SỰ KHÁC BIỆT GIỮA PHẬT GIÁO SO VỚI CÁC TÔN GIÁO KHÁC


Trong các tôn giáo độc thần luôn có một đấng tối thượng. Đạo Phật thì chỉ coi một trình độ nhận thức được gọi là giác ngộ là tối thượng chứ không tồn tại một đấng tối thượng. Bậc Vô thượng bồ đề hay gọi đơn giản là Phật chính là một bậc mà mọi chúng sanh đều có thể đạt được nếu kiên trì tu tập và đạt tới giác ngộ.

Phật là danh từ chung để gọi một người đã giác ngộ, đạt tới cảnh giới giải thoát, ra khỏi luân hồi, hoàn toàn trong sạch và hơn nữa phải là người có lòng từ bi thương yêu, cứu giúp tất cả chúng sinh không phân biệt dù hy sinh cả bản thân mình. Sự suy tôn trong đạo Phật là do tự cảm phục trước lòng từ bi, đức độ và công hạnh của người đã đạt đến bậc Vô thượng bồ đề, là sự tôn trọng dành cho một nhà hiền triết, là sự tự nguyện noi theo đức độ và giải thoát chứ không hề có sự ép buộc phải phục tùng, cầu lợi. Chính Phật cũng đã khẳng định: "Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành".

Các tôn giáo khác thường có giáo hội và người đứng đầu, lãnh đạo toàn bộ tín đồ (ví dụ như Giáo hoàng của đạo Thiên Chúa, Khalip của Đạo Hồi). Đạo Phật có giáo hội nhưng không đặt ra người đứng đầu, các tín đồ đều bình đẳng. Trong đạo Phật, người có thời gian, cấp độ tu hành cao sẽ được các tín đồ khác trọng vọng, nhưng họ không có quyền chỉ đạo các tín đồ khác.

Trước khi nhập diệt, Phật Thích Ca đã để lại di ngôn là tăng đoàn sẽ không có người đứng đầu (để tránh tăng đoàn bị sa vào tranh chấp quyền lực, tài sản), các bài kinh và lời dạy của Phật là điều duy nhất tín đồ phải tuân theo: "Này A-Nan, thầy cho rằng các Tỳ-kheo không có nơi nương tựa, không có ai che chở sau khi Ta nhập diệt ư? Đừng nghĩ như vậy, những Kinh, Luật mà Ta đã giảng dạy từ khi thành Phật đến nay sẽ là chỗ nương tựa che chở cho các thầy đó... Này các đồ đệ, các con hãy tự làm đuốc để soi sáng cho các con, hãy trông cậy vào chính sức mạnh của các con; hãy tinh tấn tu hành"

Đạo Phật cho rằng mọi sự vật, hiện tượng (trừ trạng thái Niết Bàn) đều là vô thường, không thể tồn tại vĩnh hằng, có sinh thì phải có diệt. Duyên khởi thì sinh, duyên tận thì diệt. Ngay cả không gian, thời gian, các hành tinh và cả vũ trụ cũng vậy, cũng có khởi đầu, biến đổi và cuối cùng là kết thúc.

Trong Kinh Khởi thế nhân bổn, Phật thuyết giảng rằng đã có vô số các thế giới giống như Trái Đất từng được hình thành, phát triển rồi bị hủy diệt trong quá khứ, và tương lai cũng sẽ có vô số các thế giới sinh ra rồi hủy diệt như vậy. Trong khi đó, các tôn giáo độc thần đều cho rằng đấng tối cao của họ là vĩnh hằng, bất biến và sáng tạo ra vạn vật, cho rằng đấng tối cao đó không sinh ra từ đâu mà đã có khi vạn vật chưa tồn tại.

Các tôn giáo khác coi Trái Đất là trung tâm vũ trụ, loài người là sinh vật tối thượng do Thượng đế tạo ra. Đạo Phật thì cho rằng thế giới này chỉ là một trong muôn vàn các thế giới cùng hiện hữu, loài người (Nhân giới) cũng chỉ là một kiếp sống như các loài vật khác (súc sinh giới), có kiếp sống còn cao cấp hơn loài người (Thiên giới), và tất cả đều phải chịu luân hồi vô tận từ kiếp này sang kiếp khác. Phật Thích Ca từng nói: "Trên vũ trụ này còn vô số những thế giới khác, cũng như trong một ly nước cũng có vô số
 những con trùng trong đó". Quan điểm này hiện nay đã được khoa học chứng minh là chính xác.

Tóm lại, Phật giáo khác các tôn giáo khác ở chỗ: Phật giáo không thừa nhận có một Thượng Đế sáng tạo, ngự trị và chi phối đời sống của con người.

Khổ đau hay hạnh phúc là do mỗi con người tự tác thành cộng với sự chi phối của dòng nghiệp lực cũng do chính mỗi con người tạo ra.

Đức Phật dạy: “Con người trở nên cao qúi hay đê hèn không phải do nguồn gốc sinh thành từ gia đình hay đẳng cấp xã hội mà trái lại do chính hành động của tự thân làm cho con người trở nên cao qúi hay đê hèn.”

Thêm vào đó, điểm khác biệt căn bản trong hệ thống triết lý của Phật giáo và các tôn giáo khác là: Phật giáo cho rằng tất cả pháp (những gì có mặt trên cuộc đời, bao gồm cả tâm và vật) trên thế gian này đều là duyên sinh, có điều kiện; và do đó, tất cả pháp là vô ngã, không hề có một thực thể nào bất biến, vĩnh hằng, cũng không có ai làm chủ đời sống của con người, ngoài trừ con người cá thể.

Điều quan trọng nổi bật trong giáo lý của đạo Phật là tất cả chúng sinh đều có Phật tính, và đều có khả năng thành Phật. Sự giác ngộ, giải thoát tối thượng là chân lý bình đẳng đối với tất cả chúng hữu tình mà không phải là một ân sủng đặc biệt dành cho riêng ai. Đây là quan điểm bình đẳng vĩ đại, khó có thể tìm thấy ở những tôn giáo Thần quyền khác...

Trích dẫn từ nguồn wikipedia


Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét

Có viết cho nhau cả vạn lời,
Rằng thương rằng nhớ để rồi thôi,
Chi bằng trên đường đời vạn nẻo,
Sống Để Yêu Thương thế đủ rồi...