Có hai con chim gáy rất thân với nhau. Hết
tha thẩn xuống đồng lượm từng hạt lúa, chúng lại bay lên ngọn tre râm ran tiếng
gù. Cứ tha hồ mà dồn dập, mà khoan thai có khi nhẹ nhàng như lời tình tự. Bỗng
chẳng may một anh bị con người bẫy được đem về nuôi. Anh kia liền đi tìm bạn mới.
Mặc dù được chăm sóc chu đáo, nhưng bị
giam hãm trong lồng phần thì nhớ da diết cánh đồng quê, phần thì nhớ bạn, chim cất
lên những tiếng ai oán não nùng. Nghe tiếng than của bạn, anh chim gáy ở
ngoài cũng tìm đến thăm. Thấy bạn mình được ở trong chiếc lồng son, có thức ăn
nước uống đầy đủ, anh ta ganh tị bảo:
- Tưởng khổ cực lắm, hoá ra phúc đức ông
cha bảy đời để lại mới có được kẻ nâng niu chiều chuộng còn than vãn nỗi gì.
Anh chim trong lồng nghẹn ngào không thốt
nên lời.
Thấy thế anh chim ở ngoài nảy ra ý định:
Mình muốn vào đó, nhưng có cả hai thì thức ăn sẽ ít đi, chi bằng tìm kế cho nó
bay ra để ta vào tha hồ mà chén. Nghĩ vậy anh ta liền dùng lời ngon ngọt dụ dỗ:
- Muốn thoát thân thì nhịn ăn, giả vờ chết.
Chủ sẽ bắt ra xem thử, lúc ấy nhanh chân mà tẩu thoát.
Quả thật bằng cách đó anh chim nọ được
vùng vẫy nơi trời cao và say sưa cất giọng trầm bổng. Còn anh chim ở ngoài lại
cứ quanh quẩn bên chiếc lồng, tất nhiên được vào trong dễ dàng.
Được no nê nhưng anh ta mới nhận ra sự
cô độc, tù túng. Từ đó, chim càng lười biếng không cất nổi tiếng gáy. Người chủ
thấy thế cũng chẳng còn săm soi, chăm sóc như ngày xưa nữa. Nhiều hôm phải nhịn
đói, nước mắt lưng tròng, thân hình tiều tụy trông mà tội nghiệp, anh ta liền dở
chiêu cũ nhưng có ai mà dại nữa. Lúc này, anh chim gáy nọ mới nhận ra rằng sống
mà chỉ vì miếng ăn thì đó chỉ là kiếp sống thừa.
sưu
tầm