Thời xa xưa, tìm được cách làm ra lửa là
cả một phát minh vĩ đại...
Có một nhà phát minh nọ, sau khi đã tìm
được nghệ thuật làm ra lửa đã đi từ bộ lạc này sang bộ lạc khác để quảng bá
phương pháp của mình. Có nhiều bộ lạc tiếp thu phương pháp của ông mà không hề
bày tỏ một dấu hiệu nào của lòng biết ơn. Nhưng con người quảng đại này không
màng đến chuyện người ta biết ơn hay phản bội. Niềm hạnh phúc của ông là thấy
được mỗi ngày càng có được nhiều người hưởng được sự phát minh của ông.
Cũng giống như những bộ
lạc trước, bộ lạc cuối cùng mà ông mang đến nghệ thuật làm ra lửa cũng hồ hởi
đón tiếp ông. Nhưng không mấy chốc, các tư tế trong bộ lạc tỏ lòng ghen tức, họ
âm mưu sát hại ông để xóa bỏ mọi ảnh hưởng của ông. Sau khi mưu sát ông, để
đánh tan mọi nghi ngờ, các tư tế cho vẽ một bức chân dung của ông và đặt trên
bàn thờ. Trong mọi nghi thức tế tự, tên của ông được thành kính nhắc đến như một
đại ân nhân của bộ lạc. Các dụng cụ ông làm ra lửa cũng được các tư tế cho đặt
vào trong một chiếc hộp quý. Họ cũng rêu rao rằng bất cứ ai lấy lòng tin mà chạm
đến các báu vật ấy sẽ được chữa mọi bệnh tật.
Vị Thượng tế của bộ lạc cũng nhận trách
nhiệm biên soạn một tiểu sử của vị phát minh ra lửa. Quyển tiểu sử ấy cũng trở
thành một thứ sách Thánh trong đó gương sáng, đời sống gương mẫu của vị đại ân
nhân được ca tụng và đề ra như lý tưởng cho mọi người noi theo. Các tư tế cũng
tự nhận cho họ quyền được giải thích về cuộc đời và các lời răn dạy của vị phát
minh.
Ðể đảm bảo tính cách tinh ròng của những
lời răn dạy của vị phát minh, các tư tế ra lệnh tuyệt thông hoặc tử hình cho tất
cả những ai không chấp nhận những lời giải thích của họ. Dân chúng sợ hãi đến độ
dần dà họ chỉ còn biết có những lời giải thích của các vị tư tế và quên hẳn cả
chính nghệ thuật làm ra lửa.
Qua câu chuyện này, như muốn nhắn nhủ với
chúng ta rằng cái khuynh hướng chung của những người có tôn giáo là dễ dàng
quên đi chính cái cốt lõi của tôn giáo. Con người dễ bám vào những nghi thức
bên ngoài của tôn giáo mà quên đi thông điệp thiết yếu của nó. Chiến tranh tôn
giáo, sự bất khoan dung của các tín đồ đều bắt nguồn từ khuynh hướng trên.
Chúng ta dễ bị cám dỗ khi nhìn vào đạo của
chúng ta như một hệ thống của những cơ cấu, của những nghi thức, của những điều
phải tin, phải giữ, nhưng lại quên đi cái cốt lõi của đạo chúng ta chính là sự
minh triết trong tình thương và tư duy sáng suốt.
Chúng ta sẵn sàng nhân danh
các Đấng giáo chủ, nhân danh đạo lý để loại trừ, để bức hại đồng loại, sát hại
các loài sinh vật bằng cách này hay cách khác. Rốt cục cũng giống như bộ lạc cuối
cùng trong câu chuyện ngụ ngôn trên đây, lửa yêu thương của nhà phát minh đã
mang đến, chúng ta đã dập tắt đi để thay vào đó bằng những nghi thức thừa thãi
trống rỗng. Chúng ta dễ dàng thay thế những giá trị minh triết ấy bằng đạo kiến
giải của hình thức, đạo cầu cúng xin xỏ của giả hình... Quên đi cốt lõi, lời
Kinh của chúng ta sẽ chỉ là những tiếng kêu trống rỗng, các nghi thức của chúng
ta sẽ chỉ là những trò hề, nếu cuộc sống của chúng ta chưa được thực tập chánh
kiến và thấm nhuần đạo đức.