Đọc xong câu chuyện này, cổ họng tôi nghẹn
lại, nước mắt chực trào muốn rơi. Tại sao cái kết câu chuyện lại buồn đến thế.
Một người cha cả đời lặn lội vì con, và hành động kia hẳn là ông cũng biết
không nên nhưng vì thương con ốm, vì không muốn thất hứa, không muốn mất niềm
tin của con nên ông đã làm việc ấy.
Ngẫm lại trong cuộc sống của chúng ta,
khi nói về cái thiện cái ác... hẳn là ai cũng sẽ nói phải trừng trị những kẻ ăn
trộm. Đã có những vụ dân làng đánh hội đồng, đánh tử vong kẻ trộm...lên mặt
báo. Khi đọc câu chuyện này có ai giật mình về hành động dã man đó. Có ai nghĩ
sâu xa hơn rằng phía sau họ là câu chuyện thật đáng thương cảm, là nỗi mất mát
mà ko có gì bù đắp nổi.
Hy vọng sau khi đọc
xong câu chuyện này mọi người sẽ có cái nhìn thiện cảm hơn với những hoàn cảnh
khó khăn. Hãy làm việc tốt như cô chủ cửa hàng quần áo. Hãy dừng việc xử hội đồng
dã man như hành động của những kẻ đã đánh dã man vào người cha tội nghiệp kia.
**
** **
Nghề của Tèo là bán báo dạo, nó thích nhất
là bán báo "Công An" vì tờ báo đó toàn đăng bài ghi chép những vụ án,
nhiều người thích mua.
Tèo không biết chữ, bù lại nó có khuôn mặt
thông minh và cái mồm rao báo dẻo quẹo. Chỉ cần lão đại lý phát hành báo đọc hộ
mấy cái đầu đề bài báo là Tèo hiểu ý cần phải rao như thế nào để cho người ta
chú ý mua nhiều. Hôm nay là ngày phát hành báo "Công An" cần đến sớm.
Hôm nay Tèo dậy sớm đến chỗ đại lý nhận
báo còn có một nguyên nhân nữa. Tèo đã tích gần đủ tiền mua cho Ba nó một cái
quần dài. Có lần Ba của Tèo nói với nó: "Từ ngày ở bộ đội trở về, chưa bao
giờ Ba được mặc một chiếc quần mới.".
Nghe Ba nói vậy, Tèo thương Ba lắm. Má bị
bạo bệnh, không có tiền chữa, mất sớm. Ba cứ ở vậy một mình nuôi hai anh em
Tèo. Ba đã làm bao nhiêu nghề, hết đạp xe thồ đến bốc vác thuê, cuộc sống vẫn
khổ.
Nhất là từ hồi thằng Tý bị phát hiện có
bệnh tim bẩm sinh, bệnh nó ngày một nặng mà không có tiền cứu chữa, cuộc sống của
cả nhà càng cùng cực. Nghe có người hàng xóm nói: "Chỉ có nghề đãi vàng là
đỡ, nếu không may trúng thì sẽ đổi đời."
Ba của Tèo nghe theo với hy vọng đãi được
vàng, có tiền chữa bệnh cho thằng Tý. Ba đã đi hơn một tháng, hẹn cuối tháng
này sẽ về. Hôm Ba chuẩn bị đi đãi vàng, thằng Tý đang nằm trên giường thở khò
khè, cố gượng dậy nắm lấy tay Ba, nói ngắt quãng: "Ba đi giữ sức khoẻ...
nghe Ba. Ba về với con".
Ba gật đầu, xoa đầu nó: "Ba sẽ về với
các con. Con ở nhà phải nghe lời anh Tèo. Con ngoan, Ba sẽ mua thịt gà về cho
mà ăn. Nhất định lần này Ba sẽ mua, chứ không thất hứa như mấy lần trước."
Thằng Tý nghe Ba nói vậy nét mặt của nó đang có vẻ mệt cũng cố nở một nụ cười.
Trước khi đi đãi vàng, Ba dặn hai anh
em: "Ở nhà các con phải ngoan, Tèo nhớ chăm sóc em chu đáo, đừng có làm điều
gì xấu để người ta chửi." Tèo nhìn Ba, gật đầu.
Đồ đạc Ba mang theo chẳng có gì, ngoài
chiếc ba lô cũ, lép kẹp, nhàu nhĩ. Chiếc ba lô đó Ba có từ hồi trong quân ngũ.
Ba mặc trên người một bộ quần áo bộ đội bạc màu, chiếc quần có hai miếng vải
tím vá đằng sau...
Sau khi để lại chiếc bánh mỳ cho em, Tèo
chạy đến đại lý nhận báo để bán.
Đại lý phát hành báo nằm ở góc ngã tư lớn
của thành phố. Lão đại lý phát hành báo béo trục, béo tròn đang ôm một chồng
báo "Công An" phân phát cho từng đứa bán báo dạo.
Trong những đứa bán báo dạo, lão thích
nhất thằng Tèo. Nó là thằng nhanh nhẹn, bán báo nhanh hết, chẳng bao giờ ăn
gian của lão một xu. Với những tờ báo bán chạy, bao giờ lão cũng dành cho Tèo
phần nhiều hơn so với mấy thằng bán báo dạo khác. Vừa thấy bóng Tèo chạy đến,
lão đã vẫy tay:
- Ê, Tèo! Phần báo Công An của mày đây,
cầm lấy! Ưu tiên cho mày đấy nghe!
Nhận phần báo của lão đại lý đưa, thằng
Tèo nói sung sướng:
- Dạ! Con cảm ơn bác. Hôm nay báo
"Công An" có tin gì thật hay bác chỉ cho con để con rao bán.
Lão đại lý phát hành báo giở từng trang
báo Công An còn thơm mùi mực in chỉ cho Tèo thấy: "Đây là tin quỹ huy động
vốn bất động sản bị vỡ...rồi có tin ...". Lão lật sang trang khác, lấy tay
chỉ một cột báo: "Có một lão già gần bảy mươi tuổi còn đi lấy một con bé
mười lăm tuổi, bị con bé này giật tiền...".
Lão lại chỉ vào một tin đăng ở góc trang
báo, cười hề hề: "Tin này mới giật gân, nhà nước không cần xử, ở một làng
có chín người đã đánh chết một thằng ăn cắp. Thằng ăn cắp không biết tên, kẻ
gây chết người chưa bắt được... mày cứ rao những tin này thật to lên, báo bán
chạy phải biết.".
Thằng Tèo cũng chỉ cần nghe thế thôi, nó
đang sốt ruột, nhìn mặt trời lên cao, dòng người, xe cộ đi lại trên đường. Nó
không nhanh chân, đến bến xe, quán cà phê... mấy thằng báo báo dạo kia chiếm mất
chỗ thì chiều nay không đủ tiền mua cho ba chiếc quần dài, mà Ba sắp về.
Chẳng cần lão đại lý đọc thêm tin nào nữa,
nội dung mấy bài báo như thế là đủ để rao rồi! Tèo đếm vội, đếm vàng số lượng
báo Công An được nhận rồi ôm cả chồng báo, nó chạy biến.
Khu vực đầu tiên Tèo đến là nhà đợi của
bến xe liên tỉnh. Teo ôm chồng báo Công An len lỏi vào giữa hai hàng ghế khách
đang ngồi, miệng nó liếng thoắng "Mời bà con xem tin các vụ án mới đây! Một
ông già gần bảy mươi tuổi lấy một cô bé mười lăm tuổi, bị cô bé này giật tiền
đây! Báo còn đăng một vụ án mới nhất đây! Chín người trong một làng đã đánh chết
đích đáng một thằng ăn cắp đây!".
Nghe tiếng rao của Tèo, nhiều người
khách đang ngồi đợi mua vé, bỏ tiền ra mua báo cho nó.
Cứ tiếng rao đó, chỗ nào đông người là
Tèo lao vào, chồng báo cứ thế vơi nhanh. Điều ấy làm cho Tèo khoái chí, càng
hăng bán báo. Nó nhảy lên chiếc xe ô tô sắp xuất bến, cầm tờ báo Công An trong
tay huơ huơ, giơ lên cao, rao to:
- Mời bà con, hành khách mua báo "Công
An" mới phát hành sáng nay đây! Báo đăng một tin rất hay, chín người trong
làng cảnh giác đập chết một thằng ăn cắp! Thằng ăn cắp chết ngay... Bà con mua
báo đi để nâng cao cảnh giác...đề phòng mấy thằng ăn cắp...
Nhiều người khách trên xe, thấy khuôn mặt
nhễ nhại mồ hôi của thằng bé mà thương hại mua báo cho nó.
Ra khỏi chiếc xe khách, nét mặt thằng
Tèo hoan hỉ, nhất định ngày hôm nay sẽ mua đựơc cho Ba chiếc quần dài. Nghĩ như
vậy, nó như quên mệt nhọc, tung tẩy đôi chân chạy dọc mấy con phố lớn, tiếp tục
rao báo.
Đến gần trưa Tèo bán gần hết số báo Công
An đã có. Vào một chỗ vắng, nó lấy ra một cái túi nhỏ được khâu cẩn thận phía
trong nẹp quần để kiểm tra lại số tiền tiết kiệm.Trong túi đựng những đồng tiền
được Tèo gấp phẳng phiu, nó đếm kỹ từng đồng một: "Hai nghìn... năm
nghìn....Nmười lăm nghìn... Nhai lăm nghìn... Ba chục nghìn... bốn chục
nghìn...".
Đây nữa, Tèo lấy tờ năm nghìn. Tiền hoa
hồng bán báo ngày hôm nay gộp vào, được bốn mươi lăm nghìn đồng. Bốn mươi lăm
ngàn đồng, đủ tiền mua cho Ba của Tèo chiếc quần dài. Một tay Tèo cầm mấy tờ
báo Công An chưa bán hết, ôm nó vào ngực. Còn tay kia Tèo nắm khư khư mớ tiền đẫm
mồ hôi, nó đi vào chợ, đến quầy bán quần áo may sẵn.
Tèo đã để ý và hỏi giá chiếc quần dài của
người lớn ở quầy này từ mấy hôm trước. Nó đến trước bà bán hàng đang ngồi lim
dim mắt, nói với giọng hơi run run:
- Thưa dì! Di bán cho con chiếc quần
kia!
Nghe tiếng của Tèo, bà bán hàng giật
mình, choàng tỉnh:
- Con mua chiếc quần nào?
- Dạ! Cái kia – Tèo đặt mấy tờ báo Công
An xuống quầy vải, lấy tay chỉ.
Bà ta nhìn Tèo với ánh mắt nghi ngại:
- Sao con lại mua quần người lớn? Mà
con... có tiền không ?
Tèo phải vội giải thích:
- Con mua quần cho Ba của con. Còn tiền
đây ! - Tèo giơ nắm tiền đang cầm, nói có vẻ tự hào – Tiền con bán báo đấy!
Bà bán quần áo gật đầu, nhìn Tèo với ánh
mắt thương cảm, hiểu ra vấn đề:
- Dì hiểu rồi, con tiết kiệm tiền để mua
quần cho Ba. Nhưng những chiếc quần loại đó là hơi đắt đấy con ạ! Năm mươi lăm
ngàn đồng, một chiếc.
Nghe bà bán quần áo nói vậy, nét mặt thằng
Tèo thẫn thờ, ánh mắt dại đi. Nó nói lắp bắp:
- Sao hôm kia con hỏi dì chiếc quần
này... dì nói chỉ có bốn mươi lăm ngàn đồng, một chiếc. Con để sẵn bốn mươi lăm
ngàn đồng đây.
Bà bán quần áo lắc đầu, nói ngán ngẩm:
- Dì có thích lên giá đâu, nhưng con
xem, bây giờ cái gì cũng tăng giá cả. Họ bỏ sỉ cho dì giá cao lắm, dì bán giá
cũ là lỗ vốn ...
Thằng Tèo buồn bã, nó lấy mấy tờ báo định
quay ra, bỏ ý định mua chiếc quần dài cho Ba, chờ mấy hôm nữa vậy. Nhìn ánh mắt
nhất là dáng đi thất thểu, chán nản của thằng bé làm cho bà bán quần áo động
lòng. Bà gọi giật lại:
- Thôi, con lại đây dì bán cho, nhưng với
điều kiện... - Bà ta nhìn Tèo cười – Con cho dì một tờ báo Công An.
Thằng Tèo nghe vậy, nét mặt tươi tỉnh lại,
đồng ý liền. Nó rút vội một tờ báo Công An và đưa tờ báo ấy cùng nắm tiền tiết
kiệm cho bà bán quần áo. Bà bán quần áo nhận báo và tiền của Tèo, nói có vẻ ưng
ý:
- Để dì rút thêm mấy chiếc quần cùng loại
nữa cho con chọn, để ba con về còn khen con...
Đối với Tèo, ngày hôm nay là ngày vui nhất,
Ba nó vể sẽ có một chiếc quần mới để mặc. Chiếc quần ấy là công sức của nó bỏ
ra suốt cả tháng nay. Cầm chiếc quần trên tay, chắc Ba của nó sẽ rất vui. Tèo cố
gắng chọn chiếc quần thật bền để Ba mặc đi làm, lâu rách. Chọn hàng, Tèo vẫn
nghe giọng đọc báo đều đều của bà bán quần áo. Bà ta đọc một tin cho bà ngồi
bên cạnh cùng nghe:
- ... Như thế là tội ác! Tại thôn Mỹ
Thanh, xã Thanh Minh, Huyện Phước Hiệp, một vùng núi phía bắc của tỉnh Nam An xảy
ra một vụ án đánh chết người rất thương tâm. Nhân đêm tối, một người đàn ông
vào thôn Mỹ Thanh để ăn cắp gà. Đây là một thôn có rất đông dân di cư tự do đến,
trình độ văn hoá thấp.
Bắt được người ăn cắp gà, đúng lý đây chỉ
là việc nhỏ, xử lý hành chính thì ngược lại những người trong thôn Mỹ Thanh lại
tự giải quyết việc này bằng một hành động dã man, đáng lên án. Họ đánh kẻ ăn trộm
gà bằng gậy gộc, đập nát mặt người này đến độ không còn nhận ra hình dạng ban đầu.
Chính kẻ cầm đầu vụ này hiện đang bỏ trốn trong rừng, bị bộ đội biên phòng truy
nã.
Theo mấy người chứng kiến việc này thuật
lại, trước khi tắt thở, kẻ ăn trộm con gà chỉ nói được mấy câu: "... Tôi
đi đãi vàng... không có... con tôi thèm thịt gà... tôi hứa... tôi lấy... mong
các ông, bà tha cho... tôi chết... nhắn thằng ..." . Việc làm của những
người ở thôn Mỹ Thanh thực sự là một tội ác, cần nghiêm trị.
Ghi chú: Do nạn nhân bị đánh nát mặt,
chúng tôi không chụp được ảnh. Nạn nhân mặc một chiếc quần bộ đội đã bạc mầu có
vá hai miếng vải tím đằng sau. Trên cánh tay phải có xăm chữ LIÊN và hàng chữ
"ngày 27 tháng 8 ". Vậy ai là thân nhân của người bị nạn đến phòng
công an huyện Phước Hiệp để làm việc."
Nghe đến chữ cuối cùng của bản tin bà
bán quần áo đọc, mắt thằng Tèo hoa đi, chân của nó đứng không vững nữa. Đúng là
Ba của nó rồi! Ba của Tèo trước khi đi đãi vàng đã mặc một chiếc quần như thế.
"LIÊN" là tên của mẹ, ngày "27 tháng 8" là ngày mất của mẹ,
Ba xăm vào cánh tay phải để nhớ. Trời ơi! Suốt từ sáng đến giờ nó cứ rao cái chết
của Ba, mà không hề hay biết! Ba chết rồi, Tý ơi ... Ba chết rồi...
Thằng Tèo bỏ chiếc quần định mua, chẳng
cần lấy lại tiền, cứ thế nó cắm đầu, cắm cổ chạy. Vừa chạy, nó vừa khóc nức nở
...
Thấy thằng bé tự nhiên bỏ lại chiếc quần
định mua, bỏ cả tiền, chạy như bị ma đuổi, bà bán quần áo ngạc nhiên gọi với
theo:
- Này! Sao con không mang chiếc quần về
cho Ba? Chạy đi đâu thế!
Tèo như không nghe thấy gì, nó vẫn chạy.
Bóng Tèo mất hút trong lớp bụi
đường mù mịt.