TÂM THỨC VÀ THỂ XÁC

Một đoàn thám hiểm Hoa kỳ thực hiện một cuộc du lịch thám hiểm bằng cách đi bộ xuyên qua Phi Châu, từ Đại Tây Dương sang Ấn Độ Dương, ngang theo đường xích đạo qua các khu rừng già. Họ mướn người Phi Châu địa phương để dẫn đường, nhất là thông dịch mỗi khi cần, và cũng để vác phụ hành trang lương thực.

Tính cố hữu của người Mỹ là bao giờ làm việc gì cũng vội vàng, muốn phá kỷ lục về thời gian. Ngày đầu, họ hối thúc những thổ dân đi nhanh, ngày thứ hai cũng thế, nhưng họ ghi nhận quãng đường đi được ngắn hơn ngày thứ nhất. Đến ngày thứ ba, lúc sáng thức dậy, họ thấy những người hướng đạo ngồi ì dưới gốc cây cổ thụ ở bìa rừng, thảnh thơi cười nói, không có vẻ gì sẵn sàng để lên đường. Những người thám hiểm hối thúc họ. Họ bảo: 

“Hôm nay chúng tôi phải nghỉ để cho tâm thức chúng tôi đuổi kịp thể xác”.


*     *    *    *

Có lẽ ý của đám thổ dân là họ đã mệt lắm rồi, họ muốn nghỉ để lấy lại sức, nhưng quan niệm của họ lại đầy ý nghĩa: “Chờ cho tâm thức đuổi kịp thể xác”. 

Những người quen sống chạy đua với thời gian có thể cười khi nghe câu trả lời đó của những người Phi Châu đơn sơ chất phác. Nhưng thật ra, đó là một triết lý quan trọng của đời sống. 

Khi thể xác con người quá mệt mỏi vì vật lộn, vì chạy đua, tinh thần con người dễ bị căng thẳng và suy nhược. Bằng chứng là chúng ta thấy những người ở các xã hội chạy đua dễ bị khủng hoảng thần kinh, dễ mắc bệnh lo âu phiền muộn. Hơn nữa, khi con người quá bận rộn, đầu tắt mặt tối lo tìm vật chất cho đời sống này, thì dễ dàng quên mình còn sự sống đời sau. 

Vậy làm việc cực nhọc để sinh sống là tốt, là định luật sinh tồn, là niềm hãnh diện của con người biết dùng đôi tay, dùng khối óc làm phương tiện sống cho bản thân. Nhưng không phải vì thế mà chúng ta quên hơi thở, quên đi chính mình, mà thỉnh thoảng phải hồi tâm lại, để xem mình là ai? “Tâm thức mình có chạy kịp với thể xác hay không?” hay là “Thể xác chạy trước mà tâm thức thì lạc mất ở phía sau”. 


Cuộc sống là một chuỗi làm việc xen lẫn với nghỉ ngơi. Có những giây phút đặc biệt trong ngày dành cho việc tỉnh tâm, ước nguyện, và cũng có những thời gian ưu biệt trong năm dành cho việc tĩnh tâm. Thời gian ưu biệt ấy không có gì khác hơn là giúp con người được tỉnh thức hơn, sẵn sàng hơn, tươi mát hơn để gặp gỡ chính ta trong ta, trong từng phút giây của cuộc sống và trong mọi sinh hoạt hàng ngày.