Trong cuộc
sống, nếu khổ đau bắt nguồn từ trái tim thì liệu pháp để bứng gốc rễ khổ đau
cũng nằm trong trái tim. Chúng ta đừng chạy đi tìm kẻ đã làm khổ mình để trừng
phạt hay tìm một nơi mà mình cho là bình yên để trốn tránh. Dù chúng ta có làm
được chuyện đó thì vết thương trong chúng ta cũng không thể nào lành lặn được,
cái đó chỉ làm thỏa mãn cơn cảm xúc trong nhất thời, chúng ta không bao giờ lấy
lại những gì đã mất từ bên ngoài. Lắm lúc nhiều khi chúng ta không muốn thoát
khỏi vực thẳm khổ đau không phải vì chúng ta không đủ sức. Có thể một phần
chúng ta muốn tự giam mình trong khổ đau để kích động vào lương tâm của người
kia như một thái độ trừng phạt, một phần chúng ta muốn chìm đắm trong cảm xúc quặn
đau ấy như để thương hại bản thân mình.
Trong văn
học gọi hành động đó là “thú đau thương”. Khi rơi vào cảm xúc khổ đau quá lớn,
một kẻ yếu đuối và chỉ biết nghĩ đến bản thân thì thường lấy đau thương để gặm
nhấm rồi than thân trách phận chứ không tích cực đi tìm một lối thoát, thích
người khác tưới tẩm vào nỗi khổ niềm đau của mình bằng cách công nhận mình là kẻ
khổ nhất trên đời và rất đáng tội nghiệp, chứ không chịu cho ai kéo mình ra khỏi
vực thẳm tối đen ấy cả. Đó là triệu chứng bệnh trầm cảm, thích giam cảm xúc
mình ở cung bậc thấp để thỏa mãn mặc cảm thua sút người khác như một hình thức
loan báo với mọi người về cái khổ đau mà mình đang gánh chịu....