CẦU CÓ AN CHĂNG?

Câu hỏi: “Việc viết sớ cầu an, cầu siêu khi đến chùa vào những ngày lễ, người Phật tử có thói quen dâng hàng ngàn lá sớ, các thầy các sư cô đọc khô cả cổ mà người viết sớ thì không ngồi ở đó hoặc không có mặt ở buổi lễ, như thế việc cầu an, cầu siêu có lợi lạc không?”

Trả lời: Phật tử có thói quen dâng một lá sớ có đủ các thành viên trong gia đình và họ tộc mà chỉ có 1 người đi dự lễ. Vì niềm tin mê tín, người ta tin rằng phải đọc tên của mình lên cho Phật nghe, Phật mới chứng giám, gia hộ, do đó phước quả mới trổ với chúng ta. Đó là hiểu sai, nếu đức Phật nào, Bồ Tát nào làm như thế thì các Ngài ấy là ô dù và bao che; luật pháp hiện đại tố cáo các hình thức bất công, ô dù và bao che vì nó là bất bình đẳng, dẫn đến lợi ích nhóm. Các đức Phật có lòng từ bi, không thể gia hộ cho những người đến cúng Ngài và được đọc tên bởi các thầy tu và không gia hộ cho những người không được các thầy tu đọc tên – giống như đức Phật là chủ xị của các bất công xã hội vậy.

Do vậy, khi các Quý Phật tử tham dự một khóa Kinh, tâm chúng ta tập trung buông xả mọi thứ, lúc đó tâm chúng ta được bình an; hiểu nghĩa Kinh thật là rõ và ứng dụng trong đời sống thực tiễn, ngoài việc bình an chúng ta còn được thêm nhiều giải pháp cho các vấn nạn khác. Phước báu của việc đọc Kinh hoàn toàn lệ thuộc vào việc hiểu và ứng dụng Kinh trong cuộc đời. Cho nên các Phật tử phải đổi thói quen, thay vì phải lệ thuộc vào các thầy, các sư cô đọc và xướng tên của mình lên qua các sớ dâng lễ, các thầy, ni khi đọc câu “đệ tử chúng con tên là ….” nếu quý vị muốn an tâm thì hãy tự xướng tên mình và người thân trong đầu, như vậy chỉ trong vòng 3 giây thì hàng vạn cái tên đã được nêu ra ở trong đầu của mình để chúng ta giải quyết nỗi lo lắng thôi.

Trên thực tế, cầu như thế không giải quyết được vấn nạn chúng ta đang lo đâu, người chết vẫn chết, người bệnh vẫn bệnh, người già vẫn già, khủng hoảng tài chính toàn cầu vẫn khủng hoảng. Như vậy cầu nguyện, chỉ giúp chúng ta trấn an về mặt tâm lý, việc làm phúc sẽ trở thành các hộ pháp thật theo đuổi chúng ta trên từng cây số, để bảo hộ chúng ta thoát khỏi các cơn nguy khốn; cho nên ai làm nhiều các việc thiện, thì vượt qua các trở ngại rất là dễ dàng. Các quý vị nào làm ăn thì rất rõ, cũng trong một môi trường hoàn cảnh giống như nhau, người khác sập tiệm mà mình thì vẫn đứng vững; trong tai nạn tập thể, có người chết tập thể, có người vẫn sống bình thường. Điều này không ai bao che được, cũng không phải do cầu nguyện mà được như thế, chỉ do phước tuổi thọ và những phước khác ở mỗi người gieo trồng hoàn toàn khác nhau cho nên dẫn đến các kết quả hoàn toàn khác nhau thôi.

Do đó, để hiểu được đạo Phật chính chắn, các Quý Phật tử khi đi chùa tham dự khóa Kinh không cần phải ghi tên của mình và gia đình mình để yêu cầu các thầy/ ni phải đọc. Lẽ ra các thầy không đọc, nhưng vì nhiều Phật tử mê tín, không đọc thì các Phật tử không đi chùa; chính vì thế mà các thầy, các sư cô phải làm việc mà đức Phật cấm, không nên làm. Do chiều theo Phật tử, mà nhiều thầy phải làm những việc không nên làm.

Trong tinh thần Phật dạy, chúng ta có một ví dụ như sau: Một người đào giếng, không cần phải cầu nguyện mặt trăng, mặt trời xuất hiện trên mặt giếng, chỉ cần đào đến độ sâu nước có mặt thì tự động về ban đêm mặt trăng xuất hiện, về ban ngày mặt trời xuất hiện. Khi chưa đào đến độ sâu nước có mặt, thì có cầu nguyện vạn lần, trì chú vạn lần, có niệm Phật vạn lần, chúng ta cũng không có nước và cũng không có mặt trăng, mặt trời. Đó là Nhân Quả.

Nghi thức cầu an và cầu siêu do Trung Quốc soạn ra, đức Phật không dạy thế. Trong bài Kinh số 2 sau khi giác ngộ, đức Phật dạy chúng ta vô hiệu hóa nỗi khổ niềm đau, bài kinh đó có tên là “Kinh Vô Ngã”, tất cả nỗi đau bám trên thân: đau đầu, đau tim, đau gan, đau thận, đau bụng, đau tay chân,… tất cả các nỗi khổ bao gồm: khổ cảm xúc, khổ thái độ, khổ tâm tư, khổ nhận thức, … liên hệ đến tâm.

Khi đối diện trước nỗi đau, đức Phật dạy chúng ta quán niệm như sau: trên cơ thể và chi phần nào đó trong cơ thể không phải là Tôi, không phải là tự ngã của Tôi, không phải là sở hữu của Tôi. Trên thực tế, nó đang nằm trên thân mình, mình vô hiệu hóa nó, nên nỗi đau đó không làm cho ta bị khổ tâm. Tương tự khi khổ về cảm xúc hay thái độ, chúng ta được Phật dạy quán niệm như sau: cảm xúc khổ đau này, thái độ khổ đau này, không phải là tôi, không phải là tự ngã của tôi, không phải là sở hữu của tôi. Cho nên nó không tiếp tục tồn tại trong não trạng của chúng ta, do vậy chúng ta buông xả và rũ bỏ khổ một cách nhanh chóng và an toàn. Muốn như thế, ta phải kết thúc việc gắn kết nỗi khổ niềm đau với kiếp quá khứ. Đức Phật dạy: muốn sống hạnh phúc thì hãy rũ bỏ kinh nghiệm quá khứ về khổ đau đi, vì nếu ta ký ức quá khứ khổ đau, chúng ta đang hâm nóng nỗi khổ niềm đau thêm nhiều lần nữa và chúng ta đang trù dập chính mình. Và khi thực tập như thế, người thực tập sẽ được an.

Còn để cầu siêu, thì đức Phật dạy chúng ta cũng quán tưởng: thi thể này không phải là tôi, không phải là tự ngã của tôi, không phải là sở hữu của tôi. Vợ chồng hợp pháp, con cái hợp pháp, gia tài, sự nghiệp, địa vị, danh vọng, chức tước mọi thứ động sản và bất động sản tôi gieo tạo được trong kiếp sống này không phải là tôi, không phải là sở hữu của tôi thì người đó mới dễ dàng siêu sinh thoát hóa được. Khi còn sống, ta có trách nhiệm với sở hữu về phương diện luật pháp hoặc dân sự nhiều chừng nào thì khi chết chúng ta phải rũ bỏ nó nhiều chừng đó thì mới dễ dàng tái sinh. Còn ai không tập thói quen này, lỡ chết vô thường mà tài sản nhiều quá, có thể vướng kẹt đào thai làm con chó, con mèo trong gia đình đó, để mỗi ngày nhìn khối tài sản đó nhưng không tiêu thụ được.

Mỗi khi ta làm phước, cũng giống như chúng ta mở tài khoản công đức và nạp số tiền công đức vào tài khoản đó, làm phước cho người khác, cho từ thiện xã hội, cho chùa chiền chẳng mất đi đâu, đó là hình thức đang giữ và nuôi với lãi suất rất là thiết thực. Còn người không biết làm phúc, sau khi chết, phần lớn rơi vào sự tiếc nuối, và chấp chước khối tài sản bị chia tay 1 cách bất đắc dĩ và ngoài ý muốn. Cho nên trong cầu an và cầu siêu, chúng ta phải khuyên người chết rũ bỏ mọi sự tiếc nuối về tình yêu, tình thân, gia tài, sự nghiệp, hận thù và oan trái; còn việc đọc tên hay không đọc tên không quan trọng. Chỉ cần nhẩm tên mình trong đầu để được an tâm thôi.

Nếu trong ngày cầu an đầu năm, mùng 8 tháng Giêng (âm lịch), cái chùa trung bình như chùa Giác Ngộ có khoản gần 30 cuốn vở 100 trang, mỗi trang 22 cái tên thì đọc hết bao nhiêu giờ mới hết danh sách đó? Chùa lớn như chùa Vĩnh Nghiêm, có thể có 100 quyển vở 100 trang, mỗi một trang 22 tên, thì có phải đọc 3 tháng mới hết. Thời hiện đại này chúng ta có kiến thưc toán học, chỉ cần nhắc các Phật tử “đệ tử chúng con tên là” mỗi người tự nhẩm tên mình mong đức Phật gia hộ để chúng ta an tâm thôi. Muốn bình an thật sự phải làm việc tốt, chứ đức Phật không thể ô dù bao che. Đó là cốt lõi của cầu an, cầu siêu trong đạo Phật.

Thích Nhật Từ