Tâm bất động thanh thản an lạc và vô sự
là chân lý của cuộc sống. Nói ra thì đúng là khó tin, ít ai hiểu và không dễ gì
làm được. Chỉ cần chúng ta chịu khó quan sát một chút thì chúng ta sẽ dễ dàng
nhận ra được ngay vì sao không dễ gì làm được, nhưng không có nghĩa là không
làm được.
Tâm con người hằng ngày luôn phải tính
toán, suy tính, lo lắng, buồn phiền, khổ nảo, ưu bi, sầu khổ, v.v… Vì sao vậy?
Vì con người chưa biết buông xả tất cả.
Vậy những gì cần buông xả? Tất cả, tất cả và tất cả.
Ai ai từ nhỏ đến lớn đều tự đặt mình vào
guồng máy quay của xã hội, tự đặt mục đích cho cuộc sống của mình. Chính mục
đích của cuộc sống đó đã lôi con người từ đông sang tây, từ tây sang đông, từ
nam lên bắc, từ bắc xuống nam, từ thương đến ghét, từ ghét đến thương, từ buồn
đến vui, từ vui đến buồn, từ thành công đến thất bại, từ thất bại đến thành
công, từ khồ đến hạnh phúc, từ hạnh phúc đến khổ, v.v…
Tất cả đều do chính con người tự làm khổ
mình. Ngoài chính bản thân mình không còn ai khác. Do vậy muốn có được tâm bất
động thanh thản an lạc và vô sự thì con người phải biết buông xả tất cả từ mục
đích, dục lạc, ác pháp, tiền bạc, danh vọng, ăn uống, …
Có buông xả thật sự thì con người mới cảm
nhận được sự thanh thản thật sự của cuộc sống.
Không phải tâm không niệm là tâm bất động
thanh thản an lạc và vô sự. Tâm bất động thanh thản an lạc và vô sự là tâm ly dục
ly ác pháp, là tâm vẫn có niệm như một người bình thường nhưng chỉ toàn niệm
thiện, chỉ toàn niệm không tham, không sân, không si, không mạn và không nghi.
Do vậy hãy sống với tâm buông xả mọi dục
lạc và ác pháp thì tâm sẽ tự nhiên bất động thanh thản an lạc và vô sự, không cần
phải phí công sức nào, không cần ngồi thiền, tụng kinh, lần chuổi, đọc kinh, đi
chùa hay nhà thờ, không cần thờ lạy thần thánh hay thượng đế nào, không cần niệm
chú, ca hát gì cả...
(Khuyết danh)