HAI TÂM HỒN KHỐN KHỔ

Chiếc xe tải mất lái đâm vào một người mù đang được con chó dẫn đường. Người mù chết ngay. Con chó xông vào cứu chủ nên cũng bị chẹt chết. Linh hồn hai kẻ bị nạn bay lên trời, tới lối vào cổng thiên đường.
Thiên thần gác cổng chặn lại:
- Xin lỗi, bây giờ danh sách lên thiên đường chỉ còn lại một suất. Một trong hai ngươi phải xuống địa ngục.

Người chủ chó hỏi:
- Con chó của tôi chưa hề biết thiên đường là gì, địa ngục là gì. Có thể để cho tôi quyết định ai được lên thiên đường hay không ạ ?

Thiên thần nhìn người mù với ánh mắt khinh bỉ, chau mày nói:
- Rất tiếc ! Đã là linh hồn thì đều bình đẳng với nhau. Các ngươi phải qua một cuộc thi để chọn ra kẻ được lên thiên đường.

Người mù thất vọng hỏi:
- Thi thế nào ạ ?

- Rất đơn giản, thi chạy. Từ đây chạy tới cổng thiên đường, ai tới trước thì được lên thiên đường. Nhưng ngươi cũng đừng lo, vì ngươi đã chết rồi nên không còn là kẻ mù nữa, và tốc độ chạy của linh hồn thì không liên quan gì tới thể xác; linh hồn nào càng trong sạch lương thiện thì chạy càng nhanh.

Người mù nghĩ ngợi giây lát rồi đồng ý.
Khi tuyên bố cuộc chạy đua bắt đầu, thiên thần cứ tưởng người mù sẽ khôn ngoan ráng sức chạy thật nhanh, ai ngờ người đó vẫn đi thong thả chậm rãi. Kỳ lạ hơn là con chó dẫn đường kia cũng không chạy mà chỉ đi cùng với chủ của nó, không hề rời một bước.

Bấy giờ thiên thần mới hiểu ra: bao năm nay con chó ấy đã tập được thói quen mãi mãi làm theo chủ nó, luôn luôn đi đằng trước để dẫn đường cho chủ, người chủ bảo gì thì nó nghe theo ngay. Rõ ràng, nếu là kẻ có tâm địa độc ác thì khi tới cổng thiên đường người chủ sẽ bảo con chó đứng lại để người đó dễ dàng thắng cuộc thi chạy này.

Thiên thần thương hại nhìn con chó và lớn tiếng bảo nó: 
- Mày đã vì cứu chủ mà hiến dâng tính mạng của mình, bây giờ chủ mày đã hết mù rồi, mày chẳng cần dẫn đường cho ông ta nữa, mày chạy nhanh lên nào !

Thế nhưng người chủ cũng như con chó, cả hai dường như chẳng nghe thấy thiên thần nói gì cả, vẫn cứ thong thả như đi dạo.

Khi tới cách cổng thiên đường vài bước chân, người chủ ra lệnh cho con chó dừng lại. Nó bèn ngoan ngoãn ngồi xuống. Thiên thần nhìn người chủ với ánh mắt khinh bỉ.

Người chủ nhoẻn miệng cười quay lại bảo thiên thần:
- Tôi sắp sửa tiễn con chó của mình lên thiên đường. Bây giờ điều tôi lo nhất là nó thật sự không muốn lên đấy mà chỉ thích ở bên tôi ……Chính vì thế mà tôi muốn quyết định thay cho nó.
Thiên thần ngạc nhiên đứng sững lại.

Người chủ nhìn con chó với ánh mắt lưu luyến, lại nói:
- Thật tốt là ta có thể dùng cách chạy thi để quyết định thắng thua. Ít nhất tôi cũng có thể bảo con chó kia bước thêm vài bước nữa, như vậy nó có thể lên thiên đường được rồi. Có điều con chó này đi cùng tôi đã bao năm nay mà bây giờ lần đầu tiên tôi mới hết mù và được nhìn thấy nó bằng chính mắt của mình. Bởi vậy tôi muốn đi thong thả một chút để được nhìn nó lâu hơn. Nếu được phép thì có lẽ tôi thật sự muốn mãi mãi được nhìn thấy nó. Nhưng bây giờ đã tới cổng thiên đường rồi. Đây mới là nơi nó cần được đến. Xin thiên thần làm ơn chăm nom nó giúp tôi !

Nói dứt lời, người chủ ra lệnh cho con chó tiến lên phía trước. Khi con chó tới cổng thiên đường thì người chủ rơi xuống địa ngục như một chiếc lá rụng. Con chó quay đầu nhìn thấy chủ nó rơi xuống bèn chạy thục mạng đuổi theo chủ.

Lúc bấy giờ, vị thiên thần lòng đầy hối hận vội giương cánh bay theo định túm lấy con chó dẫn đường. Nhưng vì con chó ấy vốn có linh hồn trong sạch nhất, lương thiện nhất, cho nên nó chạy nhanh hơn bất cứ thiên thần nào. Và thế là rốt cuộc con chó dẫn đường ấy lại trở về bên người chủ của nó. Dù là ở dưới địa ngục, nó cũng sẽ mãi mãi bảo vệ chủ của mình.

Thiên thần đứng rất lâu nhìn theo hai linh hồn đáng thương kia và lẩm bẩm:

- Ngay từ đầu ta đã phạm sai lầm. Hai linh hồn ấy là một thể thống nhất không thể tách rời nhau. Được cùng ở bên nhau thì dù là thiên đường hay địa ngục chúng cũng bằng lòng.
……………………

Thân ở đâu bóng ở đó, bóng ở đâu thân ở đó. Tâm sao cảnh vậy, cảnh sao tâm vậy. Tâm sạch cảnh đẹp, cảnh nhớp tâm dơ. Cây nghiêng hướng nào gió thổi tróc gốc ngã về hướng ấy. Thiên đường muốn vào mà không quét dọn cõi lòng, không trồng cây Bác ái thì Thiên thần nào tiếp rước cho vô. Cực Lạc muốn về mà không tẩy rửa tâm hồn, không xây nhà Thiện pháp thì Bồ tát nào cấp giấy thông hành.

“Nước trời rất gần, nước trời rất gần! Ta nói nước trời không ở bên này, không ở bên kia, mà ở chính tâm hồn của các ngươi” (Chúa Jesus). “Củi hết, lửa tắt, Niết bàn tại đây” (Phật ngôn). Rõ ràng, nếu Nước trời hay Niết bàn mà là cảnh giới thật, thì cảnh giới phải có không gian và thời gian, mà có không gian – thời gian có nghĩa là vật chất, mà là vật chất thì sẽ nằm trong quy luật biến hoại chịu sự gặm nhắm bào mòn. Có thể nói Nước trời hay Niết bàn là trạng thái của tâm thì dễ chấp nhận hơn.

Giả dụ trạng thái tâm loạn động, bồn chồn, bất an, hơn thua, tranh đấu thì có dùng gông cùm, xiềng xích cột trói tại Thiên đường – Cực lạc cũng cựa quậy tìm cách tháo gỡ tuột xuống như thường. Ngược lại, trạng thái tâm thanh thản, an lạc, bất động, dù có bỏ vào lồng chợ, nuôi trong lồng bè thì tâm cũng biết cách để an định, lắng sâu.

Thế cho nên, muốn nước nguộc thì cần phải rút củi, tắt ga. Củi không rút, ga không tắt thì dù có quạt toát cả mồ hôi thì nước vẫn cứ sùng sục sôi. Cái tinh tế ở chỗ là phải tắt “cái ý muốn” giữ củi, giữ ga chứ không phải rút, tắt lửa trên hiện tượng bên ngoài. Tắt, rút nơi hiện tượng bên ngoài mà “cái ý muốn” không tắt, không rút thì ức chế, đè nén là chuyện đương nhiên.

Trong thực tế làm công tác từ thiện cứu hộ mà lại tỏ thái độ hất hủi coi khinh kẻ khác, bỏ ra cả khối tiền bạc cho những chương trình ủy lạo để làm tâm điểm chú ý của báo đài, thì cõi lòng cũng dễ lạnh lùng trước một đứa bé bất hạnh đói khát xin ăn hay người bị tai nạn giữa đường trong bóng đêm. Bố thí, phóng sinh, ca ngợi bác ái – từ bi thật hay, chim lồng này – cá chậu kia thả vừa xong bước vô tiệm kéo ghế “nức - húp” vài tô “phở bò tái nạm” “bún riêu cua” “cháo lòng – cháo cá” thì tâm hồn cũng ghẻ lạnh như nước hồ mùa đông. Quả thật chủ - vật xa cách nghìn trùng đại dương.

Rõ ràng: “Không tắm càng xức dầu thơm thì càng thối”. “Cực Lạc – Thiên Đường có lối nhưng đã bít hướng mất đi”. Dưới ánh đèn sân khấu ở các dịp vinh danh các nhà hảo tâm (vì trước đó đã từng trao tặng triệu này tỷ kia), nhưng đố ai biết ở nhà đang có bà mẹ “bệnh già ốm yếu nằm trong xó/đau đớn không hề rên siết khẽ/sợ con nghe thấy mà buồn thêm”.

Tóm lại, làm bất cứ chuyện gì mà xuất phát từ việc mua danh, cầu danh, tìm cảm giác được vinh danh, để nhiều người biết đến đó là sự củng cố và nuôi lớn tấm bằng vị kỷ. Mà vị kỷ lại là kiến trúc sư thiết kế xây dựng “Lâu đài địa ngục” kiên cố hơi bị độc đáo. Dù có treo biển “Thiên Đường” trước cổng chào thì người bước tới cũng được sa tăng, ngục tốt chực chờ đón tiếp đưa vào “chảo dầu” “cột đồng” còn đáng sợ hơn “18, 19 tầng dưới hỏa ngục, điện Diêm Vương”.

Càng buông bỏ chấp trước - hy sinh quyền lợi cá nhân thì chủ - vật càng nâng thêm ân tình tri kỷ. Cụ Nguyễn Du đã khuyên rằng: "Chọn người tri kỷ một ngày được chăng?" (Truyện Kiều). Muốn có người tri kỷ thì không thể "chọn" trong một thời gian ngắn ngủi được. Tuy nói "chọn" mà kỳ thực không phải chọn, vì tri kỷ không bao giờ là đối tượng có sẵn. Phải gần gũi, va chạm, chia sẻ, cảm thông, chấp nhận, nhường nhịn, buông bỏ những cố chấp hay thành kiến, rồi phải kính trọng và thương mến nhau nữa, thì mới trở nên ân tình, mới trở thành tri kỷ được.

Chủ - vật (thân – tâm) hợp nhất thì hai linh hồn ấy là một trạng thái không tách rời nhau. Được cùng ở bên nhau thì dù cái gọi là cảnh thiên đường hay địa ngục chỉ là danh xưng không còn quan trọng. Thiên thần, thiên sứ có đuổi theo cũng không bắt kịp. Vì “Đạo khả đạo phi thường đạo, danh khả danh phi thường danh”, ngôn ngữ, văn tự “không phận sự xin dừng bước, miễn vào”