VAN LẠY VÀ CẦU XIN ĐỂ LÀM GÌ?

Trước Tam bảo, người ta lạy lục cầu xin: xin tai qua nạn khỏi, xin giàu sang phú quý, xin tiền tài, xin địa vị. Họ mang theo rất nhiều lễ vật, xì xụp khấn vái, cầu xin. Họ đem tiền thật mua tiền giả (vàng mã) dâng cúng thánh thần, họ cầu xin thật nhiều tiền thật trở lại. Họ đem dâng cúng một vài trái cây, cầu xin sống thọ.
Khắp nơi trong khuôn viên chùa chỗ nào cũng thấy cắm nhang đèn, tiền lẻ rải khắp nơi; lò hóa vàng giả rừng rực cháy mang theo muôn vàn lãng phí. Cảnh chen chúc, giẫm đạp nhau ở cửa thiền để được làm lễ cầu an, cầu siêu, cúng sao giải hạn trong dịp đầu năm không thể chấp nhận được. Tại sao? Cầu an chưa thấy được bình an, đã phải nhập viện vì thương tích do chen lấn, tranh giành giẫm đạp nhau.

Trong tình hình đó, đáng lẽ hàng ngũ Tăng Ni ở các ngôi chùa cần phải hướng dẫn, chấn chỉnh lại nhận thức sai lệch của người dân, của Phật tử. Tuy nhiên, với lý luận phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của quần chúng mà nhiều ngôi chùa, nhiều nhà sư lại dễ dãi chấp nhận việc người dân, người Phật tử đến chùa chỉ để cầu khẩn van xin phi chánh pháp. Hình ảnh một số nhà sư cúng sao giải hạn, gieo quẻ âm dương, chọn ngày lành tháng tốt, đã và đang dẫn dắt một số khá đông Phật tử dần dần mang đậm màu sắc mê tín, tà pháp, lạc vào tà đạo, nhưng cứ ngỡ rằng mình đi chùa như thế là tốt, được tiếng khen thuần thành, tu giỏi.

Để trả lại sự trang nghiêm thanh tịnh cho chùa chiền, giúp chúng sinh nhận thức rõ về giáo lý và lời dạy của Đức Phật, chùa chiền nên truyền bá phương pháp tu tâm thanh tịnh và tìm được an lạc ngay trong cuộc sống hiện tại.
Các bậc chân tu nhận sự cúng dường của bá tánh không phải để tranh danh đoạt lợi, mà dành nhiều thời gian nghiên cứu kinh điển, hiểu rõ lời kinh, tâm từ bi thương xót, giảng dạy Phật tử có căn bản về nhận thức đạo Phật là đạo trí tuệ, đi đúng chánh đạo.

Tu theo Phật là tự lực, nổ lực, cố gắng để đạt được sự sáng suốt, giác ngộ giải thoát, từ bi trí tuệ.

Trước hết là chuyển đổi nhận thức đầy mê tín đến cuồng tín do tham sân si của phần đông Phật tử không có giáo lý căn bản, cần nhất là hàng ngũ Tăng Ni tại các chùa chiền hay tự viện.

Xã hội trong và ngoài nước nhận biết đạo Phật thông qua các hoạt động của hàng ngũ Tăng Ni, Phật tử, sự hiểu sai lầm về đạo Phật đầy mê tín thần quyền trong xã hội văn minh hiện đại ngày nay thật vô cùng tai hại. Cuộc sống thường ngày của Tăng Ni và Phật tử là tấm gương phản chiếu tư tưởng Phật giáo trực tiếp đến cộng đồng và xã hội ngày nay trong và ngoài nước.

Nếu chúng ta tự nhận là người đang tu theo Phật, đều phải đau lòng và có trách nhiệm đánh lên tiếng chuông thức tỉnh những người đang ngụp lặn trôi theo dòng sông mê!

Đức Phật không phải là thần linh. Ngài không ban phước giáng họa cho ai cả. Ngài là bậc Đạo Sư tìm thấy và chỉ dạy chúng sanh con đường tu giải thoát khỏi cảnh khổ của lục đạo luân hồi.

Các vị Tăng Ni tu đang theo Phật cũng không phải là thần, hay thánh. Các vị Tăng Ni không có năng lực nào để cầu xin cho người chết vãng sanh cực lạc theo kiểu cách lễ trai đàn bạt mạng giải oan của các tà sư trong chùa. Tại sao? Bởi vì các tà sư còn chưa chắc được vãng sanh kia mà. Chúng ta là người tu theo Phật phải có nhận thức sáng suốt biết rõ con đường đúng sai, chứ không phải ai nói gì cũng nghe, ai bày vẽ gì cũng nhắm mắt tin theo.....