Một vị giám đốc lập nghiệp từ tay trắng,
sau kiếm được rất nhiều tiền nhưng vì buôn bán trong thời kinh tế không ổn định,
khiến anh ta trở nên phá sản, nợ nần chồng chất. Nghĩ mãi không tìm ra cách giải
quyết, anh ta bèn ra bờ sông tự tử.
Vào lúc canh ba một đêm nọ, anh ta đến
trước bờ sông, bỗng nhiên nhìn thấy một thiếu nữ đang ngồi khóc thảm thiết, anh
bèn đến hỏi cô gái:
- Có chuyện gì mà đêm hôm khuya khoắt cô
ngồi khóc một mình ở đây?
Cô gái buồn bã nói:
- Tôi bị người yêu ruồng bỏ,
tôi không muốn sống nữa, bởi vì không có anh ấy tôi không sống nỗi.
Vị thương gia vừa nghe xong
lập tức nói:
- Ồ! Lạ nhĩ, sao lúc chưa có
bạn trai, cô có thể tự sống được.
Cô gái vừa nghe xong liền bừng tỉnh và bỏ ngay ý định tự tử.
Ngay lúc đó vị thương gia nọ cũng chợt
nhận ra rằng: Khi chưa giàu có ta vẫn sống bình thường, ta cũng tay trắng làm
nên mà!
Lúc đó cô gái quay sang hỏi
vị thương gia:
- Đêm hôm lạnh lẽo như vậy,
anh ra đây để làm gì?
Vị thương gia ậm ừ trả lời:
- Ừ… đâu có làm gì, chỉ là tản
bộ chút vậy thôi”.
===
== === ==
Thì ra, dù đã mất tất cả nhưng thực sự
cũng chỉ bằng lúc ta chưa có mà thôi. Đây là một tuệ giác lớn!
Ai thấy được điều này là có trí tuệ. Vì
khổ đau, vật vả, thù hận thậm chí quyên sinh khi mất mát xảy ra, xét cho cùng
cũng chỉ thiệt cho mình.
Người con gái trong câu chuyện trên khi
mất người yêu nghĩ rằng không có người yêu thì không sống nỗi, chợt thấy rõ rằng
trước khi chưa gặp “kẻ phản bội” kia thì ta vẫn sống vui, liền lập tức đổi ý
không trầm mình xuống sông nữa. Người thương gia trắng tay cũng đổi ý khi ngộ
ra rằng trước đây ta cũng từ tay trắng mà lên. Bây giờ trắng tay nhưng cũng chỉ
bằng ngày xưa chứ chưa mất mát tí gì.
Nói thì nói vậy, lý thuyết lắm, có làm
người trong cuộc mới biết! Vết thương nào không mưng mủ kia chứ.
Phải nói rằng, một khi tâm thức đã thực
tập thuần thục thói quen thụ hưởng những cảm giác êm ái, sung sướng đê mê vì bản
ngã đã quen được vuốt ve, tâng bốc. Không có con nghiện nào dễ chịu và bình thản
khi bị cai thuốc. Không có sự hụt hẵn đớn đau nào cho bằng khi trái tim không
còn nguồn cảm xúc chu cấp. Khi con nghiện đang còn thụ hưởng và phê thuốc thường
thì lý trí đã đi nghỉ mát, thế nên giây phút tuyệt vọng người trong cuộc thường
nghĩ đến con đường tìm tới cái chết, vì lý trí lâu ngày bủng beo và trái tim của
"kẻ đớn đau" không đủ lớn để chứa đựng nổi sự mất mát quá lớn lao.
Trái tim chưa đủ lớn có thể vì trong quá khứ "kẻ đớn đau" chưa có
thói quen chịu đựng cảm xúc xấu khi thất bại, thất tình hay chưa bao giờ đón nhận
một hoàn cảnh trái ngang nào có tầm vóc lớn lao đến như vậy.
Đôi khi trên thực tế sự mất mát ấy cũng
không quá lớn lao như tâm tưởng, không phải không có nó thì không sống được, chỉ
tại tâm thức khi bị tổn thương nặng nề, cái tôi không còn chỗ bám, nên nó rơi
vào một khoảng trống chơi vơi mà không định dạng được mọi thứ xung quanh và
phía trước. Chính vì vậy mà những kẻ đang đớn đau luôn thấy tương lai mịt mờ
đen tối. Lúc này tâm trở nên lu mờ hơn bao giờ hết, kẻ đớn đau nhìn mọi thứ bằng
con mắt bi quan chán chường và có cảm tưởng như mình không còn gì để sống.
Chỉ tại trong khi hy vọng vào đối tượng
này nên "kẻ đớn đau" đã vô tình giới hạn hoặc chấm dứt niềm tin vào
những đối tượng khác, "kẻ đớn đau" bị năng lực khát khao quá lớn
trong lòng thúc đẩy đi về phía ấy mà bất chấp tất cả. Ngay khi hy vọng "kẻ
đớn đau" đã tạo ra thế mất cân đối, không tự chủ được bản thân mình, thì đừng
hỏi tại sao khi niềm hy vọng vỡ tan là "kẻ đớn đau" không thể đứng vững.
Đó là triệu chứng bỏ tâm chạy theo cảnh nên khi cảnh mất thì tâm không còn chỗ
nương tựa, cái tôi dường như lạc mất.
Dẫu biết rằng chọn đến cái chết là
"kẻ đớn đau" đã chịu khổ đau đến mức cùng cực rồi, trái tim của
"kẻ đớn đau" như sắp tan vỡ vì không thể chứa nổi niềm đau quá lớn
đang đè xuống. Nhưng suy cho cùng thì "kẻ đớn đau" cũng đang làm một
quyết định rất ích kỷ, "kẻ đớn đau" chỉ muốn tìm cách trốn thoát cơn
cảm xúc xấu đang bùng vỡ mà chính "kẻ đớn đau" cũng có phần trách nhiệm
trong đó. "Kẻ đớn đau" cứ nghĩ mình là kẻ khổ đau nhất trên đời nên mọi
người không có quyền trách giận cho cái quyết định của mình. Đúng là không ai nỡ
trách giận một người đang đau khổ, nhưng "kẻ đớn đau" không có quyền
làm cho những người thân yêu đau khổ, đâu phải người kia làm đau khổ thì
"kẻ đớn đau" có quyền làm cho người khác khổ. Và liệu "kẻ đớn
đau" có bình yên nơi thế giới xa lạ nào đó khi tâm hồn còn đầy dẫy khổ đau
và ruột cứ quặn lên vì trách nhiệm làm người còn dang dở.
Khi sinh ra cũng hai bàn tay trắng,
Lúc lìa đời cũng lại trắng tay....
Ta không muốn làm kẻ trắng tay?
Có lẽ giờ đây "kẻ đớn đau" nên
tập chấp nhận thật nhiều những cảm xúc xấu thay vì trước nay hay kháng cự, và tập
cai dần những thói quen thụ hưởng cảm xúc tốt thay vì trước nay hay tìm kiếm.
Cách đó sẽ làm cho tâm hồn mau chóng lành lặn và ngày càng trở nên vững mạnh,
"kẻ đớn đau" sẽ không còn khiếp sợ hay để cho hoàn cảnh thao túng nữa.
Và như thế, "kẻ đớn
đau" sẽ cảm ơn những ai đã từng đem đến cho "kẻ đớn đau" những
khổ lụy, vì nhờ có như thế "kẻ đớn đau" mới thấy rõ nội lực yếu kém của
mình để kịp thời quay về nuôi dưỡng. Và chính nhờ chuyến trôi dạt đến tận cùng
nỗi đau ấy mà năng lực sinh tồn tiềm tàng trong "kẻ đớn đau" mới bừng
dậy, "kẻ đớn đau" mới ý thức sâu sắc về giá trị của cuộc đời mà quyết
tâm thiết lập lại cách sống và cách đặt niềm tin của mình. "Kẻ đớn
đau" hãy tin vào vô thường, mọi thứ rồi cũng sẽ đổi thay, "kẻ đớn
đau" sẽ không còn tuyệt vọng và người kia sẽ không còn dại khờ mà làm cho
"kẻ đớn đau" khổ đau nữa. Bởi vì trong "kẻ đớn đau" và người
kia đều có chất liệu rất "trần gian mà thương quá cuộc đời này"!