TÌNH NGƯỜI

Tết năm nay, cái đói lại tràn về thôn xóm, buôn bán thì ế ẩm, đôi ba lần cũng chỉ những khách quen, mua mớ rau, chút muối. Hiếm lắm mới gặp một người khách sộp, đi xa, tiện đường ghé qua mà chút mua quà quê. Sáng nay tôi thấy trong người mệt mỏi, lưng đau nhức, nên chẳng thể dọn hàng ra chợ, nhủ rằng thôi thì ráng dọn ra, bán được đồng nào hay đồng ấy, thế mà cái Mai nó thương mẹ, bảo tôi cứ nằm nhà nghỉ một hôm, nó tự bán một mình cũng được.

Cái Mai là con gái của tôi. Năm nay nó mới 15 tuổi, cái tuổi đáng lẽ phải ăn phải ngủ, thế mà… Nhà có hai mẹ con, bố nó đi biên giới rồi biệt tăm từ ấy. Hai mẹ con rau cháo nuôi nhau, gia cảnh thì túng thiếu, chắc chiu lắm mới đủ tiền cho con nó ăn học. Cũng may con bé biết thương mẹ, chịu khó học hành, năm nào cũng được loại giỏi. Hằng ngày, cứ một buổi đi học, một buổi giúp mẹ bán hàng. Kể từ khi tôi trở đau nặng cái bệnh đau lưng mãi vẫn không khỏi, tiền bạc thì như gió vào nhà trống, mọi thứ trong nhà lần lượt ra đi theo bệnh tình của tôi, mà nào thấy thuyên giảm. Thương con, nhưng không đủ khả năng để con bằng bè bằng bạn, mỗi bận nhìn cái Thảo nhà ông Tư có cái áo mới, cái xe đạp mới, tôi thấy chạnh lòng lắm, còn cái Mai nó bảo: “Con không cần mấy thứ đó, chỉ mong mẹ hết ốm là con vui rồi”. Nghe con nói, mà đứt từng đoạn ruột.

Sắp trưa, tôi gượng dậy xuống bếp nấu cơm cho con bé về ăn. Vét hết hũ gạo, cũng chỉ còn non một lon, tôi thở dài… Thôi thì đành nấu cháo rau xanh cho con ăn tạm vậy. Nhìn lại căn nhà, nói là một căn nhà, chứ nào có gì ngoài bốn vách tường tre xệch xạc. Cái nghèo cứ đeo bám mãi, hết đời này sang đời khác, chỉ mong đến đời con tôi, nó có học, rồi tìm được một công việc ổn định, cho nó bớt khổ.

Bỗng dưng bé Mai chạy ào vào gọi mẹ:

- Mẹ ơi, nhiều tiền lắm này mẹ.

Tôi bật dậy, nhìn chiếc túi xách trên tay con. Chiếc túi đẹp quá, chắc phải rất mắc tiền.

– Con lấy ở đâu ra? Con trộm của ai có phải không? Sao con hư quá vậy Mai, mẹ dặn con thế nào?

Bé Mai òa khóc, tôi hốt hoảng ôm con vào lòng, nhẹ nhàng bảo:
– Mẹ thương, con nói đi, con lấy cái túi này ở đâu?

Rồi bé Mai kể lại…

– Sáng nay con mới dọn hàng ra, có một cô xinh đẹp và sang trọng tới mua một ve dầu nóng. Cô ấy nói cô đi làm xa về, mới xuống xe, nhưng thấy đau đầu nên nhờ con đánh gió giúp. Một hồi, cũng đỡ mệt nên cô cảm ơn con rồi ra về. Khi con dọn dẹp hàng, thấy cái túi xách ở dưới ghế, biết là của cô nhưng con chạy theo không kịp.

– Con mở túi ra tìm chứng minh nhân dân cô ấy có để trong đó không? Để biết địa chỉ mà tìm cho dễ con ạ.

Bé Mai lục trong túi, ngoài số tiền 10 triệu đồng ra thì còn có rất nhiều giấy tờ tùy thân, và một chiếc nhẫn vàng trông rất nặng.

– Dạ , mẹ ơi! Hình như nhà cô ấy ở xa lắm. Phải làm sao hả mẹ.

– Thôi được rồi, con để túi đó, ăn cơm xong mẹ con mình tìm người trả lại.

Con bé xuống bếp, rồi hỏi với lên:

– Lại cháo hả mẹ?

Mắt tôi ngấn nước. Bỗng tôi nhìn chằm chằm vào chiếc túi. Giá mà nó là của tôi thì con tôi có vài bộ áo quần mới cho Tết đến, tôi sẽ mua cho con bé một chiếc xe đạp mới, đóng tiền học phí nợ nhà trường mấy tháng nay. Còn có thể trang trải trong nhà… Một phút trong đầu tôi bỗng lóe lên ý nghĩ đen tối, rằng sẽ giữ lấy cái túi cho mình. Rồi tôi gạt đi ngay, người ta chắc cũng phải làm lụng vất vả lắm mới có được số tiền này, mất nó, họ cũng sẽ đau buồn lắm.

– Mẹ à!

Bé Mai từ bếp đi lên, khép nép một góc giường, bé nói:

- Mẹ, hay là chúng ta giữ lại số tiền này nhé! Chừng ấy tiền có lẽ sẽ chữa khỏi bệnh cho mẹ, bệnh tình của mẹ ngày càng đi xuống, con sợ lắm mẹ à!

Nói rồi con bé òa khóc. Tôi bần thần nhìn con.

– Con ạ! Nhà mình tuy nghèo thật nhưng giấy rách phải giữ lấy lề, ông trời có nhân quả cả con ạ. Con phải làm một người tốt chứ con. Ban nãy mẹ cũng nghĩ như con, giữ lại số tiền này gia đình mình trang trải được nhiều thứ thật nhưng tiền không do mình làm ra, phải biết nhặt được của rơi trả lại người mất con ạ, như thế mới đúng nghĩa làm người.

Bé Mai cười tươi, bảo mẹ:

– Thôi ngày mai con lên công an xã mình con báo để các chú tìm người trả lại mẹ nhé! Con xin lỗi mẹ vì đã có ý nghĩ xấu. Con cũng vì thương mẹ vất vả mới nói ra những lời không phải.

Tôi xoa đầu con, cười hiền:

– Ừ, ngày mai mẹ con ta cùng đi trả lại người mất nhé, chắc họ sẽ vui lắm đây.

Chuyện là thế đấy, đúng là ở hiền thì gặp lành, khi cô gái nhận lại được chiếc túi đã cảm ơn hai mẹ con tôi rối rít, cô gái thấy tôi không được khỏe nên ngỏ ý muốn giúp tôi trang trải viện phí dù mẹ con tôi từ chối nhưng cô gái bảo rằng giúp người thì người giúp ta, không có gì phải ngại.

Nghe xong câu chuyện của chị, tôi chợt ngẫm rằng, trong cuộc sống này còn có được bao nhiêu người tốt như thế, dẫu cho có nghèo khó đến đâu vẫn giữ được cốt cách: “Giấy rách phải giữ lấy lề” mà ông bà ta đời xưa để lại. Tôi mong cuộc đời này còn đủ thương yêu, để mỗi người cùng góp một tấm lòng nhân hậu, xây dựng một nếp sống văn minh, tình người đặt lên trên hết.

Mỗi con người trong chúng ta đều thể hiện hai mặt, phần “con” và phần “người”. Nghèo hèn thì sinh túng thiếu, giàu sang thì sinh tham lam, chính vì thế mà phần “con” trong mỗi người đều có cơ sở mà phát huy cực đại. Hiển nhiên rằng không thể vơ đũa cả nắm về nhân cách của mỗi người, trong cuộc sống đầy rẫy những bon chen này ngoài những phần “con“ không đáng có, thì còn đó những phần “người” tốt bụng, dù nghèo hèn hay túng thiếu vẫn nhặt được của rơi trả lại người mất. Đó là một hành động đáng quý biết bao!

(Sưu tầm)