấy mẹ dưới địa ngục bị đày đọa làm ngạ quỷ do
tiền kiếp gây nhiều nghiệp ác, thân thể gầy còm, chỉ có da bọc xương. Ngài vô
cùng thương mẹ, bèn đem cơm xuống để dâng mẹ. Bà mẹ vì quá đói khát, nên khi được
cơm, lòng tham nổi lên, sợ vong hồn khác cướp giật, lấy tay trái che giấu chén
cơm, còn tay kia bốc ăn. Bởi lòng tham độc ác trong tiền kiếp nổi bừng lên, nên
vừa đưa cơm vào miệng, thì cơm hóa thành lửa, bà chẳng ăn được chút nào.
Mục Kiền
Liên hết sức đau khổ, thương mẹ mà không biết làm cách nào để cứu mẹ. Ông trở về
bạch Phật, Phật dạy rằng:“Này Mục Kiều Liên, dù ông thần thông quảng đại
đến đâu cũng không đủ sức cứu mẹ ông đâu. Chỉ có một cách nhờ hợp lực của chư
tăng khắp mười phương mới mong giải cứu được. Ngày rằm tháng Bảy là ngày thích
hợp để cung thỉnh chư tăng, hãy sắm sửa lễ cúng vào ngày đó".
Làm
theo lời Phật, mẹ của Mục Liên đã được giải thoát. Phật cũng dạy rằng: chúng
sinh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng theo cách này, tổ tiên hoặc cha mẹ đã khuất
đều được siêu sinh về cõi lành (Vu Lan Bồn
Pháp). Từ đó, ngày lễ Vu Lan ra đời.
Tuy
nhiên, ý nghĩa Vu Lan xét cho cùng chỉ nên hiểu nó mang ý nghĩa nhân văn, nhân
bản làm người thôi, còn sự kiện Tôn giả Mục Kiền Liên xuống địa ngục cứu bà
Thanh Đề chỉ là truyền thuyết bịa đặt thôi chứ không có thật khi nó mâu thuẫn, đi
ngược lại giáo lý nhân quả, nhân duyên.
Ngày
nay Lễ Vu Lan thường gắn với nghi thức “Bông
hồng cài áo”.
Còn về
lễ “Xá tội vong nhân”, theo quan niệm dân gian, bắt nguồn từ quan niệm của người
Trung Quốc vào dịp trăng tròn tháng Bảy âm lịch, cửa ngục âm phủ sẽ được mở cho
các vong hồn lên trần gian để hưởng lộc. Vào ngày này, các gia đình thường sắm
hai mâm lễ, vàng mã: một lễ cúng gia tiên để tỏ lòng hiếu kính, một để cúng cô
hồn (vong hồn vô chủ, không ai thờ cúng)
như một cách bố thí lấy may.
“Ngày của mẹ” ở
phương Đông.
Nếu như
ở phương Tây có “Mother’s day” (ngày của
mẹ) và “Father’s day” (ngày của cha)
thì các nước phương Đông, trong đó có Việt Nam chúng ta lại tự hào về ngày lễ
Vu Lan-Ngày báo hiếu tứ ân. Tại các quốc gia theo Phật giáo, Lễ hội Vu Lan ở mỗi
nước lại có những nét đặc trưng riêng, điển hình như lễ hội Vu Lan ở
Trung Hoa, Nhật Bản, Thái Lan và Đài Loan.
Tại
Trung Quốc, vào ngày Rằm tháng Bảy âm lịch, người ta đi viếng mộ người thân đã
khuất, quét dọn, cúng cơm và vàng mã. Họ tin rằng, nhờ vậy linh hồn người đã
khuất sẽ nhận được tiền vàng và luôn phù hộ cho con cháu trên trần gian. Còn tại
các chùa, chư tăng và Phật tử tụng kinh suốt mùa Vu Lan để cầu cho các linh hồn
sớm được giải thoát.
Tại Nhật
Bản, người Phật tử không tổ chức lễ Vu Lan mà có lễ Obon (ngày của người đã khuất) là một phong tục truyền thống ở Nhật, diễn
ra vào tháng 8 dương lịch, cầu cho người quá cố được siêu độ.
Tại
Thái Lan, tuy không có ngày Vu Lan nhưng thay vào đó có lễ Wan Parg-bpee -
ngày để cầu nguyện, tưởng nhớ người già và tổ tiên và rắc nước thiêng thường được
tổ chức vào đầu năm.
Tại Đài
Loan, vào ngày Vu Lan, chư Tăng và Phật tử đến chùa cầu an cho những người thân
đã mất, cùng đó có nghi thức phóng sinh và thả đèn trời vào ban đêm.
Lễ Vu Lan tại Việt
Nam.
Với mỗi
người con Phật đất Việt, mùa Vu Lan là dịp để chúng ta ngồi lại suy ngẫm về
công đức cha mẹ, ân đức tổ tiên. Với quan niệm “Trần sao âm vậy” và “Sống cái
nhà, thác cái mồ”, người ta tin rằng, vào ngày này, cửa ngục được mở ra và người
dưới âm dễ dàng đón nhận vật phẩm hơn nên họ đốt rất nhiều vàng mã vào ngày
này. Cùng với các hoạt động cúng gia tiên ngày Xá tội vong nhân, buổi sáng, các
Phật tử đến chùa tụng kinh cầu siêu độ cho người thân đã mất, buổi trưa về gia
đình làm cơm cúng gia tiên và chiều muộn là các nghi thức cúng cô hồn (bố thí cho những vong hồn không nơi nương tựa,
nhân ngày xá tội vong nhân được mở cửa ngục cho lên dương gian). Kèm theo
sau đó là nghi thức đốt vàng mã cho người đã khuất. Tuy nhiên, tất cả các hình
thức hoạt động ấy cũng như việc đốt vàng mã hiện nay là những hoạt động mê tín
dị đoan và đạo Phật chân chính chưa bao giờ khuyến khích việc làm này. Là người
Phật tử chân chính, hiểu đạo đúng đắn thì không nên thực hiện các hình thức kể
trên, mà chỉ nên ngồi lại suy ngẫm về công đức cha mẹ, ân đức tổ tiên và bày tỏ
bằng những hành động thiết thực hơn…..
(tổng hợp)
(tổng hợp)