KHE KHẼ NÀO! CÙNG CHƠI VỚI...

1/ Xếp một hàng dài 15, 20 sói con. 

2/ Sói trưởng đưa cho sói con đứng đầu đọc một mảnh giấy viết về một câu chuyện gì đó dài năm bảy câu, xong rồi lấy mảnh giấy lại.

3/ Sói con đầu tiên nầy kề tai kể lại toàn bộ câu chuyện cho sói con thứ 2 đứng kế sau.

4/ Rồi sói con thứ 2 kề tai kể cho sói con thứ 3, lần lượt như vậy cho đến hết hàng.

5/ Sói con cuối cùng sẽ phải kể lại lớn lên cho mọi người cùng nghe về câu chuyện đó.

Kết quả là 100 lần như một, tất cả đều lăn ra cười khi so sánh lại và thấy câu chuyện cuối cùng khác hẳn với câu chuyện ban đầu trong mảnh giấy của Sói trưởng bao nhiêu.

Trò chơi nầy được dùng trong những khóa huấn luyện về truyền thông.

Trò chơi nầy cho thấy trong một khoảng thời gian không hơn 10 phút, với một câu chuyện giản dị không dài quá 10 câu, mà sự thiếu chính xác trầm trọng trong việc truyền miệng kể lại từ người nầy sang người khác vẫn không tránh được.

Theo lịch sử thì sau khi Đức Phật Thích Ca nhập diệt, lần đầu tiên mà những lời dạy của Ngài được ghi chép lại bằng chữ nếu sớm nhất là gần 500 năm sau đó, và nếu trễ nhất cũng có thể là 900 hay 1000 năm sau đó. Điều nầy có nghĩa là những lời dạy của Đức Phật Thích Ca phải đã được truyền miệng qua ít nhất là 10 thế hệ và có thể đến 20 thế hệ sau trước khi chúng được ghi chép xuống. (Theo các nhà nghiên cứu ở thời điểm đó của nhân loại, mỗi đời người chỉ sống trung bình khoảng 40-50 năm mà thôi).

Toàn bộ 3 tạng kinh Phật nầy khi dịch ra các ngôn ngữ hiện nay dầy trung bình mấy ngàn trang giấy, trong đó chứa nhiều Quyển, nhiều Chương, nhiều Tập. Khi phải truyền khẩu nhau từ đời nầy sang đời khác qua 10 đến 20 thế hệ một số lượng văn chương câu chữ khổng lồ chứa đựng những tư tưởng phức tạp và mới lạ như thế là một điều cực kỳ khó khăn. Và do đó những nhầm lẫn, sai lạc chắc chắn không thể tránh khỏi.

Như vậy trong trường hợp những lời dạy của Đức Phật Thích Ca, làm sao những lầm lẫn sai lạc không xảy ra khi phải truyền khẩu một số lượng câu chữ khổng lồ chứa đựng những tư tưởng phức tạp qua nhiều thế hệ?

Hơn nữa, trong khoảng thời gian nầy, tư tưởng tín ngưỡng trong xã hội Ấn Độ chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi Ấn Độ giáo cũng như bởi nhiều tôn giáo phụ khác. Sau 10 đến 20 thế hệ thì những ảnh hưởng nầy chắc chắn phải có tác động ít nhiều lên tư tưởng của những vị tăng, sư Phật giáo. Khi tư tưởng của một người bị ảnh hưởng thì những gì nằm trong trí nhớ của họ cũng có khuynh hướng bị ảnh hưởng tương tự.

Và như đã nói, ngay sau khi Đức Phật Thích Ca nhập diệt đã có nhiều sự bất đồng ý giữa các đệ tử về cách diễn giảng những lời dạy của Ngài. Đó có thể là lý do tại sao lịch sử Phật giáo cho thấy có nhiều tông, nhiều phái, nhiều quyển kinh có nội dung triển khai khác nhau. (Có lẽ đây cũng là quy luật cuộc sống, không riêng gì Phật giáo, mà các tôn giáo, trường phái, y học, võ thuật....cũng chịu những hệ quả này)

Nói chung, các dữ kiện trên cho thấy tất cả cái gọi là kinh Phật hiện tại, Đại thừa lẫn Tiểu thừa, rất có thể chỉ chứa một phần rất nhỏ những lời dạy thật sự của Đức Phật Thích Ca.

Ngay cả những đệ tử thân tín nhất của Đức Phật Thích Ca không bao lâu sau khi Ngài nhập diệt đã bắt đầu bất đồng ý với nhau về nội dung và ý nghĩa của những lời Ngài dạy. Sự bất đồng ý nầy vẫn còn kéo dài qua mấy ngàn năm nay cho đến bây giờ.

Đại đa số những kiến thức và tư tưởng trong toàn thể hệ thống kinh điển của Phật giáo đã chịu ảnh hưởng trầm trọng bởi nhiều tôn giáo khác như Ấn Độ giáo, Đạo giáo, v.v. Phần lớn kinh sách Phật giáo đã bị pha chế, thêu dệt, thêm bớt qua nhiều thế kỷ bắt đầu từ ngay sau khi Đức Phật Thích Ca nhập diệt. Những bản kinh nầy đã được phiên dịch và soạn thảo tam sao thất bổn qua nhiều đời bởi nhiều tu sĩ xuất xứ từ nhiều tông phái khác nhau, với nhiều trình độ đạo lý, nhiều quan điểm cá nhân khác nhau. Có những cuốn kinh không gì hơn là những câu chuyện mê tín dị đoan truyền kể lại.
Nói cách khác, khi cầm bất cứ quyển kinh Phật hiện hành nào mà tuyên bố “Phật dạy rằng…” hay “Đây là Phật chánh pháp…” thì hơi vội vàng khi chưa nhận định và tư duy kỹ càng, vì cái xác xuất “đúng” của câu phát biểu đó rất nhỏ........