Câu hỏi: Hiện
tại pháp môn niệm Phật đang rất phổ biến tại Việt Nam cũng như Trung Quốc và
Đài Loan. Thượng tọa cũng đã giải thích, để được về Tây phương thì phải loại trừ
tham, sân, si, còn đối với một người xuất gia muốn đạt được đến sự giải thoát
chắc chắn phải tu tập giới-định-tuệ. Kinh A-di-đà có nói đến cảnh giới Tây
phương cực lạc. Con muốn hỏi: Đức Phật A-di-đà có hay không, và khi niệm danh
hiệu Đức Phật A-di-đà thì có được sanh về thế giới Tây phương hay không?
Trả lời:
Để thảo luận vấn
đề này chúng ta nên phân biệt hai khái niệm “Đức Phật lịch sử” và “Đức Phật tôn
giáo”
“Đức Phật lịch
sử” là khái niệm chỉ đức Phật Thích Ca, một con người thật, từ các việc tu tập
thật cho nên đã biến thân phàm của mình trở thành bậc tuệ giác đầu tiên trong lịch
sử tư tưởng của nhân loại ở tuổi 35 và qua đời ở tuổi 80. Đức Phật lịch sử cũng
giống như bao nhiêu con người bình thường khác, cũng từng sai lầm trong quá trình
học đạo, suýt chết vì sáu năm tu khổ hạnh, cho tới khi phát hiện ra con đường
trung đạo là bát chính đạo, trở thành bậc giác ngộ đầu tiên trong lịch sử nhân
loại. Lấy hành tinh mà chúng ta đang sống làm hệ quy chiếu, chỉ có một đức Phật
lịch sử duy nhất là đức Phật Thích Ca. Không có đức Phật thứ hai.
Khái niệm “Đức
Phật tôn giáo” phát triển trong giai đoạn Phật giáo Đại thừa phát triển, sớm nhất
là thế kỷ thứ nhất trước Tây lịch, đỉnh cao nhất của nó là thế kỷ thứ nhất Tây
lịch. Đại thừa có hai trường phái: Đại thừa Ấn Độ gồm có tông Du Già truyền bá
về Duy thức học và tông Trung quán, truyền bá về trí tuệ phá chấp, và trường
phái Đại thừa Trung Quốc lập ra mười tông phái Phật giáo Trung Quốc, mà hiện
nay ngự trị và ảnh hưởng các nước theo Đại thừa.
Đại thừa Trung
Quốc không phải là Đại thừa gốc của Ấn Độ, vì Đại thừa Trung Quốc đề cao “Đức
Phật tôn giáo. Ngay cả đức Phật Thích Ca lịch sử họ cũng tô vẽ lên một hình ảnh
đức Phật tôn giáo đang đóng kịch (thị hiện). Phật giáo Trung Quốc đặt ra khái
niệm “thị hiện”, theo đó đức Phật đóng kịch với vai của vị thánh đã giác ngộ,
xuống trời Đâu Suất làm Bồ-tát Hộ Minh, sau đó nhập thai vào thánh mẫu Maya, mấy
tuổi đã biết ngồi thiền, 19 tuổi giả vờ làm đám cưới với công chúa Da-du-đà-la,
sau đó đi tu, năm năm tìm đạo sai, sáu năm tu tập khổ hạnh sai, rồi giác ngộ ở
tuổi 30. Theo thuyết này, toàn bộ giai đoạn từ mới sinh ra cho đến tuổi 30 của
đức Phật là đóng kịch, là giả vờ. Đó là quan niệm về đức Phật tôn giáo, hoàn
toàn là một sản phẩm ý thức của Đại thừa Trung Quốc, không có trong đạo Phật Đại
thừa tại Ấn Độ.
Từ đức Phật
tôn giáo đó Trung Quốc mở rộng thêm số lượng các đức Phật như Tam Thiên Phật, Vạn
Phật... Đây là điều do Phật giáo Trung Quốc đặt ra, không có trong Phật giáo Đại
thừa ở Ấn Độ. Đức Phật A-di-đà là một trong các đức Phật tôn giáo, xuất phát từ
Ấn Độ và được Trung Quốc đề cao. Kinh A-di-đà có gốc rễ từ tiếng Sanskrit tại Ấn
Độ, điều đó không ai phủ định. Hình ảnh đức Phật A-di-đà trong kinh A-di-đà là
một biểu tượng sâu sắc.
Tôi vừa phân
tích trong câu hỏi trước đây, Tây phương Tịnh độ không quan trọng, do vậy, đức
Phật A-di-đà có thật hay không cũng không quan trọng. Quan trọng là chúng ta phải
hội tụ được: (i) căn lành lớn (tức thoát khỏi tham, sân, si), (ii) có công đức
lớn (tức là nhập thế và làm các việc công đức), (iii) tạo nhân duyên tốt lớn
(là mở đạo tràng cho mọi người cùng tu), (iv) quán pháp âm lớn (là lấy dữ liệu
Ta-bà xây dựng Tịnh độ hiện tiền) và (v) nhất tâm bất loạn, tức cốt lõi của
chính niệm và chính định trong bát chính đạo.
Nghĩa đen của
chữ A-di-đà trong ngôn ngữ Sanskrit là trí tuệ không giới hạn (Vô lượng quang).
Trung Quốc đặt thêm hai nội dung mới là Vô lượng công đức và Vô lượng thọ, tức
là tuổi thọ không giới hạn, trái với quy luật sinh, già, bệnh, chết mà đức Phật
đã công bố, đồng thời, cũng trái với quy luật thiên nhiên. Vô lượng thọ là điều
không có thật. Phật giáo Trung Quốc thêm thắt thứ nầy thứ nọ để dẫn dụ quần
chúng đi theo các tông phái Phật giáo của họ.
Trên thực tế,
“bốn mươi tám lời nguyện” trong Tịnh độ tông của Trung Quốc không phải của đức
Phật A-di-đà như đã bị ngộ nhận và truyền bá trong nhiều thế kỷ qua. Bốn tám lời
nguyện thực chất là của thầy tỳ-kheo Pháp Tạng, khi còn là một phàm tăng, giống
bao nhiêu các tu sĩ phàm khác. Khi còn là một người phàm, chúng ta được quyền
phát nguyện.
Phát nguyện là
một ứng dụng nhỏ của lòng từ bi. Phát nguyện là thể hiện sự quan tâm của chúng
ta với chúng sinh khổ đau và với cuộc đời bất hạnh. Hồi hướng công đức cũng là
một ứng dụng nhỏ của lòng từ bi, có nghĩa là “ngoái nhìn về, quan tâm về, quan
hoài đến” nỗi khổ niềm đau của tha nhân. Phát nguyện dẫn đến hồi hướng công đức.
Hồi hướng công đức dẫn đến phát nguyện. Phát nguyện và hồi hướng là cặp bài
trùng, hỗ trợ lẫn nhau.
Ứng dụng của
lòng từ bi theo đức Phật là tạo ra các hành động phụng sự cụ thể, như đức Phật
đã yêu cầu sáu mươi vị A-la-hán đầu tiên: “Này các tỳ kheo, mỗi người nên đi một
đường, hai người không nên đi trùng hướng nhau để mang lại hạnh phúc, an lạc
cho số đông, cho chư thiên và loài người.” Đức Phật xác định tông chỉ của Ngài
là phụng sự nhân sinh.
Do vì ngộ nhận
bốn mươi tám lời nguyện là của đức Phật A-di-đà nên rất nhiều Phật tử, ngay cả
các pháp sư Tịnh độ tông của Trung Quốc đã mê tín khi cho rằng chỉ cần niệm mười
niệm danh hiệu đức Phật A-di-đà là được vãng sinh Tây phương Cực lạc. Điều này
là không thể được, vì phi nhân quả. Nếu chỉ niệm Phật mười niệm mà sinh Tây
phương Cực lạc được thì Đức Phật đã chẳng phải nhọc công 45 năm thuyết pháp với
gần ba chục ngàn bài kinh để giúp con người thoát khỏi vô minh và khích lệ sự
thực tập giới-định-tuệ để nâng cao đời sống tinh thần.
Phương tiện có
khi là con dao hai lưỡi, mặt tích cực cũng nó mà tác dụng phụ cũng nó. Khi tu Tịnh
độ tông, hành giả không nên dựa vào bốn mươi tám lời nguyện của thầy Pháp Tạng.
Có lẽ dựa vào đây mà Trung Quốc đặt ra pháp tu gồm ba yếu tố: tín, hạnh và nguyện,
vốn rất xa lạ với tông chỉ vãng sinh Cực lạc trong kinh A-di-đà.
Chúng tôi kính
đề nghị ai tu theo Tịnh độ tông thì nên dựa vào hai bài kinh căn bản: Thứ nhất
là kinh A-di-đà, chú trọng năm tiêu chí vãng sinh Tây phương, như đã nêu trên,
và thứ hai là Kinh niệm Phật Ba la mật, vì trong kinh này, ngoài chương nói về
thần chú vốn được biên tập về sau, thì nội dung còn lại chứa đựng các triết học
của đạo Phật Đại thừa. Không có triết học Đại thừa nào mà không có Kinh niệm Phật
Ba la mật. Tu theo hai bài kinh này, người theo Tịnh độ sẽ không ăn những chiếc
“bánh vẽ”, không đặt nặng vào sự cầu nguyện và phát nguyện; hành giả Tịnh độ trở
thành những người phát triển trí tuệ, năng động, nhập thế để xây dựng Tịnh độ
trong từng ngôi nhà và ở nơi làm việc. Đó một Tịnh độ nhân gian, khác với Tịnh
độ Tây phương được Tịnh độ tông của Trung Quốc chủ xướng.
Trung Quốc có
hai phương pháp Tịnh độ. Tịnh độ nhân gian được Hòa thượng Tinh Vân khởi xướng
qua ba phương diện: Xây dựng Tịnh độ qua giáo dục, xây dựng Tịnh độ qua văn
hóa, xây dựng Tịnh độ qua từ thiện. Về giáo dục thì Hòa thượng có trường đại học
Tây Lai ở Hoa Kỳ, ba trường đại học được Bộ Giáo dục thừa nhận ở Đài Loan, nhiều
trường tiểu học và trung học cho giới chính trị và giới kinh doanh gửi con đến
học. Hòa thượng có đài truyền hình Phật giáo, có tờ nhật báo Nhân gian phước báo,
có nhiều tạp chí Phật giáo để phục vụ cho việc giáo dục Phật giáo. Về văn hóa,
trong số gần ba trăm ngôi chùa ở năm châu lục, nhiều chùa có viện bảo tàng để
giới thiệu về văn hóa Phật giáo, có thư viện lớn để giới thiệu về triết lý Phật
giáo, có phòng thiền trà lớn để trải nghiệm thiền, có phòng thư pháp để trải
nghiệm văn hóa chữ viết của Trung Quốc, có nhà hàng buffet chay để du khách có
thể ở lại trong đó một ngày cho đến nhiều ngày và có khách sạn chuẩn ba sao đến
năm sao để dành cho những người sang trọng muốn ở lại tu tập tại Chùa lâu hơn.
Về phương diện
nhập thế, hòa thượng Tinh Vân là người phá kỷ lục. Về hoạt động từ thiện, hòa
thượng cứu trợ các nạn nhân thiên tai, người già, người tàn tật, người khiếm
thính, khiếm thị, trẻ mồ côi... Ba phương diện hoạt động này hoàn toàn phù hợp
với tinh thần của kinh A-di-đà và kinh niệm Phật Ba la mật, và rất phù hợp với
tông chỉ nhập thế của đức Phật Thích Ca.
Tịnh độ Tây
phương phổ biến nhất hiện nay là do Hòa thượng Tịnh Không chủ trương. Tịnh độ
tông đó có nhiều mê tín, đi theo một thiên cực. Nếu tiếp tục hưởng ứng và truyền
bá Tịnh độ này thì Phật giáo Việt Nam sẽ đi vào con đường suy vong. Tịnh độ
tông do HT. Tịnh Không chủ trương mỗi ngày phải lạy 500 lạy thì còn thời gian
đâu để dành cho việc phụng sự người thân và xã hội? Suốt ngày chỉ biết niệm Phật,
lạy Phật, sám hối… thì còn thời gian đâu để làm việc thiện và Phật sự! Cách tu cực đoan này làm cho những người tại
gia trở thành những người thiên cực, bỏ bê công ăn việc làm, chỉ tu để mong sớm
được vãng sinh Tây phương.
Năm 2012, có một
lần HT.Tịnh Không bị hớ, vì chủ trương ngày 21/12/2012 là tận thế theo niềm tin
mê tín của lịch cổ Maya. Điều này đã khiến cho nhiều người bỏ công ăn việc làm,
ngồi ở nhà chờ chết tập thể với những người thân. Vì mặc cảm dân tộc, nhiều người
Việt Nam cứ chuộng ngoại, chạy theo Tịnh độ tông cực đoan như vừa nêu, vô tình
làm chết đạo Phật Việt Nam.
Trên thực tế,
cũng khó trách HT.Tịnh Không được vì Hòa thượng không được học Phật pháp tại
trường Phật học đến nơi đến chốn, mà chỉ học Phật pháp với cư sĩ Lý Bĩnh Nam. Bản
thân cư sĩ Lý Bĩnh Nam cũng không học Phật pháp bài bản ở các trường lớp Phật học.
Do đó, những giới hạn về tri thức Phật pháp ở HT. Tịnh Không là điều dễ hiểu và
thông cảm được.
Truyền bá Tịnh
độ tông Tây phương theo kiểu thiên cực nêu trên sẽ làm cho người ta mê chấp, vì
sự hứa hẹn vãng sinh Tây phương thông qua hộ niệm vãng sinh với các thoại tướng
vốn do Trung Quốc đặt ra, không do đức Phật dạy. Do lòng tham dẫn dắt mà rất
nhiều người chạy theo Tịnh độ tông kiểu này, tu quá đơn giản, quá dễ. Thực tế,
nếu không hội đủ năm tiêu chí như kinh A-di-đà đã nêu thì dù cho có được “hộ
chiếu Tây phương” đi nữa, cũng bị “từ chối Visa” thôi, vì nghiệp quyết định cảnh
giới tái sinh chứ không phải ước muốn của con người quyết định. Ta nên nhớ điều
này.
Dù cho các vị
Phật có phát nguyện thế nào đi nữa, trong độ sinh, các ngài không thể làm ngược
lại với tứ diệu đế. Đó là lời đức Phật Thích Ca đã khẳng định. Phật quá khứ
truyền bá Tứ diệu đế. Phật hiện tại, tức Phật Thích Ca truyền bá Tứ diệu đế. Phật
tương lai, tức Phật Di Lặc cũng truyền bá Tứ diệu đế.
Về điều này, đức
Phật đưa ra ẩn dụ về con đường đến tòa lâu đài. Giống như tòa lâu đài bị che giấu
và ẩn khuất ở trong rừng sâu nhiều năm, Ngài may mắn tìm ra được con đường đi đến
tòa lâu đài đó, mở được các cánh cửa, đi vào bên trong, nhìn thấy các báu vật.
Trong ẩn dụ này, các báu vật được hiểu là tứ diệu đế. Đức Phật truyền bá lại
báu vật đó bằng cách vẽ con đường (tức các kinh điển) và hiến tặng miễn phí cho
chúng. Đức Phật cho rằng Ngài không phải là tác giả của chân lý. Đức Phật chỉ
là người khám phá ra chân lý. Chân lý đã có sẵn. Đức Phật chỉ đường chân lý.
Các đức Phật quá khứ và đức Phật tương lai cũng chỉ là người chỉ đường. Bát
chính đạo là con đường. Công bố Bát chính đạo là truyền bá con đường giải phóng
khổ đau.
Dù phát nguyện
là một phần của tâm từ bi, ta không thể làm đạo trên nền tảng phát nguyện đơn
thuần được. Nên nhớ rằng “cầu bất đắc khổ” là một trong tám loại khổ thuộc về
tinh thần. Do đó ta đừng bận tâm là Phật A-di-đà có thật hay không, Tây phương
Tịnh độ có thật hay không. Triết lý của Tịnh độ tông nằm ở chỗ, khi đạt được
công đức lớn, căn lành lớn, nhân duyên tốt lớn, quán pháp âm lớn và nhất tâm bất
loạn thì người đó đã trở thành thánh nhân trong hiện tại rồi. Thánh nhân có mặt
ở chỗ nào thì cực lạc, niết bàn có mặt ở chỗ đó. Đó là chiều sâu của kinh
A-di-đà. Sẽ là sai lầm nếu ta tu Tịnh độ theo cách “yểm Ta-bà, hân Tịnh độ,” do
Trung Quốc chủ trương. “Yểm Ta-bà” là chán ghét Ta-bà, mà chán ghét thuộc về
tâm sân. Đang khi, “hân Tịnh độ” là đam mê, thuộc về tâm tham. Xây dựng pháp
môn trên tâm sân và tâm tham thì không thể có được chính niệm và chính định.
Giữa hai trường
phái Tịnh độ tông nêu trên (Tịnh độ nhân gian và Tịnh độ Tây phương), tôi khích
lệ Tịnh độ tông nhân gian theo mô hình của HT. Tinh Vân, vốn rất chuẩn. Rất tiếc
là mô hình Tịnh độ tông nhân gian đó ít được biết đến tại Việt Nam, bởi vì nó
đi đúng đạo Phật gốc, đúng đạo Phật nguyên chất. Tịnh độ tông nhân gian khích lệ
tinh thần tự lực, tự mình thắp đuốc lên mà đi. Con người dễ làm biếng, dễ ỷ lại,
không muốn làm gì nhiều mà muốn có thành quả lớn. Đó là tâm lười cộng với tâm
tham, bị chi phối bởi tâm vô minh. Người ta có thể chạy theo hình thức Tịnh độ
tông Tây phương và kết cục là tự mình bị thiệt thòi và trở thành nạn nhân của
cách tu không phù hợp với bát chính đạo.
Trong lúc làm
đạo, các tăng sĩ nên tránh tình trạng mong có quần chúng nhiều, quần chúng sớm
mà truyền bá một đạo Phật mê tín. Dụ dỗ người khác thì rất dễ nhưng rồi chúng
ta không thể thoát khỏi luật nhân quả. Có quần chúng để làm gì nếu họ hiểu sai
đạo Phật, làm sai những điều Phật dạy? An ủi những người khổ đau có nhiều cách.
Lời dạy của đức Phật là triết lý sâu sắc. Không xem mình là nạn nhân là cách
góp phần kết thúc khổ đau. Không xem người khác là tác giả của khổ đau, ta sẽ
không gây tạo thêm hận thù chồng chất. Để có các công bằng xã hội mà mình xứng
đáng được hưởng, ta được quyền nhờ đến luật pháp, trong vài tình huống, chứng
minh mình vô tội. Để làm công việc đó, chúng ta có thể nhờ đến luật sư nhưng đừng
để tâm sân chi phối, dẫn dắt. Không nên tìm đến sự an ủi bằng những điều mang
tính hứa hẹn quá nhiều, giá trị thật của hứa hẹn không cao.
Nói tóm lại,
tu theo Tịnh độ tông phải dựa vào kinh A-di-đà và Kinh niệm Phật Ba la mật. Tịnh
độ tông phương tiện thì hứa hẹn nhiều. Nên nhớ lời hứa hẹn không phải là hiện
thực, đừng để cho lời hứa hẹn dẫn dắt chúng ta.
Trong quá
trình làm đạo, chúng tôi kính mong chư tôn đức Tăng Ni đừng bận tâm và thiên nặng
về lời phát nguyện đơn thuần. Hãy bận tâm đến chủ nghĩa hành động cụ thể. Thay
vì lời cầu nguyện mơ hồ và thiếu thiết thực như “cầu cho tất cả chúng sinh đều
thành Phật” thì mỗi người Phật tử hãy phát nguyện mỗi năm tôi phải độ được một
vài người thân và bạn bè làm Phật tử. Làm như thế, trong một kiếp người sáu bảy
chục năm, ta độ được tối thiểu sáu bảy chục người làm Phật tử. Vậy là tạo nhân
duyên tốt lớn rồi và có được công đức lớn rồi. Nếu lúc nào cũng nói “cầu cho
chúng sinh” thế này, thế kia mà chẳng làm gì hết, chỉ ngồi niệm và cầu nguyện
đơn thuần thì không thể có kết quả được.
Trong kinh
Trung bộ, đức Phật đưa ra ẩn dụ vắt sữa bò ở sừng, lưng, chân… của con bò cái,
dù có ước nguyện chân thành cũng không thể có sữa bò được. Phải vắt sữa ở vú bò
mới có sữa được. Ý đức Phật muốn nói rằng ước nguyện chỉ là một yếu tố tâm lý,
giúp ta vững tin trên con đường mà chúng ta đang làm. Người mê tín nghĩ rằng do
cầu nguyện, do phát nguyện mà tôi được cái này, cái khác.. là không đúng. Phải
làm, phải có trí tuệ, có nỗ lực tinh tấn, có kiên trì không gián đoạn mới có kết
quả. Cùng là một vấn đề, người hiểu đúng Phật giáo sẽ lý giải theo nhân quả,
người “lơ tơ mơ” sẽ lý giải bằng mầu nhiệm và ban phước.
Đạo Phật không
phải là đạo mầu nhiệm, mà là đạo trí tuệ. Trong bát chính đạo không có cầu nguyện,
không có trì chú. Đức Phật nói trong Kinh Trung bộ rằng ai sống với nghề trì
chú là đang sống với tà hạnh và không thể đạt được đạo đức cao. Trong ba bộ
Veda thời đức Phật, có một bộ chứa đựng mấy ngàn câu thần chú. Mấy trăm năm sau
khi Đức Phật qua đời, các tu sĩ Ấn Độ vay mượn thần chú của Bà-la-môn giáo, giới
thiệu vào đạo Phật. Qua đến Trung Quốc thì Trung Quốc sáng tác thêm bài kinh Thủ
Lăng Nghiêm để mặc nhiên thừa nhận thần chú là lời Phật dạy. Đại đa số quần
chúng chạy theo Tịnh độ tông và Mật tông vì họ được hứa hẹn, họ bị nghiện phước
báu, nghiện Cực lạc, nghiện hạnh phúc mà không cần phải làm nhiều, tu tập nhiều.
Tu bát chính đạo thì nghiêm túc và khó hơn. Vấn nạn nằm ở đó.
Đức Phật dạy
chúng ta: “Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi, hãy tự mình xây dựng hòn đảo cho
chính mình, không nương tựa vào một ai khác, không lệ thuộc vào bất cứ cái gì
khác, lấy chính pháp và đạo đức làm nơi nương tựa.” Chính pháp và đạo đức là thầy
của chúng ta, chứ không phải thần chú và danh hiệu Phật.
Trong thời đức
Phật, niệm Phật là niệm danh từ chung, khác với Trung Quốc niệm danh từ riêng.
Niệm danh từ chung là niệm mười đức hiệu của đức Phật, gồm có Như Lai, Ứng
Cúng, Chính Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều
Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Do vậy, mỗi khi niệm mười đức hiệu
này, chúng ta phải nỗ lực đạt được các nhân cách Phật nêu trên. “Ứng cúng” là
đáng cúng dường, muốn đáng cúng dường phải có giới hạnh thanh cao. Niệm Phật
theo cách này là cách tu và học theo nhân cách Phật để đạt được các nhân cách
vĩ đại đó.
Qua đến Trung
Quốc, niệm Phật trở thành niệm danh từ riêng: “Nam Mô A-di-đà Phật”. Về sau,
người ta cường điệu hóa năng lực mầu nhiệm của đức Phật A-di-đà qua bốn mươi
tám lời nguyện của thầy Pháp Tạng, vốn không phải của đức Phật A-di-đà. Phật
giáo Tịnh độ tông của Trung Quốc mặc nhiên xem thầy Pháp Tạng là hóa thân của
Phật A-di-đà và truyền bá bốn mươi tám lời nguyện đó như là chân lý của đức Phật
A-di-đà. Đó là ngộ nhận cần điều chỉnh.
Hai cách niệm
Phật danh từ chung và danh từ riêng nêu trên hoàn toàn khác nhau. Niệm Phật
danh từ chung là cách niệm để học các đức hiệu tốt đẹp để đạt được chính niệm.
Niệm Phật danh từ riêng là để cầu phước báu vãng sinh Tây phương. Muốn đạt tới
chính niệm thì phải loại trừ hết tất cả các ước nguyện.
Đang niệm Phật
mà để cho ước nguyện, phát nguyện, hay hồi hướng công đức xen lẫn vào thì hành
giả không còn chính niệm nữa, vì đang bị vọng niệm và tham chi phối. Khi niệm
Phật đúng cách thì không cầu nguyện đang lúc niệm. Khi kết thúc thời niệm Phật
rồi mới hồi hướng công đức. Lúc đó, hành giả đang thực tập từ bi, hướng tâm về
người khác. Từ việc hướng tâm về tha nhân một cách tích cực, ta mới có các hành
động phụng sự con người một cách cụ thể, như một hệ quả kéo theo sau.
Ngày nay, phần
lớn chúng ta ít chú trọng đến hành động từ bi cụ thể, mà chỉ tập trung vào phát
nguyện. Cuối cùng, tu theo cách này là “tu trên mây”, tu thiếu hiện thực và tu
thiếu nhập thế.
Cần xác nhận ở
đây rằng tôi không tấn công cá nhân, không phê phán Tịnh độ tông, mà chỉ nói về
các hình thái của Tịnh độ tông, phái nào gần với đạo Phật gốc và phái nào quá
xa với đạo Phật gốc. Sự lựa chọn còn lại là của người đọc và nghe mà thôi.
Đúng hay sai
tùy mọi người phán xét. Chúng tôi không tư biện. Chúng tôi dựa vào kinh điển để
đánh giá vấn đề, chứ không dựa vào thành kiến, định kiến cá nhân, thể hiện quan
điểm với một trường phái hay con người nhất định nào đó. Mục đích duy nhất của
chúng tôi là làm thế nào để truyền bá lời Phật dạy một cách chính xác, giúp quần
chúng lắng nghe, rồi áp dụng lời Phật dạy vào đời sống hàng ngày, để đạt được
an lạc, hạnh phúc, bây giờ và tại đây.
Thích Nhật Từ