Tôi sống tại quận Gò Vấp
đã gần tròn 34 năm. Nghe nói nhiều về cây vấp và liên hệ giữa tên gọi Gò Vấp và
cây vấp. Vậy mà vẫn chưa được nhìn tận mắt, sờ tận tay một cây vấp nào. Quyết
tâm đi tìm…
Cây vấp hay còn gọi cây vắp - là loại
cây được trồng nhiều ở vùng đất Gò Vấp trước đây. Giữa cây Vấp và tên gọi Gò Vấp
có mối liên hệ mà nhiều người biết đến.
Cây vấp và địa danh Gò Vấp
Theo nhiều người, Gò Vấp còn được gọi Gò
Vắp và theo một số nhà nghiên cứu thì đây mới là tên gốc, tên hiện nay (Gò
Vấp) là do đọc trại ra. Có thuyết cho rằng nguồn gốc của tên Gò Vấp là do trước
đây nơi này là một ngọn đồi trồng cây vấp (cây này còn có tên khác trong
tiếng Chăm là Krai, tên tiếng Việt là vấp hoặc vắp, lùn).
Cũng có người nói khu vực Gò Vấp cao hơn
so với các vùng khác nên dễ bị vấp té. Gò là vùng gò đất cao, gồ ghề, vấp
là dễ vấp té, kết hợp lại ta có tên Gò Vấp. Gò Vấp cũng được số ít gọi là Gò Té
(?!)
Các vị trưởng lão, cao niên Gò Vấp cũng
không biết cây vấp giờ ở đâu
Dò hỏi các vị cao niên, các bậc trưởng
lão của Gò Vấp, thì đều nhận được cái lắc đầu. Các Cụ đều nói trước đây nhiều lắm,
giờ đô thị hóa nên không còn nữa.
Lên Internet hỏi “bác” Google cũng chỉ
nhận được những thông tin về tên gọi, công dụng chữa bệnh, nguồn gốc và một số
hình ảnh. Tuy nhiên không có một địa chỉ cụ thể nào để có thể tìm thấy một cây
Vấp đang sống, đang xanh tốt.
Chắc là tắc - chắc gặp đường cùng rồi!
Một thời gian sau, đi họp chung một chú
khá lớn tuổi, mình trao đổi về mong muốn đi tìm cây vấp xem nó như thế nào. Gò
Vấp mình liệu có thể tìm thấy cây vấp nào không?
Chú nói: “Gò Vấp thì hổng còn cây nào
đâu con. Chú nghe nói trong Sở Thú còn vài cây. Con thử vào trỏng tìm xem sao”.
Euréka - Thấy rồi!
Một sáng thứ bảy - cách Tết nguyên đán
Bính Thân đúng 2 tuần, người viết quyết định cầm theo máy chụp hình và thẳng tiến
vào Sở Thú. Đi cùng là bà xã, vừa có bạn đồng hành, vừa tranh thủ chụp cho “người
mẫu nhà” một số hình ảnh.
Sở Thú bình thường thấy cũng không rộng
lớn lắm, nhưng khi vào để tìm một cái cây cụ thể thì thấy thật mênh mông. Quá
nhiều cây xanh rất cao, rất to. Cả một thảm thực vật xanh mướt. Dù cây nào cũng
có đánh số và ghi bảng tên, nhưng để tìm ra cây Vấp thì không phải đơn giản.
Người viết đã hỏi thăm đến mười mấy người,
từ chị soát vé, anh chăm sóc cây, chị đang tỉa cành, cho đến các anh bảo vệ và
cả một số anh chị làm công tác quản lý. Nhiều anh chị không biết loài cây này.
Một vài anh chị biết nhưng không thể nhớ được vị trí của cây.
Khi nghĩ rằng khó có thể tìm thấy cây vấp
trong cả mấy ngàn cây của Thảo Cầm Viên, thì thật may mắn khi gặp được anh quản
lý thảm thực vật.
Lật cuốn sổ lý lịch cây, anh cho biết Thảo
Cầm Viên chỉ còn 2 cây vấp và vị trí chính xác của 2 cây vấp này. Cây thứ nhất
thân khá cao, số hiệu đã mờ, bảng tên là cây vấp (Mesua Ferrea).
![]() |
Gốc cây vấp 1 trong Thảo Cầm Viên - Ảnh: SƠN TRẦN |
Cây thứ hai không cao lắm,
gốc cổ thụ, khá già nua, phải cần ba cây sắt phụ chống đỡ “tấm thân già”, số hiệu
1190, bảng tên là vấp nhiều hoa (Mesua Floribunda).
Gò Vấp sẽ có lại cây vấp?
Như vậy là sau một thời gian dài tìm kiếm
cuối cùng thì người viết đã có thể tận tay ôm một, mà không, tới hai cây vấp
còn đang xanh tốt giữa Sài Gòn.
![]() |
Thân cây vấp 1 trong Thảo Cầm Viên - Ảnh: SƠN TRẦN |
Chỉ tiếc là chưa tìm ra cây vấp nào trên
đất Gò Vấp.
Theo anh quản lý sổ lý lịch cây Thảo Cầm
Viên thì hiện nơi đây đang ươm giống cây vấp để bảo tồn loài cây này.
Và theo thông tin mà người viết nắm được,
thì một số cơ quan, đơn vị ở quận Gò Vấp cũng đã lên kế hoạch tìm và trồng loại
cây này trên vùng đất Gò Vấp.
Hy vọng là trong thời gian không xa sẽ
thấy những hàng vấp xanh tốt trên các con đường của quận Gò Vấp.
Sơn
Trần
![]() |
Gốc cây vấp 1 trong Thảo Cầm Viên mang số hiệu 1190 - Ảnh: SƠN TRẦN |