CAO ĐÀI GIÁO - PHẦN 03

TỔ CHỨC
   
Một nhân sự hành đạo chịu 2 sự sắp xếp: Theo Đài (cục bộ) và theo Hội Thánh Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ (toàn thể).
   
Nhân sự Hiệp Thiên Đài chia làm 3 chi: Chi Pháp, Chi Đạo và Chi Thế. Nhân sự ( Nam và Nữ ) của Hiệp Thiên Đài tùy nhu cầu và sở năng mà phân bổ vào 03 chi này.

Chi Pháp: Hộ Pháp chưởng quản Hiệp Thiên Đài kiêm Chi Pháp. Chi Pháp có 4 vị thời quân: Tiếp Pháp, Khai Pháp, Hiến Pháp, Bảo Pháp. Dây sắc lịnh thả mối ở giữa.
   
Chi Đạo: Thượng Phẩm coi Chi Đạo. Chi Đạo có 4 vị thời quân: Tiếp Đạo, Khai Đạo, Hiến Đạo, Bảo Đạo. Dây sắc lịnh thả mối ở bên phải.
   
Chi Thế: Thượng Sanh coi chi thế. Chi Thế có 04 vị thời quân: Tiếp Thế, Khai Thế, Hiến Thế, Bảo Thế. Dây sắc lịnh thả mối ở bên trái.
Cửu Trùng Đài
   
Cửu Trùng Đài là phần xác của Đạo, có 2 phần: vô vi (do thiêng liêng nắm) và hữu hình ( do tín đồ công cử hoặc Đức Chí Tôn ban thưởng). Về phần hữu hình, Cửu Trùng Đài có 2 nhiệm vụ hành pháp và lập pháp, là chánh trị của Đạo ( giáo hóa).
   
Nhân sự Cửu Trùng Đài phân theo Nam và Nữ (theo giới tính).
Cửu Trùng Đài Nam Phái
   
Nam Phái chia làm 3 phái: Phái Thái (màu vàng), Phái Thượng (màu xanh da trời), Phái Ngọc (màu đỏ).
   
Các bậc phẩm bao gồm: Lễ Sanh, Giáo Hữu, Giáo Sư, Phối Sư, Đầu Sư, Chưởng Pháp, Giáo Tông với số lượng như sau:

Lễ Sanh: Không định số.
Giáo Hữu: 3.000 vị. (Mỗi phái một ngàn).
Giáo Sư: 72 vị (Mỗi phái 24 vị).
Phối Sư: 36 vị (Có 3 vị Chánh Phối Sư. Mổi phái 12 vị).
Đầu Sư: 3 vị (Mỗi phái một vị).
Chưởng Pháp: 3 vị (Mỗi phái một vị).
Giáo Tông: 1 vị (là anh cả của toàn thể tín đồ).

Cửu Trùng Đài Nữ phái
   
Nữ phái không chia phái và có Đạo phục màu trắng. Quyền hành chức sắc Cửu Trùng Đài Nữ Phái y như Nam Phái song chỉ trông coi phái Nữ mà thôi. Các bậc phẩm của Nữ phái bao gồm: Lễ Sanh, Giáo Hữu, Giáo Sư, Phối Sư, Đầu Sư (không có phẩm Chưởng Pháp và Giáo Tông), số lượng như sau:

Đầu Sư phái Nữ: 1 vị.
Chánh Phối Sư phái Nữ: 1 vị.
  
Các bậc phẩm từ Phối Sư xuống đến Lễ Sanh: Không giới hạn.
   
Đầu Sư nữ phái phải tùng quyền Chưởng Pháp cùng Giáo Tông.
Cửu Viện
   
Cửu Trùng Đài có 9 viện nghiên cứu là: Học Viện, Y Viện, Nông Viện, Hộ Viện, Lương Viện, Công Viện, Hòa Viện, Lại Viện, Lễ Viện.
   
Phái Thái chịu trách nhiệm Hộ Viện, Lương Viện, Công Viện;     
Phái Thượng chịu trách nhiệm Học Viện, Y Viện, Nông Viện;     
Phái Ngọc chịu trách nhiệm Hòa Viện, Lại Viện, Lễ Viện.

Công cử nhân sự Cửu Trùng Đài: Chức Sắc Cửu Trùng Đài bắt đầu từ phẩm Lễ Sanh (lựa chọn trong hàng tín đồ những người có Đạo Hạnh tốt). Chức Sắc Cửu Trùng Đài mổi khi cầu phong hay cầu thăng đều phải qua 3 giai đoạn.
   
Quyền Vạn Linh chấp nhận. (Từ Chưởng Pháp xuống đến Hội Nhơn Sanh).
    
Quyền Chí Tôn tại thế (Giáo Tông và Hộ Pháp) chấp nhận.
Cơ bút nhìn nhận tại Cung Đạo.
   
Về sau Hội Thánh Cao Đài có mở thêm một số cửa khác như: Nhân sự từ Đầu Phòng Văn, Lễ Sĩ, Giáo Nhi…là những người phục vụ theo chuyên môn và đủ thời gian qui định thì được cầu phong vào Lễ Sanh. Đặc biệt là Hiền Tài, Ban Thế Đạo nếu có công nghiệp hành Đạo được cầu thăng qua Giáo Hữu).

Tổ chức Hội Thánh

Gồm 4 Hội Thánh hữu hình:   
Hội Thánh Hiệp Thiên Đài: Các phẩm chức sắc Hiệp Thiên Đài từ phẩm Truyền Trạng trở lên.     
Hội Thánh Cửu Trùng Đài: Các phẩm chức sắc Cửu Trùng Đài từ bậc Giáo Hữu trở lên.    
Hội Thánh Phước Thiện: Các phẩm chức sắc cơ quan Phước Thiện từ bậc Chí Thiện trở lên   
Hội Thánh Hàm Phong: Các vị chức sắc thuộc các Hội Thánh nêu trên, khi đến tuổi 60 về hưu thì sẽ được đưa vào Hội Thánh Hàm Phong. Dù không trực tiếp tham gia hành chánh Đạo, nhưng nếu có thể đóng góp trong quá trình an dưỡng và có công trạng đặc biệt vẫn sẽ được xét để thăng phẩm vị.

Nhân sự

Hội Thánh Anh
   
Nhân sự Hiệp Thiên Đài và Cửu Trùng Đài hợp lại thành Hội Thánh Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ hay Hội Thánh Cao Đài.
   
Về hành chánh Hội Thánh Cao Đài gồm các bậc phẩm từ Giáo Hữu (của Cửu Trùng Đài) đổ lên. (Các bậc phẩm ở Hiệp Thiên Đài “hay các cơ quan khác” thì đối phẩm tương đương với phẩm Giáo Hữu). Từ Phối Sư trở lên hành đạo ở tại Tòa Thánh. Từ Lễ Sanh đến Giáo Sư hành đạo ở địa phương. (Tộc, Châu, Trấn). Hội Thánh ở trung ương được gọi là Hội Thánh Anh.

Hội Thánh Em
   
Ban Trị Sự tại Hương Đạo được gọi là Hội Thánh Em, gồm 3 vị: Chánh Trị Sự, Phó Trị Sự, và Thông Sự. Đạo Luật qui định: Dù là một phẩm nhỏ nhất (Phó Trị Sự hoặc Thông Sự) nơi ấp Đạo cũng phải trường trai và phải từ bỏ quyền Đời đặng để trọn tâm lo tròn trách nhậm Đạo.
Các cơ quan trong hành chánh Đạo
   
Đạo Luật Mậu Dần (1938) bố trí 4 cơ quan trong hành chánh đạo (4 cơ quan trong chánh trị đạo).
   
Hành Chánh: là cơ quan để thi hành các luật lịnh của Hội Thánh hoặc của chúng sanh dâng lên mà đã có Quyền Chí Tôn phê chuẩn, nghĩa là buộc chúng sanh phải tuân y Luật Pháp mà đi trên con đường Đạo Đức cho đặng thong dong, hòa bình, trật tự, hạnh phúc, an nhàn, tức là thật hành cả khuôn viên luật pháp cho ra thiệt tướng. Thống quản cả các hoạt động của nền chánh trị đạo. (Chương hành chánh có 17 điều).
   
Phước thiện: là cơ quan bảo tồn sanh chúng trên đường sanh hoạt nuôi sống thi hài, tức là cơ quan giải khổ cho chúng sanh, tầm phương bảo bọc những kẻ tật nguyền, cô độc, dốt nát, ít oi, hoặc giúp tay cho bên hành chánh thi hành Luật Pháp cho đặng dễ dàng trọn vẹn. (Phước Thiện lấy điều 10 và 11 của Hành Chánh tạo thành).
   
Phổ tế: là cơ quan để cứu vớt hoặc độ rỗi những người lạc bước thối tâm, cùng an ủi khuyên lơn những kẻ đã bị luật pháp buộc ràng mà phế vong phận sự, hay là độ rỗi những kẻ hữu tâm tầm Đạo. (thuộc điều 14 của chương Hành Chánh).

Tòa Đạo: là cơ quan bảo thủ Chơn Truyền, gìn giữ Luật Pháp, chăm nom chư Chức Sắc, Chức Việc và Đạo Hữu thi hành phận sự, chở che những kẻ yếu tha, bênh vực những người cô thế, hoặc tiếp cả sự uất ức bất công của toàn sanh chúng, tức là giữ nét công bình trên mặt Đạo; lại cũng là một cơ quan giúp cho Hành Chánh, Phước Thiện và Phổ Tế thêm oai quyền mạnh mẻ, tôn nghiêm đặc sắc.
(thuộc điều 15 của chương Hành Chánh). Tùy theo phân cấp hành chánh mà bố trí nhân sự và tổ chức các cơ quan.

Phân cấp hành chánh
   
Đạo Cao Đài có trung ương và địa phương: Cấp trung ương đặt tại Tòa Thánh Tây Ninh.
   
Hội Thánh Cao Đài có các cơ quan như: Cửu Viện, Phước Thiện, Phổ Tế, Bộ Pháp Chánh, Hàn Lâm Viện, Ban Thế Đạo, Đại Đạo Thanh Niên Hội….
   
Tổ chức Hành Chánh Đạo tại Châu Thành Thánh Địa (trung ương) với 1 vị Giáo Sư là Khâm Thành.
   
Trong Châu Thành Thánh Địa có các Phận Đạo. Đầu Phận Đạo là vị Lễ Sanh. Phận Đạo có nhiều Hương Đạo.

Ở cấp địa phương:
   
Trấn Đạo: gồm nhiều Châu Đạo. (Giáo Sư phụ trách Khâm Trấn).     
Châu Đạo: Gồm nhiều Tộc Đạo. (Giáo Hữu phụ trách Khâm Châu).     
Tộc Đạo: Gồm nhiều Hương Đạo (Lễ Sanh phụ trách Đầu Tộc Đạo).    
Hương Đạo: Gồm nhiều ấp Đạo (Chánh Trị Sự phụ trách Đầu Hương Đạo.    
Ấp Đạo có Phó Trị Sự và Thông Sự đứng đầu.

Những tính chất khác
   
Khi xưng hô với nhau, tín đồ Cao Đài sử dụng các từ "huynh', "đệ", "tỷ", "muội" (tức là anh chị em một nhà), tuỳ theo Thiên chức (giáo phẩm), tuổi tác, giới tính. Khi kính cẩn, họ còn thêm "Hiền" phía trước những đại từ nhân xưng trên ("hiền huynh", "hiền tỷ"...).
   
Một cơ sở tôn giáo Cao Đài được gọi là "Thánh Thất" hoặc "Thánh Tịnh". Mỗi cơ sở đều có chương trình truyền bá giáo lý.
   
Một tín đồ Cao Đài nếu thường tham gia các hoạt động của đạo và có năng lực thích hợp sẽ được giữ chức vụ tương ứng như thủ quỹ, thư ký v.v. Nếu tình nguyện dành trọn cuộc đời cho đạo thì sẽ bước vào hàng chức việc hay chức sắc. Lúc đó sẽ được đề cử vào các phẩm vị như Phó Trị Sự, Chánh Trị Sự, Lễ Sanh v.v. Đạo Cao Đài nhấn mạnh sự bình đẳng giữa nam và nữ trong xã hội.
   
Tuy nhiên, trong phạm vi tôn giáo, nữ giới không được phép bước lên ngôi vị Chưởng Pháp, Giáo Tông. Toà Thánh khẳng định rằng đây là lệnh của Thượng Đế, người đã tuyên bố rằng nam tượng trưng Dương, nữ tượng trưng Âm. Nếu Âm thịnh Dương suy, nều Đạo sẽ đi vào sự hủy diệt.
   
Việc không cho nữ phái lên các phẩm Chưởng Pháp, Giáo Tông cũng có những lý do vì Thượng Đế yêu thương nữ phái, không muốn phận nữ nhi phải chịu nhiều đau khổ. Bởi lẽ lên phẩm vị càng cao, trách nhiệm công việc càng lớn, đó là 1 gánh nặng vô cùng mệt mỏi mà nữ phái thì làm việc theo xu hướng tình cảm cho nên nếu gánh trách nhiệm nặng nề thì lại dễ dẫn đến những việc không hay có thể xảy ra trong quá trình hành chánh Đạo. Còn nam giới, làm việc vốn xu hướng theo lý trí nên khi đối mặt những khó khăn sẽ có thể bình tâm, tỉnh trí để xử lý những việc trọng đại sao cho công tâm nhất.
Sự phân chia tổ chức giáo hội Cao Đài
   
Như các tôn giáo khác, Đạo Cao Đài cũng không tránh khỏi tình trạng phân chia chi phái. Một số chi phái Cao Đài đã tách ly ra khỏi Toà Thánh Tây Ninh, tính đến khoảng năm 1930 gồm có 12 chi phái lớn như: Chiếu Minh, Cao Đài Ban chỉnh Đạo (Bến Tre), Tiên Thiên (Bến Tre), Minh Chơn Đạo (Hậu Giang), Minh Chơn Lý (Tiền Giang)... Sau này có thêm nhiều chi phái nhỏ khác. Ông Ngô Văn Chiêu là đệ tử (tín đồ) đầu tiên của Đạo, đã lập ra phái Chiếu Minh khi ông ta rời bỏ cấu trúc tôn giáo nguyên thuỷ, chấp nhận từ chối ngôi vị Giáo Tông đầu tiên của đạo này mà tu theo lối hành thiền. Ông ta không liên quan đến việc thành lập tôn giáo Cao Đài chính thức vào năm 1926 cũng như không liên quan đến việc xây dựng Toà Thánh Tây Ninh.
   
Riêng phái Tiên Thiên do ông Nguyễn Bửu Tài lãnh đạo đã xin trở về với Hội Thánh Tây Ninh ngày 29-6-1949 và đã được Hội Thánh chấp thuận. Nhưng sau đó, khi ông trở về phái Tiên Thiên, thiết lập 1 đàn cơ thì được cơ phong cho phẩm Giáo Tông (cơ bút giả dạng của thế lực tà quái), vì thế mà phái Tiên Thiên vẫn chưa hội nhập về với gốc là Tòa Thánh Tây Ninh.

Lễ nghi và lễ phẩm
   
Tín đồ đạo Cao Đài hàng ngày quỳ cúng (hoặc tịnh - ngồi thiền) 4 lần vào các giờ Tý (nửa đêm), Ngọ (giữa trưa), Mẹo (từ 5 đến 7 giờ), Dậu (từ 17 đến 19 giờ).
   
Lễ phẩm gồm có: bông hoa (Tinh), rượu (Khí), và trà (Thần).
Các vị thánh
   
Cao Đài Tam Thánh. Từ trái sang phải: Tôn Dật Tiên, Victor HugoNguyễn Bỉnh Khiêm
   
Mặc dù nhiều chi phái Cao Đài khác nhau khẳng định là họ đã nhận được thông điệp từ các "đấng thiêng liêng" nhưng con số mà Toà Thánh Tây Ninh công nhận lại ít hơn đáng kể.

Xem tiếp phần 04

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét

Có viết cho nhau cả vạn lời,
Rằng thương rằng nhớ để rồi thôi,
Chi bằng trên đường đời vạn nẻo,
Sống Để Yêu Thương thế đủ rồi...