SỐNG KHÔNG CON BÒ

Một vị giám đốc và người trợ lý đi khảo sát thị trường. Tối nọ, lỡ đường. Họ xin nghỉ tại một ngôi nhà ở bìa rừng. Nhà nghèo xơ xác.

Giám đốc hỏi gia chủ :

- “Gia chủ sống bằng gì?”.

Gia chủ trả lời: 

- “Cả gia đình chúng tôi không biết làm gì cả, chỉ trông đợi vào mỗi con bò sữa”.

Nửa đêm cả nhà ngủ say. Vị giám đốc lay người trợ lý dậy, dẫn ra chuồng bò. Giám đốc lấy súng giảm thanh bắn chết con bò sữa. Trợ lý rất phẫn nộ nhưng bị giám đốc bịt mồm kéo đi.

3 năm sau. 2 người có dịp quay lại con đường nọ. Và thật bất ngờ. Nơi xưa không còn một dấu vết gì. Hiện lên là một resort khang trang.
Người trợ lý rơm rớm nước mắt, run run hỏi chủ resort:

- “Người chủ cũ của miếng đất này sống chết ra sao?”

Ông chủ resort vỗ ngực cười ha hả :

- “Chính ta đây”.

Người trợ lý hỏi:

- “Vận may nào vậy?"


Ông chủ trả lời:

- “3 năm trước gia đình ta gặp đại vận. Trời đã cho người giết chết con bò sữa duy nhất nuôi sống gia đình ta. Hết đường sống. Thế là cả nhà ta cùng nhau lao vào cuộc sống mới - SỐNG KHÔNG CON BÒ”.

==  =  =  =  =  =  =
Bỗng nhiên một ngày nào đó, hoàn cảnh, cuộc sống… cướp mất của chúng ta một vài “con bò”, thế là chúng ta điên tiết, lồng lộn, than khóc, buồn phiền, khổ ưu não… thì đó là bằng chứng chúng ta đã đặt niềm vui, hạnh phúc, bình an vào tay những “con bò”.
Sống mà ngày càng đánh mất khả năng làm chủ chính mình, phó thác hạnh phúc đời mình cho những “con bò” thì đó chắc chắn không phải là thái độ sống đúng đắn, đó là một tai họa.

Bản thân ai cũng có thể tìm thấy giá trị hạnh phúc bằng chính những kỹ năng đã được rèn luyện của mình, nhưng từ khi cuộc đời trao cho những “con bò” tiện nghi vật chất và tinh thần, nên chúng ta đã mê mẫn và bám chặt vào chúng. Chúng ta quên mất bản chất của những "con bò" ấy luôn bị chi phối bởi hoàn cảnh. Như chúng ta vẫn thường thấy, tiền bạc rồi cũng có lúc đầy lúc vơi, danh dự thì cũng có khi vinh khi nhục, tình cảm lúc lãng mạn lâm li lúc dỗi hờn giận lẫy, sắc đẹp thì cũng có lúc hấp dẫn khi tô tô trét trét và “ma ghen quỷ thẹn” khi để mặt mộc xấu xí.

Lỡ chết mất “con bò” chúng ta mới thấy nương tựa nơi chính mình là an ổn nhất. Khi buồn phiền ngã quỵ hay không thể đứng vững vì phải tách ly ra khỏi “con bò” tức là chúng ta đã để “con bò” ấy thao túng chủ quyền sống của chúng ta. Thực chất “con bò” cũng không thể nào gánh chịu và giải quyết được những khó khăn bế tắc khi chúng ta đặt sự bình yên và hạnh phúc vào chúng. Hãy nhìn cho kỹ! Sự thật bình yên và hạnh phúc là sự cảm nhận từ cảm giác của chính mình chứ không phải tìm thấy bằng cảm tưởng từ những “con bò”.

Mỗi khi hoàn cảnh đưa đẩy, hay chúng ta chủ ý dứt khỏi một "con bò" là chúng ta phải đón nhận những cảm xúc rất đau đớn. Nhưng nhờ vậy chúng ta mới có cơ hội tìm đường trở về khôi phục chủ quyền sống của mình. Có lẽ, trong đời ai cũng nên có đôi lần hay nhiều lần phải rời xa những "con bò" để trưởng thành và điều này còn phụ thuộc vào bản lĩnh và sự thông minh của mỗi người. Lúc nào thấy mình không còn đủ sáng suốt và đủ năng lượng để tiếp tục phối hợp với những "con bò", thì hãy can đảm buông bỏ chúng bằng mọi giá để ưu tiên quay về giữ lấy vị trí làm chủ đời mình.

Einstein từng nói: “Làm như cũ mà mong kết quả mới, là điên”. Sống, “nương” vào thói quen, “tựa” nơi cơn nghiện, “dựa” vào cảm xúc, “dẫm” theo lối mòn, rồi đi tìm lấy kết quả bình yên, hạnh phúc đúng là điên….

Con bò có ra đi,
Đồng cỏ vẫn xanh rì,
Dòng sông kia vẫn chảy,
Chớ dại khờ lâm li…..