SỐNG CHẬM

Thấy ông bạn thất thểu đi bộ về nhà, người bạn hỏi:

- Xe máy của anh đâu rồi?".

- Bị cảnh sát giao thông giữ rồi.

- Sao vậy?

- Tại chạy chậm quá.

- Chạy chậm sẽ an toàn hơn, sao lại phạt?

- Không! Tại tôi chạy chậm nên mới bị cảnh sát đuổi kịp.

= = = = = = = = = =

Xu hướng “sống chậm” đang dần trở lại nhiều nơi trên thế giới. Nhiều người không còn chạy theo những tư tưởng được cho là “cấp tiến” trước đây, họ không quá say mê kiếm tiền bạc hay chạy theo danh vọng. Họ muốn quay về với tự nhiên, hòa mình cùng thiên nhiên và dành nhiều thời gian hơn cho bản thân, cho gia đình và cho những thành viên quanh mình. Chứng bệnh stress hoành hành trong nhịp “ sống nhanh”

Không biết từ bao giờ loài người đã cảm nhận rằng thời gian là “vàng bạc”? Nhận thức ấy đã khiến mọi người đua nhau cố gắng nhanh hơn về mọi mặt trong cuộc sống: từ làm nhanh, đi nhanh, ăn nhanh… đến “sống nhanh”, tất cả đều bị tiếng tích tắc của chiếc đồng hồ thúc giục và gây sức ép. Xã hội phát triển năng động ngày càng khiến nhiều người cảm thấy bị hụt hơi với nhịp sống của mình. Kết quả là mỗi người đều tận dụng triệt để quỹ thời gian của mình mà vẫn cứ thấy nhiều và rất cần thời gian? Theo nhà xã hội học Thomas Hylland Eriksen, thay vì tận dụng thời gian rỗi, chính chúng ta lại trở thành nô lệ của “tên thời gian bạo chúa”.

Nhưng cuộc sống công nghiệp hiện đại càng nhanh, càng tốc độ thì con người ngày càng bị áp lực, căng thẳng. Nhiều loại bệnh tật xuất hiện, người ta gọi các bệnh đó là bệnh tâm lý của con người ở đô thị công nghiệp và trở thành một vấn nạn không loại trừ một ai trong cuộc sống hiện đại. Rồi đến những thay đổi về mặt xã hội như sự phân hóa xã hội, nạn thất nghiệp, các tệ nạn xã hội, bất cập của nền giáo dục, y tế, sự thay đổi cơ cấu gia đình, mất đi các giá trị của gia đình truyền thống… dẫn đến sự phát triển của các chứng bệnh tâm thần.
Đi chậm, ăn chậm, đô thị chậm
Khái niệm về “Sống chậm” xuất hiện tại các nước phương Tây từ những năm 70- 80 của thế kỷ trước và đến thời điểm hiện tại nó thực sự trở thành một trào lưu sống khá thịnh hành trong một bộ phận dân cư đông đảo của nhiều nước tiên tiến. Với suy nghĩ sống chậm một nhịp để thưởng thức cuộc sống, ngày càng nhiều người tìm đến phương pháp dưỡng sinh cổ điển của Ấn Độ, đó là thiền để rèn luyện năng lực tập trung không cho tạp niệm xen vào, giúp cho ý chí sáng suốt, thanh thản.

Nếu xã hội hiện đại với lối sống nhanh, sống gấp, con người tiếp cận thông tin, tri thức chủ yếu thông qua nghe nhìn, vô hình chung đánh mất thói quen tư duy, suy nghĩ tĩnh tại, trí nhớ cũng suy giảm thì thiền giúp con người lấy lại cân bằng, tăng cường năng lực tư duy, khả năng ghi nhớ được cải thiện đáng kể.

Cuộc sống chậm không chỉ bắt đầu từ đi chậm mà còn ăn chậm cho tới… đo thị chậm. Bên cạnh đồ ăn nhanh của Mc Donald, KFC… làm mưa làm gió ở mọi nơi, mọi chốn, cuốn người ta vào vòng xoáy của sự vội vã cũng có nhiều người không thích và không chịu được kiểu ăn tốc độ. Thế là bắt đầu xuất hiện những hiệp hội thích ăn nhữn thứ không phải là fastfood. Dần dần nó trở thành một trào lưu, một cách sống khác hẳn với kiểu sống nhanh vốn thịnh hành ở các thành phố lớn.

Những người sành ăn (tất nhiên là ăn rất lâu) sau đó được hiểu như những nhà sinh thái học và cả những người bảo vệ bản sắc văn hóa của mỗi thành phố, mỗi địa phương trước sự tấn công ồ ạt của quá trình toàn cầu hóa, của tin học và mạng. Theo họ, chính những bữa ăn truyền thống được chuẩn bị cầu kỳ và thưởng thức kỹ càng dạy chúng ta cách chiến thắng thời gian mà không làm mất đi chất lượng của cuộc sống. Còn trong đô thị chậm, mọi người được sống thư giãn, suy tưởng. Ở đây tiếng ồn được giảm bớt, mọi người đi bộ nhiều, tăng không gian sinh thái, môi trường được bảo vệ, các di sản kiến trúc được bảo tồn, các thế hệ hiện tại và tương lai đoàn kết hơn, truyền thống địa phương được tôn trọng hơn trong một thế giới toàn cầu hóa và nối mạng…

Xu hướng sống chậm dần thắng thế…

Sau một thời gian biến mất và được thay thế bằng các cửa hàng tiện nghi phục vụ 24/24 giờ và những máy bán hàng hiện đại “ngành công nghiệp bán rong” dường như hồi sinh ở thành phố nhộn nhịp Tokyo. Trong số những nhà bán hàng rong tồn tại tốt tại thành phố này, nổi bật là Table Mono, một công ty bán rong sản phẩm tàu hũ ở Tokyo. Các nhân viên bán hàng của Table- Mono vừa bán hàng, vừa thổi những giai điệu quyến rũ bằng cây trumpet đồ chơi.

Còn tại Osaka, thành phố lớn thứ hai của Nhật, số công nhân sống chậm đang làm việc tại thành phố này rất đông. Họ muốn làm việc theo nhịp riêng của họ và không mấy quan tâm đến thu nhập.

Cũng từ năm 2002, bốn thị trấn nhỏ của Italia là Orvieto, Bra, Greve và Positano hợp thành cái gọi là Cittaslow- những thành phố sống chậm. Hiểu một cách đơn giản, Cittaslow là một phong trào hướng tới sự giảm tiếng ồn và sự đi lại quá đông đúc, giữ kiến trúc, phong cảnh cũng như truyền thống ẩm thực của địa phương. Hiện nay, ngoài hơn 40 tỉnh thành của Italia, Cittaslow đã kết nạp thêm hàng trăm thành viên khác của Anh, Đức, Brazil… Tất cả những gì mà các công dân Cittaslow làm là tối đa hóa chất lượng cuộc sống. Mọi người thống nhất với nhau cùng hướng tới một sự phát triển bền vững và hài hòa bởi việc đáng làm nhất trong cuộc đời của mỗi người là mang lại cho mình sự bình an, hạnh phúc

- Saga -