CÁNH CỬA MỚI

Cách đây, hàng thế kỷ, tại một đất nước nọ có một họa sĩ. Anh muốn tạo ra một bức tranh thực sự tuyệt vời có thể tỏa ra sự thiêng liêng, một bức tranh về một gương mặt có ánh mắt tỏa ra sự bình yên vô hạn. Anh lên đường để tìm kiếm một người nào đó có gương mặt vượt ra khỏi giới hạn của đời sống này, một cái gì đó siêu việt.

Anh lang thang khắp đất nước, hết làng này đến làng nọ, hết cánh rừng này đến cánh rừng khác nhắm tìm một người như thế. Cuối cùng anh gặp một người chăn cừu trên núi có sự ngây thơ trong trắng trong đôi mắt sáng và gương mặt thanh tú với nét siêu linh. Chỉ cần liếc nhìn anh cũng đủ để tin rằng Thượng đế tiềm ẩn nơi nhân loại.

Người họa sĩ vẽ một bức họa về người chăn cừu trẻ tuổi này. Hàng triệu bản sao của bức họa này đã được bán sạch, thậm chí ngay cả ở những khu vực xa xôi. Mọi người cảm thấy hạnh phúc khi có thể treo bức họa này trên tường nhà mình.

Hai mươi năm sau, người họa sĩ đã già, một ý tưởng khác chợt nảy ra trong tâm trí ông. Theo kinh nghiệm sống của ông, nhân loại không hòa toàn ngoan đạo; ma quỷ vẫn tồn tại trong họ. Ý tưởng này làm nảy sinh dự định vẽ một bức tranh nhằm phản ánh hình ảnh ma qủy trong con người. Hai bức họa này, ông nghĩ, sẽ bù trừ cho nhau, đại diện cho toàn nhân loại.

Ở tuổi già, ông lại lên đường tìm kiếm. Lần này ông muốn tìm một người không phải là người mà là ma quỷ. Ông đến các khu nhà ổ chuột, các quán rượu, các nhà thương điên. Người này cần phải có ngọn lửa của địa ngục; gương mặt của anh ta phải thể hiện được nét tàn bạo, xấu xí, ác dâm. Ông tìm kiếm hình ảnh của tội lỗi. Trước đây ông đã vẽ nên hình ảnh về sự hóa thân của loài quỷ dữ.

Sau khi tìm kiếm thật lâu, cuối cùng ông tìm được một tù nhân. Người tù này phạm bảy tội giết người và bị kết án treo cổ trong vài ngày tới. Ngọn lửa địa ngục đang bùng cháy trong mắt hắn; hắn trong giống như hiện thân của tội ác. Gương mặt của hắn là gương mặt xấu xí nhất mà bạn có thể hình dung ra. Người họa sĩ bắt đầu vẽ hắn.

Khi ông hoàn tất bức họa ông mang bức họa trước đây ra đặt bên cạnh để đối chiếu. Nhìn từ góc độ nghệ thuật thì thật khó có thể xác định được bức họa nào tốt hơn bức họa nào; cả hai đều là kiệt tác. Người họa sĩ đứng đó, mắt nhìn trừng trừng vào hai bức họa. Chợt ông nghe thấy tiếng khóc thút thít. Ông quay lại và trông thấy người tù bị xiềng xích đang khóc nức nở. người họa sĩ vô cùng bối rối. Ông hỏi “Này chàng trai, tại sao anh lại khóc? Hai bức tranh này khiến anh buồn sao?”

Người tù đáp “Tôi vẫn luôn cố gắng che đậy một điều trước mặt ông, nhưng hôm nay tôi không thể giấu diếm được nữa. Bức họa thứ nhất cũng là bức họa về tôi. Cả hai bức tranh này đều vẽ khuôn mặt của tôi. Tôi chính là người chăn cừu mà ông đã gặp cách đây hai mươi năm trên ngọn đồi kia. Tôi khóc vì sự suy vong của mình trong suốt hai mươi năm qua. Tôi đã rơi xuống địa ngục, từ thiên đàng xuống địa ngục.”

====  ==   <>   ==  ====

Thiên thần và ác quỷ, một tác phẩm của nhà văn Dan Brown cũng đã từng mô tả một nhân vật na ná như thế, khi anh ta truy đuổi nắm bắt một cuộc sống dài hơi.......

Cuộc sống con người đều có hai mặt tiêu cực và tích cực. Trong tâm hồn mỗi con người có cả thiên thần lẫn quỷ dữ tồn tại; và trong mỗi con người luôn có thiên đàng lẫn địa ngục. Trong mỗi con người luôn tồn tại những bông hoa xinh đẹp lẫn những đám lau đám sậy.

Qua hành vi, lời nói, ý nghĩ có thể là những gam màu, những nét chấm phá, những đường dọc ngang trong một bức tranh lớn cuộc đời tạo nên những thiên thần hay ác quỷ.

Sự vô tư thanh thản, nhàn nhã trên quả đồi cùng bầy cừu thả rong. Sự thảnh thơi, lắng động trong khung cảnh thơ mộng thưởng thức vị ngon của tách trà và chiếc bánh của đêm về, hầu như xã hội loài người ai cũng khao khát được hòa mình hóa thân vào đó.

Nhưng cánh cửa thiên đường cộng với nét mặt thanh tú của thiên thần có được hay không phải nhờ vào sự chuyển hóa mỗi ngày của chúng ta. Gấp lại một trang sách hay, một lời ước nguyện đẹp mỗi ngày, ngồi tĩnh lặng bên mái hiên, ban công trước nhà, một ánh mắt trìu mến với những người thân thương, một cử chỉ nhã nhặn trong sự san sẻ vật chất với những người nghèo khổ....... là sự dệt thêu bức tranh thánh thiện, mở toang ra cánh cửa thiên đường mỗi ngày.

Giàu có, cao sang là một cái phước, nhưng có thể chưa phải là cái đức. Một bữa dạ tiệc với nhiều lời chúc tụng tiêu tốn quá nhiều tiền bên cạnh những mảnh đời đói ăn húp từng muỗng cháo, là một sự hờ hững với cái khổ cực. Thực ra có phước thì hưởng, chẳng ai kiện cáo gì, vì đó là quy luật bình đẳng trên nhân quả. Nhưng cái cách sử dụng phước đó như thế nào cũng có thể góp phần toát lên gương mặt là thiên thần hay ác quỷ mỗi ngày.

Một gánh hát phải có vai thiện và vai ác, khi xong tuồng thì người ta gỡ bỏ vai diễn ra hiện diện với bộ mặt thật của mình, nhận cát-sê và ra ngoài ăn phở. Vậy đó, tưởng chừng như xong chuyện nhưng khán giả vẫn có thể ác cảm và hằn hộc hay yêu mến, hâm mộ người đã từng diễn cái vai đó ngoài thực tế. Chuyện sân khấu còn vậy huống là cuộc đời. Cuộc sống luôn là hai thái cực phản diện, cho nên tùy mỗi người, ai muốn mở cánh cửa thiên thần hay ác quỷ cũng được, vì cuộc sống vẫn là như thế.