Mỗi khi nổi giận ta thường cho rằng
chính người kia là thủ phạm đã làm cho ta giận, như thể cơn giận đang ở trong
ta là do họ đem tới vậy. Vì thế ta luôn tìm mọi cách để trả đũa, dù ít nhất là
một câu nói hay một hành động khiến người kia phải đau điếng hay tức giận thì
ta mới hả dạ. Ta cho rằng mình phải làm như thế thì mới mạnh mẽ, để họ không
còn dám chọc giận mình nữa. Sự thật là càng trả đũa thì cơn giận càng lớn mạnh
và khiến ta càng đuối sức. Vì khi giận năng lượng trong ta bị đốt sạch, cơ thể
liên tục phóng thích ra các chất kích thích adrenaline và cortisol gây rối loạn
chu trình sinh học của cơ thể, nhất là nhịp tim và hơi thở tăng dồn dập. Ta sẽ
rơi vào tình trạng "hôn mê tạm thời", nhìn mọi thứ đều sai lệch, suy
nghĩ không sáng suốt và không kiểm soát nổi mọi hành vi của mình.
Sau mỗi cơn giận, ta
thương cảm thấy hối tiếc và ray rứt vì những phản ứng dại dột và thấp kém của
mình. Ta biết mỗi lần tức giận là mỗi lần ta đánh mất hình tượng đẹp và làm suy
giảm niềm tin yêu trong mắt người khác, nên lòng cứ dặn lòng sẽ không để cho cơn
giận thao túng mình thêm lần nào nữa. Thế nhưng khi gặp chuyện trái nghịch, nhất
là tổn hại đến quyền lợi hay danh dự, là cơn giận cứ không hẹn mà đến. Ngay lúc
ấy dù được người khác nhắc nhở ta cũng gạt ngang, lý trí cũng phải đứng lặng
chào thua cảm xúc. Từ thất bại này đến thất bại khác, ta dần trở nên căm ghét
cơn giận của mình. Rồi có khi ta quay sang trách giận cho mẹ trao chi cái tính
làm khổ mình khổ người như thế.