Truyện kể rằng, có một đoàn người lánh
giặc phải ẩn náu trong rừng sâu. Họ ăn uống ngủ nghỉ và làm việc hoàn toàn
trong bóng tối. Nhiều năm trôi qua giặc tan đoàn người tản cư nọ được tin lục đục
kéo ra khỏi hang.
Phản ứng đầu tiên của họ khi chạm phải
ánh sáng của mặt trời là rú lên một tiếng đau đớn rồi nhắm tít mắt lại. Ai cũng
yên trí là mình đã mù hẳn rồi, nên hè nhau đi tìm thầy lang chữa mắt. Lang y,
lang tây, lang ta và lang băm đều được tìm đến, tùy theo số tiền túi, các nạn
nhân người nào cũng rịt thuốc vào mắt và hết lòng hy vọng… thắc thỏm chờ ngày
được sáng mắt trở lại nhưng khổ nổi lần nào cũng thế, mỗi lần giở khăn bịch mắt,
hé mắt nhìn, bệnh nhân người nào cũng rú lên và nhắm tít mắt lại… Nhiều lần như
thế xảy ra đoàn người đành sống trong bóng tối với cây gậy và chó dẫn đường, với
một ít hy vọng le lói rằng một ngày đẹp trời nào đó, họ sẽ gặp một danh y mát
tay và tài ba như Hoa Đà, Biển Thước. Và họ sẽ phục hồi trở lại ánh sáng huyền
dịu ngày xưa.
Cho đến một hôm, anh chàng Ba, một trong
những người bệnh mắt nọ, tình cờ làm sút dải khăn bịt mắt trong một giấc ngủ
say. Giữa đêm khuya Ba giật mình tỉnh giấc. Và dưới ánh trăng sáng êm dịu của
con trăng hạ tuần, anh đưa mắt nhìn quanh. Thân quyến anh chợt nghe tiếng cười
rộn rã nổi lên, niềm vui đột ngột khiến anh như người mê sảng. Ba đi lay tỉnh từng
người trong nhà dậy, khoa tay múa chân nói lắp bắp “tôi sáng mắt rồi… ồ không
tôi chưa từng mù bao giờ… chỉ tại dải khăn bịt mắt chết tiệt này thôi, tôi
không mù. Từ đây tôi có thể đi bất cứ nơi nào… Tôi không cần đến chó, gậy và
người dắt đường nữa…
Mọi người nhìn anh vừa sững sờ vừa
thương hại… tiếng cười của anh vang dội trong đêm khuya. Ba lải nhải nói hoài một
câu xác định: “Tôi không mù! Tôi không mù! Chưa bao giờ bị mù.” Một người thân
thắp một cây đèn dầu mang lại. Anh lấy tay che mắt cố nén sự đau đớn. Anh không
thể quen với ánh sáng chói chang của ngọn đèn. Ba hơi thảng thốt, anh xoay lưng
vào vách. Qua kẽ tay anh thấy ánh trăng vẫn dịu dàng lung linh trên từng kẽ lá.
Anh lấy lại được niềm tin: mình không mù, chỉ vì sống trong bóng tối quá lâu
nên mắt không chịu nổi ánh sáng chói ấy thôi. Nếu làm quen dần với ánh sáng có
cường độ từ yếu sang mạnh, anh sẽ nhìn được ánh sáng mặt trời, thế thôi!
Vài ngày sau Ba có thể sử dụng đôi mắt
như bất cứ một con người nào. Khi đã lấy được niềm tin đầy đủ nơi nhãn quan của
mình, Ba tức tốc chạy bay đến những người bạn cũ, những người đang tuyệt vọng
vì đôi mắt của mình, quờ quạng trong bóng tối với chó, gậy và một ít hy vọng le
lói về thứ thuốc mình đang chữa mắt. Ba đến gặp họ lắp bắp trình bày chuyện của
mình… bạn bè của anh đua nhau phỏng vấn:
- Sao? Anh nói sao? Anh đã sáng mắt lại
rồi à?
Ba đáp:
- Nói thế cũng chưa đúng, mắt tôi chưa từng
bị mù, thì làm gì có hết mù hay sáng lại.
Người bạn cười khảy:
- Thế… có nghĩa là bọn chúng tôi mới thật
sự đui…còn anh thì vô sự đấy phỏng?
- Không, tôi và các bạn hoàn toàn giống
hệt nhau, chúng ta chỉ bị bệnh tưởng thôi!
- Thôi, chả nhẽ người ta bỏ bao nhiêu
công của, thời giờ để chữa một chứng bệnh không có thật à!
- Xin nghe tôi! Các bạn hãy vứt hết thuốc
men đi… chịu khó làm quen với ánh sáng mờ nhạt… dần dần đến ánh sáng chói các bạn
sẽ thấy sự thật. Đa số bạn bè của Ba không tin bỏ đi sau khi đã thốt nhiều lời
mai mỉa!
- Chỉ có mình anh là khôn ngoan, còn bọn
chúng tôi đều là lú lẫn cả có phải?
- Cái trứng muốn dạy khôn con gà… Vài
người trẻ tuổi nghe anh đã bỏ gậy lẫn chó, liền bắt chước theo nhưng họ vẫn giữ
nguyên dải khăn bịt mắt nên hậu quả là kẻ u đầu, người vỡ trán… và đều không tiếc
lời nguyền rủa anh. Một số khác nghe lời anh giở khăn bịt mắt ra, nhưng ánh
sáng chói chang làm cho họ vô cùng khốn khổ. Và cứ thế… không một ai có thiện cảm
với Ba. Mọi người kết luận: “Tên Ba là một gã điên không nên thân cận với hắn.”
(Bọn người bệnh tưởng trên
đây đã cởi bỏ dải khăn bịt mắt khó khăn thế nào, thì chúng ta cũng cởi bỏ kiến
chấp của mình khó khăn và đau đớn dường ấy. Nói đúng hơn: việc vứt bỏ không khó
mà khó là niềm tin chưa đủ.)