Hỏi: Tôi là sinh viên y khoa, hiện đang sống
và học tập tại TP HCM. Tôi được giáo dục một cách rất khoa học những vấn đề
liên quan đến cộng đồng người đồng tính nữ (les), đồng tính nam (gay), song
tính (bisexual) và chuyển giới (transgender), gọi chung là cộng đồng LGBT. Bản
thân tôi là một người đồng tính nam, có được sự hiểu biết, tư vấn về giáo dục sức
khỏe, giới tính và sự động viên từ những người bạn, thầy cô trong trường, tôi cảm
thấy có niềm tin vào cuộc sống, tự hào về bản thân mình.
Tôi đồng thời cũng là người Phật tử và có duyên với Phật pháp từ khi còn
là một đoàn sinh của Gia đình Phật tử, ba mẹ và người thân của tôi đều là những
Phật tử thuần thành. Nhưng khi nghĩ về điều này, tâm tôi tự dưng sinh ra nỗi mặc
cảm, xấu hổ, tự ti về bản thân, và tôi luôn mang tâm trạng buồn khi đến chùa hoặc
sinh hoạt trong những khóa tu. Tôi đã khóc thầm khi niệm danh Bồ-tát Quán Thế
Âm và tự độc thoại những lời chân thành trong tâm thổ lộ với Ngài.
Tôi nhận ra rằng chúng sanh đều mang
nghiệp khác nhau, và trường hợp của tôi, nghiệp là một người đồng tính. Tôi không buồn vì bản thân mình, nhưng
tôi buồn vì xã hội này chưa thể chấp nhận tôi. Khi ba mẹ phát hiện tình yêu của
tôi, ba mẹ đã kịch liệt phản đối và tôi thấy mẹ khóc trong lúc đánh tôi khiến
tim tôi như thắt nghẹn. Bản thân tôi luôn là người có ý thức, chăm lo học hành
và luôn đem lại niềm vui cho ba mẹ, không để cha mẹ phiền lòng về mình. Nhưng
ngay lúc đó tôi đã biết mình mang tội đại bất hiếu, mặc dù tôi không hề muốn
như vậy. Khi đó tôi chỉ biết niệm danh Đức Bồ-tát Quán Thế Âm và cầu cứu Ngài mà
thôi, cầu cho mẹ đừng khóc nữa. Kể từ đó tôi thấy ba mẹ đều buồn và sức khỏe sa
sút, trong khi bản thân tôi bất lực không thể làm gì khác được.
Hiện tôi cảm thấy hạnh phúc khi có được
một tình yêu chân thành, hai đứa chúng tôi luôn hỗ trợ nhau trong học tập, cuộc
sống, và đều có những dự định về tương lai, trở thành những vị thầy thuốc có y
đức. Nhưng trong những mối quan hệ xã hội, tôi cảm thấy mất phương hướng, nhiều
lúc cảm thấy mình làm như thế này có đúng hay không, có gì sai với lời dạy của
Phật hay không, tôi nghĩ không chỉ riêng mình mà các bạn Phật tử đồng tính như
tôi cũng như vậy.
Tôi chân thành xin hỏi, một người đồng
tính hay những bạn Phật tử trẻ khác thuộc cộng đồng LGBT nên sống như thế nào để
không làm trái với lời dạy của Đức Phật, để trở thành một
công dân thiện lương và có ích cho xã hội. Và trong mối quan hệ gia đình, làm
sao để ba mẹ thấu hiểu và chấp nhận người như tôi cùng tình yêu của tôi theo
tinh thần của đạo Phật, giữ vững được giá trị yêu thương, tình cảm của gia đình
mà không đi ngược lại với hiếu đạo. (Pháp Hạnh, xukikuki@yahoo.com).
Đáp: Vâng, xin chào bạn!
Đúng như bạn đã nhận thức, theo Phật
giáo, giới tính nam, nữ hay LGBT là do nghiệp của mình. Và dĩ nhiên, dù mang giới
tính nào đi nữa, nếu biết tu học (biết sửa mình) thì đều có thể trở thành người
tốt, người Phật tử thuần thành, có ích cho đạo và đời.
Đức Phật đã khẳng định, “sự cao thượng
hay thấp hèn của một người không phải ở giai cấp mà ở nơi suy nghĩ, lời nói và
hành động cao thượng hay thấp hèn”. Liên hệ đến giới tính cũng vậy, không phải
nơi giới tính mà ngay nơi ba nghiệp thân, miệng, ý có thiện lành hay xấu ác để
xác định nhân cách tốt xấu của con người ấy.
Bạn là một Phật tử - sinh viên trẻ, có
tri thức, có đạo đức, có lương tâm và trách nhiệm, dĩ nhiên bạn là người tốt. Bạn
cần biết rằng, giáo lý đạo Phật luôn đề cao sự bình đẳng, không hề có sự kỳ thị
người đồng tính hay cộng đồng LGBT nói chung. Việc ba mẹ quá đau buồn về giới
tính của bạn, một phần vì chưa hiểu giáo lý đạo Phật một cách sâu sắc, mặt khác
vì ảnh hưởng định kiến xã hội nặng nề.
Hiện tại bạn đang là người tốt, hiếu hạnh
của bạn vẫn tròn đầy, bạn không có lỗi gì với ba mẹ cả, vậy bạn nên nhanh chóng
loại ra khỏi đầu óc mặc cảm mang “tội đại bất hiếu”. Dù một số người hiện vẫn
cho rằng, những nhà vô phúc mới sinh ra con cái thuộc LGBT. Đây là định kiến
sai lạc mà xã hội văn minh đang loại bỏ, người Phật tử lại càng nhanh chóng loại
bỏ, vì đó không phải là chánh kiến.
Bạn cần vận dụng tri thức xã hội và kiến
thức về Phật pháp để sẻ chia với ba mẹ. Rằng, giới tính do nghiệp quá khứ sinh
ra, nghiệp cũ này đã chín muồi (đã định dạng như người da trắng, da vàng, da
đen hay người bạch tạng) nên không thay đổi được. Mặt khác, bạn cũng cần nói rõ
cho gia đình biết giới tính của bạn vốn dĩ như vậy, không phải do lây lan hay
đua đòi hoặc tự nhận lầm về giới tính. Tiếp đến là biết chấp nhận bản thân đồng
thời nỗ lực tạo ra các nghiệp mới khác theo hướng thiện lành.
Người Phật tử thuộc mọi giới tính, sau
khi quy y Tam bảo, sống đạo đức với việc giữ trọn năm giới (không giết hại,
không trộm cướp, không tà hạnh, không nói dối, không say nghiện), có tri thức,
có nghề nghiệp ổn định, biết hiếu thảo, siêng làm phước thiện thì chắc chắn đó
là một người tốt.
Và dĩ nhiên, những người Phật tử thuộc cộng
đồng LGBT hoàn toàn có quyền yêu thương, thiết lập hạnh phúc hôn nhân theo quan
điểm của riêng mình (cần thủy chung, giữ giới không tà hạnh như các Phật tử
khác) mà không có gì trái với lời Phật dạy.
Như vậy, trong quan điểm của xã hội văn
minh, trong quan điểm bình đẳng và minh triết của đạo Phật, bạn là một người
hoàn toàn bình thường. Nên bạn cần gạt bỏ tất cả những mặc cảm bạn là người “bất
thường” ra khỏi suy nghĩ để tu dưỡng đạo đức và thành tựu sự nghiệp.
Nhân loại tiến bộ đang từng bước thừa nhận
sự đa giới tính của con người, không chỉ có nam và nữ. Hiện thực ở nước ta, dù
đã hội nhập và phát triển nhưng tư tưởng “trọng nam khinh nữ” vẫn còn tồn tại,
và dĩ nhiên, định kiến với cộng đồng LGBT còn khá nặng nề. Vì thế, tự thân bạn
cần khẳng định chính mình thông qua học tập, tu dưỡng đạo đức, hiếu đạo, thành
tựu sự nghiệp và khả năng phụng hiến cho cuộc đời.
Chúc bạn tinh tấn!
(Giác Ngộ)
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét
Có viết cho nhau cả vạn lời,
Rằng thương rằng nhớ để rồi thôi,
Chi bằng trên đường đời vạn nẻo,
Sống Để Yêu Thương thế đủ rồi...