ĐẠO PHẬT CHỈ CÓ MỘT ĐẤNG GIÁO CHỦ

Hỏi: Kính thưa Thầy, con có nghe nhiều, thấy nhiều kinh sách nói về Phật A Di Đà, Phật Di Lặc, Hội Long Hoa, v.v.... con không hiểu kính xin Thầy giảng để chúng con hiểu.

Đáp: Phật A Di Đà là do các nhà Đại Thừa dựng lên để xây dựng thế giới siêu hình Cực Lạc Tây Phương tưởng, nhất là tưởng tượng và hy vọng “Cực Lạc” có nghĩa là rất vui, là nơi lý tưởng của các nhà Đại Thừa để sau khi chết họ sẽ về đó để hưởng hạnh phúc an lạc đời đời, kiếp kiếp.

Đức Phật Di Lặc cũng là một vị Thần trong kinh Vệ Đà mà các Tổ đã biến thành Giáo Chủ của Phật giáo trong thời vị lai.

Đức Phật Di Lặc là một đức Phật tưởng do các nhà Đại Thừa dựng lên, hy vọng ngày mai xây dựng một Phật giáo mới. Nói đúng hơn là lấy đức Phật Di Lặc đem lại niềm tin kinh điển Đại Thừa cho mỗi con người hơn. Cho nên quý vị không lạ gì bây giờ nhìn Phật giáo toàn cầu cúng, cầu an, cầu siêu, xin xỏ, bói toán, ngày giờ tốt xấu....và quý Thầy Cô thực hành cầu nguyện, cầu xin che chở ban phước, xem Đức Phật như thần như thánh trên mây trên trời....

Đức Phật Di Lặc đã được kinh sách Đại Thừa nói rất nhiều và kinh A hàm thuộc Hán tạng cũng có nói đến, đó là những bài kinh gạch nối của các Tổ sau này soạn viết đưa vào, đó là một thâm ý nham hiểm của các nhà Đại Thừa, đưa đức Phật Di Lặc ra để làm một cuộc cách mạng Phật giáo lật đổ đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni thay thế đức Phật Di Lặc làm Giáo Chủ Đạo Phật.

Hội Long Hoa, tức là cuộc cách mạng Phật giáo do các nhà Đại Thừa lãnh đạo, để mở màn cho đức Phật Di Lặc lên nắm quyền Giáo Chủ Phật Giáo toàn bộ thì lúc bây giờ kinh sách Nguyên Thủy sẽ bị triệt tiêu (tức là đường lối giáo lý của Phật Thích Ca Mâu Ni sẽ bị quét sạch).

Trong kinh sách Nguyên Thủy không bao giờ có nói đến đức Phật Di Lặc và trong hàng Thánh Tăng đệ tử của đức Phật trong thời điểm đó cũng không có ai tên là Di Lặc. Cho nên đối với kinh sách Nguyên Thủy tên Di Lặc là một tên xa lạ. Vậy mà sắp sửa lên nắm quyền giáo chủ Phật giáo, Xin quý vị Phật tử suy ngẫm.

Hội Long Hoa được xem như một cuộc trưng cầu dân ý bầu cử Đức Giáo Chủ mới cho Phật giáo. Các tôn giáo khác không hiểu dựa vào và bị ảnh hưởng kinh sách Đại Thừa, do đó tưởng ấm của con người này thể hiện qua “cơ bút” bằng cách lập lại cho biết ngày tận thế và hội Long Hoa sắp mở bày.

Riêng Phật giáo Nguyên Thủy không chấp nhận điều này:

“Quá khứ không truy tìm
Vị lai không ước vọng
Chỉ có hiện tại thôi”.

Ba câu kệ trên đây xác chứng Phật giáo Nguyên Thủy không chấp nhận những chuyện quá khứ và vị lai, chỉ biết sống trong hiện tại, vì thế quá khứ vị lai không cần biết đến, chỉ sống và làm mọi việc lành ngay trong hiện tại thì quá khứ và tương lai là hạnh phúc.
Biết Hội Long Hoa là một sự bịa đặt của các nhà Đại Thừa, chờ cơ hội thuận tiện nhất để mở một cuộc họp Phật giáo toàn thế giới, nếu tất cả tu sĩ Phật Giáo Nam Tông đều rơi vào các pháp thiền tưởng và chịu ảnh hưởng kinh sách Đại Thừa thì cuộc lật đổ Phật Giáo Nguyên Thủy đã bắt đầu, nhưng vì Phật giáo Nguyên Thủy còn có những người giữ gìn lời dạy của đức Phật nên Hội Long Hoa chưa triển khai được, vì thế các tổ chức Phật giáo kêu gọi sự hòa hợp bằng cách thống nhất các hệ phái Phật giáo.

Hiện nay các tổ chức Phật giáo thế giới đều công nhận Đại Thừa Phật giáo là một hệ phái của Phật giáo, đó là một bước thắng lợi thứ nhất của Phật giáo Đại Thừa.

Đó là một thâm đồ sâu sắc của Bà La Môn giáo đã dựng lên đức Phật Di Lặc là có ý diệt trừ Phật giáo tận gốc., mà hầu hết các tu sĩ Phật giáo hiện giờ: Nam Tông lẫn Bắc Tông đều vô tình không thấy ý đồ thâm độc của Bà La Môn giáo ngày xưa.

Kinh sách nói về Phật Di Lặc và Hội Long Hoa là do các giáo sĩ Bà La Môn viết, soạn ra rồi đưa vào kinh sách Phật giáo, mạo nhận Phật thuyết, lợi dụng Phật giáo kết tập kinh sách chưa thành văn bản, nên lúc bây giờ ai muốn thêm bớt sao cũng được và dễ dàng.

Cho nên người nghiên cứu kinh sách Phật hiện giờ đều gặp phải khó khăn, vì những bài kinh này mâu thuẫn với những bài kinh khác, khiến cho chẳng biết đâu là lời Phật dạy chân chánh, đâu là lời giả. Ở trường hợp này chỉ dối gạt người chưa tu chứng, không thể dối gạt người tu đã chứng.

Vì thế chúng tôi mạnh dạn lật tẩy bộ mặt thâm độc của Bà La Môn giáo để cho Phật tử và mọi người hiểu rõ.

Nếu bảo rằng quá khứ có bảy vị Phật thì khi đức Phật Thích Ca Mâu Ni đi tu thì phải có đạo Phật. Cớ sao trong thời đó lại chỉ có Lục Sư ngoại đạo mà không thấy có cái tên Phật giáo?

Đến khi đức Phật Thích Ca Mâu Ni tu hành chứng quả giải thoát thành lập tôn giáo Phật giáo, nhờ thế chúng ta hiện giờ mới có đạo Phật, mới có bốn chân lý: khổ, tập, diệt, đạo.

Trong thời đức Phật đi tu không nghe nói đến bốn chân lý này như vậy mà bảo rằng có đạo Phật ở quá khứ là sai, do người sau đặt ra thêm vào để mưu đồ lật đổ đức Phật Thích Ca mâu Ni.

Do thế mà thời tương lai có một người tên là Từ Thị hiệu là Di Lặc được suy tôn chức Giáo Chủ thay đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Trong tôn giáo mà cũng có những sự tranh giành vị trí lãnh đạo như các nhà vua phong kiến ở thế gian thường tranh giành ngai vàng.

Theo kinh sách Đại Thừa đạo Phật có ba vị Giáo Chủ:

I/ Bảy vị Phật Giáo Chủ ở quá khứ:
II/ Một vị Phật Giáo Chủ ở hiện tại là: Thích Ca Mâu Ni.
III/ Một vị Phật Giáo Chủ ở tương lai là: Đức Phật Di Lặc.

Sự phân chia đạo Phật có ba thời gian Giáo Chủ như vậy chẳng khác gì như các vua quan phong kiến như đã nói ở trên. Ông vua này xuống đến ông vua khác lên thay. Mỗi ông vua cai trị đều có cách khác nhau. Giáo Pháp Đại Thừa cũng giống như vậy, cho nên Phật Thích Ca Mâu Ni đã trở thành Phật quá khứ và giáo pháp của Người cũng lỗi thời vì thế mới gọi nó là “Tiểu Thừa Ngoại Đạo”
.
Còn nếu bảo rằng giáo pháp cần phải phát triển cho phù hợp với mọi hoàn cảnh và sự tiến bộ của loài người thì đó là phỉ báng đức Phật xem như đức Phật không thông suốt thời vị lai nên đã di chúc: “Lấy giới luật và giáo pháp của mình làm Thầy làm chỗ nương tựa tu hành vững chắc”. Nếu đức Phật di chúc như vậy và bây giờ các Tổ Phát triển kinh sách như vậy thì chúng ta còn tin Phật nữa hay không?

(Trích Đường Về Xứ Phật)