CÁI TÊN KHỈ ĐỘT NÀY!

Trong một quán ăn, bà lão nọ mua một bát canh và ngồi xuống bàn ăn thì đột nhiên nghĩ ra mình quên lấy bánh mì. Bà đứng dậy đi lấy bánh mì rồi trở lại bàn ăn, và bà kinh ngạc vì chỗ ngồi của mình có một thanh niên người da đen đang ngồi và đang uống bát canh của bà.

Bà rất tức giận và nghĩ: “Tên khỉ đột này sao lại dám uống bát canh của mình! Nhưng có lẽ vì nó quá nghèo, quá đói, và có lẽ mình không nói gì hết, nên bỏ qua. Nhưng cũng không thể để một mình nó uống hết bát canh”

Thế là bà giả bộ như không có chuyện gì, rồi ngồi xuống bàn với anh ta, cầm cái muỗng và lặng lẽ múc canh uống. Như vậy hai người cùng uống bát canh đó, và nhìn nhau lặng lẽ không nói một tiếng nào.

Lúc này người thanh niên da đen, đột nhiên đứng dậy đi, lát sau bưng đến một đĩa bánh mì đặt xuống trước mặt bà lão và đĩa bánh mì cắm hai cây nĩa.

Hai người tiếp tục ăn, ăn xong hai người đứng dậy và đi về.

– “Hẹn gặp lại” – bà lão nói rất tình cảm.

– “Hẹn gặp lại” – người thanh niên da đen trả lời rất nhiệt tình.

Anh ta tỏ ra vẻ rất vui, rất thanh thản và vui mừng vì anh ta tự cho rằng hôm nay mình làm được một điều tốt, giúp đỡ một bà lão nghèo.

Sau khi người thanh niên đi khỏi, bà lão mới phát hiện bàn bên cạnh còn để một bát canh không người uống, và đó chính là bát canh của bà !!!
=====<><>======

Trong cuộc sống, lắm khi chúng ta cũng rơi vào những hoàn cảnh từa tựa như thế. Có biết bao nhiêu lần chúng ta đã lầm lẫn như thế. Sự thật về một vấn đề, hay về một con người thường rất khác xa với những gì mình thấy, mình biết và mình nghĩ. Đó chính là nguyên nhân cho những đổ vỡ trong các mối quan hệ. Chúng ta thường xuyên trở thành nạn nhân của chính những nhận thức sai lầm của chúng ta. Chính vì thế, chúng ta nên luôn luôn phải nhìn lại và tự hỏi: “Nhận thức của tôi đã chính xác chưa? Có chắc như vậy không? Nó gần với sự thật được mấy mươi phần trăm?

Sự hiểu lầm, ngăn cách thậm chí, oán hận giữa người với người thường xuyên xảy ra. Bà lão trong câu chuyện thật sự là người rất có cá tính, một biểu hiện của sự “ăn miếng trả miếng” để bảo vệ quyền lợi riêng mình. Và cũng thật may khi chàng thanh niên kia cũng là người dễ dãi, nên kết thúc câu chuyện làm người đọc buồn cười quên mất hậu quả khó lường nếu tình huống tương tự xảy ra đời thường.

Thông thường, khi không hiểu được sự thật thì chúng ta dễ phát sinh thái độ nghi ngờ rồi dẫn đến hiểu lầm như một loại phản ứng bảo vệ cái tôi ích kỉ của mình. Bởi hầu hết những nghi ngờ của chúng ta đều cho rằng người kia có thể là kẻ xấu, chứ ít khi nào chúng ta nghi ngờ ngược lại. Trong khi bản chất của sự nghi ngờ chỉ là thái độ thắc mắc, suy đoán, hay thử đặt ra những giả thuyết khác có thể xảy ra. Nhưng thói quen “kinh điển” của chúng ta là, khi nghi ngờ điều gì thì hầu như chúng ta tin chắc đó là sự thật, không muốn tìm hiểu hay khám phá thêm nữa. Thậm chí, khi được cung cấp những thông tin có cơ sở chứng minh rõ ràng để giúp chúng ta hiểu đúng đắn hơn về đối tượng ấy, thì chúng ta cũng không dễ dàng mở lòng ra tiếp nhận.

Chúng ta luôn nghi ngờ:
Dò sông dò biển dễ dò,
Nào ai lấy thước mà đo lòng người.

Chúng ta biến lời nhắc nhở nên cẩn thận khi đặt niềm tin thành câu thần chú bất di bất dịch để che đậy sự sợ hãi, yếu đuối và thiếu trách nhiệm của mình. Thế nên, có khi sự thật hiện bày sờ sờ ra đó nhưng chúng ta lại chìm đắm trong những suy tưởng miên man, rồi rơi vào những nhận thức và phán xét sai lệch.

Cuộc sống hiện đại làm con người sống trong nó dần biến thành con rối biết đi, sự lệ thuộc các điều kiện tiện nghi thì nội lực của chúng ta càng yếu kém. Khả năng quan sát tinh tường để quyết đoán đúng sai hay thật giả của chúng ta không còn nhạy bén như xưa nữa. Chúng ta đã đặt đời sống của mình ở bên ngoài quá nhiều, hy vọng, trông chờ điều kiện hạnh phúc từ những đối tượng khác quá lớn, nên lúc nào chúng ta cũng lo sợ nghịch cảnh sẽ ập tới. Nếu chúng ta từng bị lừa dối, từng lăn xả trong chốn thương trường, tình trường hay hoạt động chính trị, thì trong chúng ta rất dễ hình thành thói quen cảnh giác với tất cả mọi đối tượng, kể cả với những người thân yêu.

“Không có lửa thì làm sao có khói”, chúng ta vẫn thường dùng hình ảnh này để giải mã mọi vấn đề. Trong khi thực tế không có vấn đề nào giống vấn đề nào. Cũng như khói không nhất thiết phải sinh ra từ lửa, vì ngay cả khí lạnh cũng có thể sinh ra khói kia mà.

Ngay khi người kia không có một tín hiệu nào khả nghi cả, họ rất tốt và dễ thương, chúng ta biết rõ điều ấy nhưng chúng ta vẫn không cưỡng lại nổi có tật nghi ngờ của mình. Chúng ta nghĩ thà nghi lầm còn hơn tin lỡ. Đó là một sai sót rất lớn của cơ chế tâm lý. Nếu không chữa trị thì sớm muộn gì nó cũng chuyển sang mức độ nặng hơn như là phán xét hay vu khống.

Lỡ như những nghi ngờ của chúng ta hoàn toàn đúng với sự thật thì sao? Chúng ta mong muốn kết quả nào? Dường như chúng ta đang cố gắng phanh phui những điểm yếu hay những vụng về lầm lỡ của người kia, để chúng ta tránh xa hoặc cổ vũ người khác tẩy chay họ, chứ không phải để hiểu và thương họ hơn.

Phần lớn những nghi ngờ của chúng ta đều nhằm vào mục đích thỏa mãn bản ngã, dù có khi chúng ta nhân danh tập thể hay cộng đồng nào đó để lên tiếng. Vậy có khi nào nhân danh đạo đức hay tình nhân ái mà chúng ta chú ý đến những cái hay cái đẹp để ca ngợi, còn những biểu hiện khả nghi kia chúng ta vẫn im lặng quan sát và tìm cách giúp đỡ không? Tại sao chúng ta không giữ thái độ tôn trọng người ấy dù chúng ta đang có vài nghi ngờ về họ? Tại sao chúng ta không tự hỏi do người ấy rất đáng để chúng ta nghi ngờ hay tại chúng ta mắc chứng bệnh nghi ngờ quá nặng? Tại sao chúng ta không dám đứng ra xin lỗi người ấy khi phát hiện ra mình đã nghi oan cho họ? Thế nên, nghi ngờ thường chỉ làm cho chúng ta yếu đuối và hèn nhát hơn mà thôi.

Chúng ta không hề biết rằng mỗi khi phát sinh ý niệm nghi ngờ kẻ khác, dù họ có xấu thật hay không thì trong tâm chúng ta đã tạo ra một nguồn năng lượng rất độc hại. Nó vừa đốt sạch năng lượng bình an trong chúng ta, vừa khiến chúng ta đánh mất cơ hội tiếp xúc với sự sống mầu nhiệm. Cho nên, đừng bao giờ dễ dãi buông ra sự nghi ngờ và thực tập thay đổi câu thần chú “không có lửa sao có khói” bằng câu: “có chắc vậy không?”

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét

Có viết cho nhau cả vạn lời,
Rằng thương rằng nhớ để rồi thôi,
Chi bằng trên đường đời vạn nẻo,
Sống Để Yêu Thương thế đủ rồi...