Tôi nghe như vầy, một hôm nọ Đức Thế Tôn
và đại chúng Tỳ-kheo du hành đến thị trấn Kê-sa-pu-ta của sắc dân Ka-la-ma thuộc
nước Kô-sa-la. Hôm ấy dân chúng cung kính quây quần bên Đức Phật. Có người
thành kính vấn an sức khỏe. Có người cung kính đảnh lễ. Có người lễ phép khoanh
tay. Và có người lặng lẽ chăm chú ngắm nhìn tôn nhan của Đức Phật và đại chúng
Tỳ-kheo. Rồi vài người trong số họ bắt đầu thưa chuyện:
- Bạch đức Thế Tôn ! Có
một số Sa-môn, Bà-la-môn đi đến Kê-sa-pu-ta này truyền đạo, vị nào cũng hết lời
tán thán, khuyến dụ người khác theo đạo của mình, đồng thời họ không tiếc lời
chê bai, phê phán, khinh miệt lời dạy và đạo của vị khác. Sự việc này làm chúng
con phân vân: Vị nào tuyên bố sự thật? Đạo nào là chân lý? Vị nào tuyên bố sai
sự thật? Đạo nào không phù hợp chân lý? Chúng con nên theo ai và phụng sự đạo
nào?
Đức Phật ôn tồn dạy bảo:
- Này các thiện nam, tín nữ, các vị phân
vân, nghi ngờ là điều tất yếu và hợp lý. Trong trường hợp như vậy, các vị không
nên vội tin hay bác bỏ quan điểm của đạo nào, khi mà các vị chưa tìm hiểu đạo ấy
một cách thấu đáo. Này các thiện nam tín nữ Ka-la-ma, nhân đây Như Lai sẽ giảng
giải về mười nền tảng của đức tin chân chánh.
Một là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì
điều đó là truyền thuyết.
Hai là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì
điều đó thuộc về truyền thống.
Ba là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì
điều đó được nhiều người nhắc đến hay tuyên truyền.
Bốn là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì
điều đó được ghi lại trong kinh điển hay sách vở.
Năm là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì
điều đó thuộc lý luận siêu hình.
Sáu là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì
điều đó phù hợp với lập trường của mình.
Bảy là, chớ vội tin một điều gì, khi mà
điều đó được căn cứ trên những dữ kiện hời hợt.
Tám là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì
điều ấy phù hợp với định kiến của mình.
Chín là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì
điều ấy được sức mạnh và quyền uy ủng hộ.
Mười là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì
điều ấy được các nhà truyền giáo hay đạo sư của mình tuyên thuyết.
- Này các thiện nam tín nữ, khi nghe một
điều gì, các vị phải quán sát, suy tư và thể nghiệm, chỉ khi nào, sau khi kiểm
nghiệm, quý vị thực sự nhận thấy: “Lời dạy này tốt lành, đạo đức, hướng thiện,
chói sáng và được người trí tán thán. Nếu sống và thực hiện các lời dạy này sẽ
đưa đến hạnh phúc, an lạc ngay hiện tại và về lâu, về dài” thì lúc ấy quý vị
hãy đặt niềm tin bất động và thực hành theo.
- Này các vị hãy nghĩ xem, khi lòng
tham, lòng sân, lòng si, lòng hung hăng… đã được vứt khỏi nội tâm con người,
thì con người sẽ được hạnh phúc hay bất hạnh?
Dân chúng Ka-la-ma trả lời:
- Bạch Thế Tôn, người ấy sẽ sống hạnh
phúc.
Đức Phật dạy tiếp:
- Này các thiện nam tín nữ, đúng vậy. Vì
khi họ không còn lòng tham, lòng sân, lòng si, lòng hung hăng chi phối, chinh
phục, họ sẽ không khởi lên ý nghĩ hay hành động bức hại sinh linh, lấy của
không cho, quan hệ bất chính, nói láo, uống rượu, cũng như họ không còn khích lệ
người khác làm những điều xấu ác trên. Như Lai tuyên bố sự xa rời ấy giúp cho
con người sống hạnh phúc, an lạc lâu dài.
- Này các thiện nam tín nữ, xa lìa tham,
sân, si và các pháp nhiễm ô là thiện hay ác, là có phước hay tội, có được người
trí tán thán hay không ?
- Bạch Thế Tôn, theo chúng con hiểu, đó
là khuynh hướng thiện ích, là việc làm phước báu, bậc trí sẽ tán thán và người
làm được như vậy sẽ đem lại hạnh phúc, an lạc lâu dài.
Đức Phật tán thán:
- Lành thay, lành thay, hỡi dân tộc
Ka-la-ma như mười đức tin nền tảng mà Như Lai vừa giảng dạy cũng như những điều
vừa thảo luận: Chỉ khi nào quý vị suy tư, chiêm nghiệm và nhận thức xác đáng điều
gì là chân chính, lợi ích cho mình và người khác rồi hãy đem lòng tin tưởng và
làm theo. Đó là tiêu chuẩn của đức tin chân chánh, các vị nên học hỏi.
Khi nghe Đức Phật phân tích, khai thị về
đức tin chân chánh, bất động, dân tộc Ka-la-ma vô cùng thán phục, cung kính đảnh
lễ Đức Phật và phát nguyện trở thành các Phật tử tại gia, tinh cần phụng sự Tam
Bảo và vâng giữ năm nguyên tắc đạo đức.
(Kinh Kalama Sutta nằm trong
Tăng Chi Bộ Kinh)