CHÚA ƠI! CHÚA Ở CHỖ MÔ RỒI....

Hai người cùng làm tài xế, cùng một tín ngưỡng công giáo, cùng chạy một tuyến đường SG - Bảo Lộc, nhưng chạy hai nhà xe khác nhau, đó là hai người tài xế mà chúng tôi đã có dịp tiếp xúc ở hai lượt đi SG, về BL.

Phúc - người tài xế của chuyến xe đi xuống SG, ăn nói nhẹ nhàng lịch sự, thái độ cư xử với khách cũng nhã nhặn chu đáo. Anh gốc người SG, sau một kế hoạch làm ăn thất bại, anh đã trôi dạt về Bảo Lộc và lập gia đình tại đây. Một lần nữa lại thất bại với xưởng may gia công tại Bảo Lộc, anh chuyển sang làm tài xế thuê.

Trong chuyến đi, chúng tôi được sắp xếp ngồi gần anh, anh bắt chuyện:

- Tôi tuổi thân. Cách đây ba tháng, cùng đi chuyến xe, có sư thầy kia bảo tôi: "năm nay năm tuổi, mắc hạn Tam Kheo, sao La Hầu chiếu coi chừng vận nạn, nên cúng để giải trừ...." từ ngày đó, lúc nào tôi cũng nơm nớp lo âu, sợ hãi phập phồng. Tôi tín ngưỡng công giáo, một ngày không được đọc kinh, một tuần không được đi lễ là cảm giác nặng nề khôn tả, giờ sư thầy nói vậy, tôi biết cúng sao đây, bây giờ phải làm gì để giải nạn? (Có vẻ anh chất vấn nhiều hơn là mối lo sợ)

Chúng tôi bảo:

- Sao nặng xạo thì có. Có lẽ sư thầy mà anh nói là dân lừa bịp. Anh nghĩ xem, làm ăn buôn bán, ký kết, giao dịch, giao kèo phải có hoá đơn, chứng từ, hợp đồng, chữ ký hai bên rõ ràng, ra công chứng đàng hoàng. Ngay nơi hình thức xã hội đen - bảo kê, dàn xếp cũng có thương lượng, ra giá hẳn hoi, có đâu dùng hình thức mâm cổ quả, nhang đèn, hương khói mà cầu xin cúng vái một cái sao nào đó chỉ có danh xưng mà không hề thấy hình dáng tướng trạng ra sao. Gọi điện, soạn tin, viết email.... cũng còn cần địa chỉ, số điện thoại mới gởi đến người cần gửi, huống hồ một hợp đồng bảo hiểm sinh mạng. Tào lao!

Rồi chúng tôi phân tích, giải thích, chia chẻ vấn đề rộng ra, tuân thủ theo những quy luật khách quan trong cuộc sống. Anh gật gù thấm ý.....

Mấy ngày lo việc ở SG xong, sáng nay đi về, chúng tôi cũng được sắp xếp ngồi sau ghế tài xế.

Anh này, cũng là tín đồ công giáo thuần chất. Anh không giao tiếp với chúng tôi nhiều, bởi lẽ thời gian anh nói chuyện qua điện thoại chiếm cả rồi. mỗi lần mở miệng thì phun ra những lời hôi thối, những từ dơ bẩn. Đón khách, trả khách luôn chiêu đãi cho khách bằng thái độ hằn hộc, cấu gắt, cư xử thì lỗ mãng. Lái xe thì khỏi phải nói, nhiều lúc chúng tôi tính mở miệng kêu dừng xe nhưng rồi lại thôi. Trong tâm, cứ thầm mong: "Chúa ơi! Chúa ở đâu rồi? Bác tài đang chờ Chúa phục sinh đây"

Một niềm tin, hai tín ngưỡng. Cùng quy hướng, khác hành xử. Ai dám chắc người theo đạo là người có đạo? Thật may, còn duyên lành lặn, hít thở về tới nhà, viết vội vài dòng lên...