Không ít người tưởng rằng
việc ta yêu ai hay ghét ai là do ý muốn của mình, hay nói khác đi do lý trí
chúng ta quyết định. Nhưng thực ra trong chuyện này, lý trí không giải quyết được
gì, vì tình cảm có quy luật riêng của nó. Tuy nhiên khi nói đến những điều này
chúng ta thường cảm thấy rất mơ hồ, đôi khi rối như mớ bòng bong.
Nhưng từ khi lý thuyết
ngân hàng tình yêu (love bank) của Williams Harley, nhà tâm lý học hiện đại người
Mỹ xuất hiện vào năm đầu của thế kỷ này, nguyên nhân yêu, ghét mới được lý giải
rõ ràng, nhiều chuyên gia tâm lý đã áp dụng nó vào việc cứu vãn hôn nhân. Năm
2003 họ đã thử nghiệm với 863.700 cặp vợ chồng và đạt tỉ lệ thành công 67% mà
trước đó chỉ đạt dưới 30 %.
Tại sao ta yêu người này,
ghét người kia?
Tại sao bạn có hai đứa con
lại yêu đứa này, ghét đứa kia, trong khi lý trí mách bảo rằng cả hai đứa đều là
con bạn và phải yêu chúng như nhau?
Bạn cố gắng điều chỉnh
tình cảm của mình để yêu thương cả hai đứa nhưng vẫn không được. Bạn có thể ngồi
thủ thỉ hàng giờ với đứa con này, còn đứa kia chỉ ba câu đã muốn nổi nóng. Tại
sao lại có hiện tượng đó?
Có người giải thích là tại
mẹ tuổi hổ, con tuổi dê chẳng hạn nên "ăn thịt" nhau. Có người lại bảo
bố “mệnh thuỷ" con "mệnh hoả" xung khắc về tử vi tướng số.
Williams Harley không tin
vào điều đó, ông phát hiện trong mỗi chúng ta có một ngân hàng tình yêu và những
người ta giao tiếp hằng ngày, có liên kết tình cảm với ta đều có một tài khoản
của họ trong ngân hàng đó.
Mỗi khi gặp nhau, nếu người
ấy làm cho ta hạnh phúc, họ thêm vào số dư của họ một đơn vị tình yêu (love
unit), làm cho tài khoản của họ tăng lên, đến một ngưỡng nào đó, ta sẽ thích họ
và nếu đó là một đối tượng khác giới có thể ta sẽ yêu họ, muốn được gần họ,
không muốn rời ra vì ở bên họ ta thấy mình hạnh phúc và ta cũng muốn làm cho họ
hạnh phúc.
Trái lại nếu mỗi lần gặp
ai đó, người ấy lại gây cho mình khó chịu, là họ đã rút đi một đơn vị tình yêu,
làm cho tài khoản của họ nghèo đi, đến một ngưỡng nào đó la sẽ ghét họ. Hoá ra
con người đâu có quyết định được việc mình yêu ai hay ghét ai. Nói khác đi, lý
trí không điều khiển được tình cảm mà phụ thuộc hoàn toàn vào sự điều chỉnh của
cái mà Harley gọi là ngân hàng tình yêu.
Khi người đàn ông và đàn
bà yêu nhau, những cảm xúc của họ thôi thúc họ làm cho nhau hạnh phúc, vì số dư
tài khoản trong ngân hàng tình yêu của họ lúc này đạt tới ngưỡng cửa tình yêu
lãng mạn.
Bạn đã thực sự yêu ai thì
dường như người ấy chẳng phải cố gắng gì cũng làm cho bạn hạnh phúc. Và nếu người
đó yêu bạn thì bạn chỉ cần làm theo ý thích của mình, hoàn toàn có tính bản
năng cũng có thể làm cho người đó sung sướng. Chính do đặc điểm này, nên sau một
thời gian yêu say đắm, những kẻ tình nhân trở nên lười nhác, họ tưởng rằng một
khi đã có tình yêu thì cứ thế mà hưởng cho đến hết đời.
Họ không biết rằng ở đời bất
cứ cái gì đã có lúc lên thì cũng có lúc xuống và ngân hàng tình yêu cũng bị điều
chỉnh như vậy, không có ngoại lệ. Qua khảo sát nhiều cặp vợ chồng, cảm giác của
tình yêu lãng mạn dễ lụi tàn hơn là chúng ta tưởng. Nếu số dư của ngân hàng
tình yêu tụt xuống dưới ngưỡng yêu lãng mạn thì vợ chồng chẳng những mất đi những
cảm xúc mạnh mẽ với nhau, mà họ cũng đánh mất luôn khả năng làm cho nhau hạnh
phúc.
Thay vào đôi mắt đắm đuối
ngày nào, giờ đây là cặp mắt hững hờ. Giọng nói gắt gỏng, khô khan, không còn
âu yếm nữa. Cuộc sống chung trở nên tẻ nhạt và họ bắt đầu nghĩ đến ly dị, hoặc
ít nhất sống cuộc sống không hạnh phúc.
Lý thuyết ngân hàng tình yêu
cho thấy rất rõ vì sao tình cảm vợ chồng suy giảm. Nếu bạn muốn những cảm xúc của
bạn luôn hỗ trợ cho cuộc hôn nhân, bạn phải giữ số dư trong tài khoản lúc nào
cũng đạt đến ngưỡng cần thiết và phải làm sao giữ được ở độ cao đó , đừng để số
dư tụt xuống dưới ngưỡng đó…
Nguồn : moisach.com
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét
Có viết cho nhau cả vạn lời,
Rằng thương rằng nhớ để rồi thôi,
Chi bằng trên đường đời vạn nẻo,
Sống Để Yêu Thương thế đủ rồi...