CÁI LƯỠI

Cái lưỡi trời sinh chẳng có xương! 
Đảo điên nhân thế khó mà lường. 
Bôi đen đảo lộn trên thành dưới. 
Vẽ trắng vờ nhầm chín hóa ương.

Một hôm ông phú hộ ra lệnh cho người làm giết heo và chọn phần quí nhất của con heo làm cho ông một món ăn. Người làm vâng lời và sau đó dâng cho ông cái lưỡi heo.

Ông phú hộ hỏi:

- Tại sao ?

Thì người làm trả lời:

- Rằng cái lưỡi là bộ phận quí nhất, vì nhờ cái lưỡi mà con người có thể diễn đạt những tình cảm chân thành, những ý tưởng cao siêu và có ích.

Ít lâu sau, ông phú hộ lại ra lệnh cho người làm giết heo và chọn một bộ phận xấu xa nhất làm cho ông ăn. Người làm vâng lời và sau đó dâng cho ông lại cũng là cái lưỡi heo. 

Ông phú hộ hỏi:

- Tại sao ?

người làm trả lời:

- Vì cái lưỡi có thể nói lên những lời nói xấu xa nhất, tàn ác nhất làm tan nát gia đình, xã hội...

Ông phú hộ vô cùng ngợi khen sự thông minh của người làm.

Thật là cái lưỡi không xương nhiều đường lắt léo. Người xưa cũng có dạy: “Khẩu khai thần khí tán. Thiệt động thị phi sanh”, tức là mở miệng nhiều lời sẽ hao tổn thần khí, lưỡi động thường nói chuyện phải trái, hơn thua, đẹp xấu, khen chê... để rồi phải tranh đấu, mạ lị lẫn nhau khiến sanh ra lắm chuyện thương tâm.

Cổ nhân có dạy: “Bệnh tùng khẩu nhập, hoạ tùng khẩu xuất”, nghĩa là: bệnh từ cái miệng do ăn uống mà đem vào, họa cũng từ cái miệng do nói chuyện thị phi mà tạo ra. Phật dạy, trong mười cái nghiệp của con người thì cái miệng đã chiếm bốn, tức gần một nửa rồi....