TỪ CHỐI SỰ THẬT

Có một người thương buôn nọ rất giàu có, nhưng vợ chết sớm và để lại cho ông một đứa con trai. Vì bận rộn việc mua bán ở phương xa, nên ông đành phải nhờ những người làm trong nhà chăm sóc con mình. Một hôm bọn cướp ập tới đốt phá làng, khiến nhiều người mất mạng trong trận hỏa hoạn ấy. Biết con trai mình cũng kẹt trong đám cháy, vị thương buôn ấy đã ngất đi.

Sau khi hỏa táng xong, ông ấy lấy chút xương tro của đứa con bỏ vào trong túi gấm. Đi đâu ông cũng mang theo bên người, đêm nào cũng lấy ra kể lể than khóc.

Bỗng đêm kia, bên ngoài có tiếng đứa bé xưng là con của ông. Nhưng ông lại nghĩ đó là ma hay bọn con nít trong làng đến chọc phá, nên kiên quyết không mở cửa.

Thật ra, đứa con ông chỉ bị bọn cướp bắt về rừng, còn đứa bé bị cháy đen mà ông đã thương khóc là một đứa bé khác trong làng. Nhưng mãi mãi ông không bao giờ biết được sự thật ấy khi sự nghi ngờ và cố chấp trong ông đã đóng bít cửa trái tim và đẩy đứa con của mình ra đi trong tuyệt vọng.

=  =  =  =  =  =  =

Cuộc sống luôn có những câu chuyện từa tựa như thế. Có khi sự thật đã đến gõ cửa rồi mà chúng ta cũng không chịu mở cửa. Bởi chúng ta vẫn tin chắc những nhận định của mình là hoàn toàn đúng đắn. Đó là thái độ cố chấp, bám chặt vào những kiến thức và kinh nghiệm tích lũy cũ kỹ để nhìn vào thực tại mới mẻ. Trong chừng mực nào đó, dĩ nhiên, kiến thức và kinh nghiệm tích lũy là thứ tài sản quý báu của con người. Nhưng nếu chúng ta không biết sử dụng nó một cách đúng đắn và hợp lý, thì nó sẽ trở thành những bức tường vĩ đại định kiến và thành kiến để ngăn cách chúng ta với sự thật.

Cho nên, bám chặt vào hiểu biết của mình mà không mở lòng ra để khám phá và tiếp nhận, tức là chúng ta tự tách mình ra khỏi sự thật và chúng ta đã chối bỏ sự thật.

Khi không hiểu được sự thật thì chúng ta dễ phát sinh thái độ nghi ngờ như một loại phản ứng bảo vệ cái tôi ích kỉ của mình. Bởi hầu hết những nghi ngờ của chúng ta đều cho rằng người kia có thể là kẻ xấu, chứ ít khi nào chúng ta nghi ngờ ngược lại.

Trong khi bản chất của sự nghi ngờ chỉ là thái độ thắc mắc, suy đoán, hay thử đặt ra những giả thuyết khác có thể xảy ra. Nên đó cũng là cơ hội tốt để chúng ta bắt tay vào công trình khám phá thêm sự thật về đối tượng ấy.

Nhưng thói quen "kinh điển" của chúng ta đâu giúp ta làm được điều gì khác, chúng ta thường nghi ngờ điều gì thì hầu như ta tin chắc đó là sự thật, không muốn tìm hiểu hay khám phá thêm nữa. Thậm chí, chúng ta còn có gắng thu thập, gom góp những thông tin có cơ sở chứng minh rõ ràng để giúp chúng ta hiểu đúng đắn hơn về đối tượng ấy, thì chúng ta cũng không dễ dàng mở lòng ra tiếp nhận.

Chúng ta luôn nghi ngờ: "Dò sông dò biển dễ dò/ Nào ai lấy thước mà đo lòng người". Chúng ta biến lời nhắc nhở nên cẩn thận khi đặt niềm tin thành câu thần chú bất di bất dịch để che đậy sự sợ hãi, yếu đuối và thiếu trách nhiệm của mình. Thế nên, có khi sự thật hiện bày sờ sờ ra đó nhưng chúng ta lại chìm đắm trong những suy tưởng miên man, để rồi rơi vào những nhận thức và phán xét sai lệch.

Càng sống trong điều kiện tiện nghi thì nội lực của ta càng yếu kém. Khả năng quan sát tinh tường để quyết đoán đúng sai hay thật giả của chúng ta không còn nhạy bén như xưa nữa. Chúng ta đã đặt đời sống của mình ở bên ngoài quá nhiều, hy vọng điều kiện hạnh phúc từ những đối tượng khác quá lớn, nên lúc nào chúng ta cũng lo sợ nghịch cảnh sẽ ập tới. Nếu chúng ta từng bị lừa dối, từng lăn xả trong chốn thương trường hay hoạt động chính trị, thì trong ta rất dễ hình thành thói quen cảnh giác với tất cả mọi đối tượng, dù với những người thân yêu.

"Không có lửa thì làm sao có khói", chúng ta vẫn thường dùng hình ảnh này để giải mã mọi vấn đề. Trong khi thực tế không có vấn đề nào giống vấn đề nào. Cũng như khói không nhất thiết phải sinh ra từ lửa, vì ngay cả khí lạnh cũng có thể sinh ra khói kia mà.

Ngay khi người kia không có một tín hiệu nào khả nghi cả, họ rất tốt và dễ thương, chúng ta biết rõ điều ấy nhưng chúng ta vẫn không cưỡng lại nổi cố tật nghi ngờ của mình. Chúng ta nghĩ thà nghi lầm còn hơn tin lỡ. Đó là một sai sót rất lớn của cơ chế tâm lý. Nếu không chữa trị thì sớm muộn gì nó cũng chuyển sang mức độ nặng hơn như là một cố tật…….