
1.Yêu Thương "nếu"
Ðây là loại "Yêu Thương" chúng
ta nhận được nếu chúng ta đáp ứng một số đòi hỏi nào đó. Nếu anh/em thành công
và có địa vị trong xã hội, tôi sẽ yêu anh/em; Nếu anh/em có thể trở thành một
người chồng/vợ lý tưởng, tôi sẽ là người chồng/vợ trung thành của anh/em; Nếu
con ngoan, cha/mẹ sẽ yêu con. Là loại "Yêu Thương" thông thường nhất
và có lẽ nhiều người không biết "Yêu Thương" nào khác ngoài loại Yêu
Thương "nếu" này. Ðây là kiểu "Yêu Thương" ràng buộc, có điều
kiện và động lực thúc đẩy nó là lòng ích kỷ.
Hình thức thấp nhất của loại Yêu Thương
"nếu" phơi bày nhan nhản trong cuộc sống. Có quá nhiều cô gái rơi vào
bi kịch của loại Yêu Thương này. Nếu em thỏa mãn những đòi hỏi của anh thì anh
yêu em (dĩ nhiên nó được lót dưới hình thức những câu nói hay ho khác).
Nhiều cuộc hôn nhân đổ vỡ khi xây dựng
trên Yêu Thương "nếu". Cô dâu và chú rể không yêu nhau bằng tình yêu
chân thật, đặt căn bản trên nhân cách của mỗi người mà chỉ yêu qua những hình ảnh
rực rỡ, mộng mơ mà họ hy vọng về nhau. Khi ảo ảnh tan biến, sự thật không được
như mong ước thì tình yêu ấy bỗng biến thành sự thù ghét.
2. Yêu Thương "vì"
Trong Yêu Thương vì, người ta được yêu
vì một lý do nào đó. Người được yêu phải có những giá trị hay những điều kiện
phù hợp với những tiêu chuẩn của người bạn tình. Anh yêu em vì em đẹp, em yêu
anh vì anh đặc biệt hơn những người khác, anh nổi tiếng, anh giàu có... , tôi
yêu anh vì anh bảo đảm đời sống cho tôi...
Có thể chúng ta cười những câu nói như
thế, nhưng chính chúng ta cũng vậy, đa số chúng ta yêu một người vì ta tìm thấy
nơi người đó những điểm đặc biệt đáng yêu hay vì người ấy đã chiếm được tình
yêu của chúng ta bằng một cách nào đó. Có lẽ chúng ta thích loại Yêu Thương
“vì” hơn loại Yêu Thương “nếu”. Bởi Yêu Thương “nếu” đòi hỏi chúng ta phải luôn
luôn cố gắng để giữ đúng tiêu chuẩn hoặc đáp ứng được yêu cầu của người yêu nên
người được yêu cảm thấy mệt mỏi, khổ sở. Trái lại, nếu được yêu “vì” những đặc
điểm sẵn có trong bản thân mình thì bao giờ cũng dễ dàng hơn, vì chúng ta không
phải cố gắng nhiều để giữ Yêu Thương đó.
Tuy nhiên, người nhận được loại Yêu
Thương “vì” chẳng bao lâu sẽ thấy mình chẳng khác gì người nhận được Yêu Thương
“nếu”.
Vì thiếu sự bảo đảm bởi ba lý do sau
:
- Sự cố gắng và ganh đua không ngừng để
trông giữ Yêu Thương khi có những nhân vật khác có cùng phẩm chất như ta nhưng
đáng yêu hơn ta xuất hiện.
- Nó làm ta lo sợ rằng ta không thật là
người đáng yêu như người yêu của ta thường tưởng do nhân cách của con người
luôn có tính cách hai mặt, mặt tốt bày tỏ cho mọi người thấy, mặt chưa tốt chỉ
một mình ta biết.
- Lý do thứ ba là chúng ta sợ chúng ta sẽ
thay đổi và không còn đáng yêu như hiện tại (ví dụ bạn được yêu vì bạn đẹp,
nhưng khi sắc đẹp không còn thì tình yêu đó cũng biến mất).
3. Yêu Thương "mặc dù"
Yêu Thương này khác hẳn Yêu Thương “nếu”.
Nó không có điều gì ràng buộc, cũng không đòi hỏi hay trông mong một điều gì cả.
Yêu Thương này cũng khác Yêu Thương “vì”, vì nó không phát sinh từ những đặc điểm
quyến rũ nơi người được yêu. Một người dù xấu xí, nghèo hèn nhất trên đời cũng
có thể được yêu khi người ấy gặp Yêu Thương “mặc dù”. Người ấy không chịu áp lực
bị trông mong nào cả, cũng không cần phải ganh đua, lo sợ để giữ gìn những ưu
thế của mình mới giữ được người yêu. Người ấy nhận được Yêu Thương chỉ vì người
ấy được yêu. Dù có lỗi lầm, dốt nát, xấu xa hay độc ác, người ấy vẫn được yêu.
Ðây là loại Yêu Thương mà chúng ta vẫn
mòn mỏi khao khát bởi sự chân thật, sâu đậm và tính bất vụ lợi của nó. Dù chún
ta có nhận thức được Yêu Thương này hay không, nó vẫn rất quan trọng đối với
chúng ta: quan trọng hơn cả thức ăn, nước uống, tài sản, công danh, gia đình,
nhà cửa... Nó là cái neo giữ chúng ta với cuộc sống.
Sở dĩ chúng ta sống được vì chúng ta
đang nhận được một phần của Yêu Thương “mặc dù” (biểu hiện nhiều ở Yêu Thương
cha mẹ dành cho con cái) hoặc là vì chúng ta vẫn hy vọng một ngày nào đó sẽ tìm
được Yêu Thương này.
Tuy nhiên, trong đời thực không dễ tìm
được một tình Yêu Thương “mặc dù” trọn vẹn, vì chúng ta ai cũng trông mong nhận
được “Yêu Thương ấy nơi kẻ khác”, mà chúng ta lại thường chỉ gửi đi loại Yêu
Thương “nếu” và “vì”.
Hãy suy gẫm câu này: “Nếu người mình yêu
nhưng không yêu mình lại yêu một người khác, thì Yêu Thương của mình còn phù hợp
với Yêu Thương “mặc dù” nữa hay không? Bóng dáng Yêu Thương “nếu” và “vì” đang
đứng đó là vậy”
Trong thực tế, những Yêu Thương có thể tồn
tại lâu bền chính là sự kết hợp của cả 3 loại Yêu Thương trên. Tình yêu sẽ bền
vững nếu cả hai biết hy sinh, thương yêu và hiểu nhau. Tình Yêu Thương cả hai sẽ
bền vững vì cả hai đều biết nghĩ đến tương lai và biết chuẩn bị cho nó. Tình
Yêu Thương cả hai sẽ mãi bền vững mặc dù cả hai có nhiều điểm khác biệt, …
Mong rằng trong cuộc sống, chúng ta có
thể tìm Yêu Thương đúng nghĩa mà mình mong muốn....