KINH TỨ NIỆM XỨ

Như vầy tôi nghe,

Một thời Ðức Thế Tôn ngự giữa dân chúng xứ Ku Ru tại đô thị Kam Ma Sa Ðam Ma. Tại đấy đức Phật dạy các Tỳ Khưu: Nầy các Tỳ Khưu, đây là con đường độc nhất dẫn đến thanh tịnh, vượt khỏi sầu não, đoạn tận khổ ưu, thành tựu chánh trí, chứng ngộ niết bàn.

Ðó là bốn niệm xứ. Bốn niệm xứ ấy là gì? Nầy các Tỳ Khưu, người tu tập lấy thân quán thân với tinh tấn, tỉnh giác, chánh niệm khắc phục ham muốn âu lo. Người tu tập lấy thọ quán thọ với tinh tấn, tỉnh giác; chánh niệm khắc phục ham muốn âu lo. Người tu tập lấy tâm quán tâm với tinh tấn, tỉnh giác; chánh niệm khắc phục ham muốn âu lo. Người tu tập lấy pháp quán pháp với tinh tấn, tỉnh giác, chánh niệm khắc phục ham muốn âu lo.

Quán thân - niệm hơi thở:  Nầy các Tỳ Khưu, thế nào là quán thân trên thân? người tu tập đi vào rừng vắng, hay dưới cội cây hoặc nơi nhà trống, ngồi kiết già với lưng thẳng hướng sự chú ý ngay trước mặt. Vị ấy thở ra, thở vào với sự tỉnh thức. Khi thở vô dài vị ấy sáng suốt nhận biết: đang thở vô dài; khi thở ra dài vị ấy sáng suốt nhận biết: đang thở ra dài. Khi thở vô ngắn vị ấy sáng suốt nhận biết: đang thở vô ngắn; khi thở ra ngắn vị ấy sáng suốt nhận biết: đang thở ra ngắn. Vị ấy thực tập: cảm giác toàn thân tôi sẽ thở vô; vị ấy thực tập: cảm giác toàn thân tôi sẽ thở ra; vị ấy thực tập: an tịnh toàn thân tôi sẽ thở ra; vị ấy thực tập: an tịnh toàn thân tôi sẽ thở vô; vị ấy thực tập: an tịnh toàn thân tôi sẽ thở ra; vị ấy thực tập: an tịnh toàn thân tôi sẽ thở vô. Cũng như người thợ tiện thành thạo khi quay dài hay ngắn đều biết rõ, người tu tập cũng vậy.

Quán thân- đại oai nghi:  Lại nữa, nầy các Tỳ Khưu, người tu tập khi đi, sáng suốt ghi nhận: đang đi; khi đứng, sáng suốt ghi nhận: đang đứng; khi ngồi, sáng suốt ghi nhận: đang ngồi; khi nằm, sáng suốt ghi nhận: đang nằm. Thân thể trong tư thế ra sao biết rõ như thế.

Quán thân - tiểu oai nghi: Lại nữa, nầy các Tỳ Khưu, người tu tập khi bước tới bước lui, biết rõ việc mình đang làm; khi ngó tới ngó lui, biết rõ việc mình đang làm; khi co tay duỗi tay, biết rõ việc mình đang làm; khi mặc y kép hay thượng y hoặc khi mang bát, biết rõ việc mình đang làm; khi ăn, uống, nhai, nếm, biết rõ việc mình đang làm; khi đại tiện, tiểu tiện, biết rõ việc mình đang làm; khi đi, đứng, ngủ, thức, nói, im lặng, biết rõ việc mình đang làm.

Quán thân - quán thể trược:  Lại nữa, này các Tỳ Khưu, người tu tập quán sát thân nầy từ bàn chân đến ngọn tóc. Toàn thân bao bọc bởi da, chứa đầy những vật bất tịnh khác nhau. Trong thân nầy gồm: tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, thận, tủy, tim, gan, hoành cách mô, lá lách, phổi, ruột, màng ruột, bao tử, phân, mật, đàm, mủ, máu, mồ hôi, mỡ, nước mắt, mỡ da, nước miếng, nước mũi, nhớt, nước tiểu. Nầy các Tỳ Khưu ví như một người có mắt mở ra bao đựng các thứ hột có thể phân biệt rõ: đây là gạo, đây là lúa, đây là đậu, đây là mè". Tương tự như vậy, người tu tập quán sát thân nầy chứa đựng những thứ bất tịnh khác nhau.

Quán thân - quán tứ đại: Lại nữa, nầy các Tỳ Khưu, người tu tập quán sát về vị trí và sự sắp đặt của tứ đại. Vị ấy chánh niệm: trong thân nầy có địa đại, thủy đại, hoả đại và phong đại. Như một người đồ tể rành nghề có thể phân một con bò thành từng phần riêng biệt, người tu tập có thể nhận rõ vị trí của tứ đại trong thân nầy.

Quán thân - quán tử thi: Lại nữa, nầy các Tỳ Khưu, người tu tập nhìn thấy một tử thi quăng bỏ trong bãi tha ma một ngày, hai ngày, ba ngày trong trạng thái căng phồng, biến thành màu xanh đen, nát thối. Vị ấy quán: thân nầy tự tánh là vậy, bản chất là vậy, không thể vượt ngoài tánh chất ấy.

Quán thân - quán tử thi bị hủy thể:  Lại nữa, nầy các Tỳ Khưu, người tu tập nhìn thấy một tử thi quăng bỏ trong bãi tha ma bị các loài cầm thú quạ, diều hâu, kên kên, chó, giả can hay côn trùng đục khoét để ăn. Vị ấy quán: thân nầy tự tánh là vậy, bản chất là vậy, không thể vượt ngoài tánh chất ấy.

Như vậy vị ấy quán thân bằng nội thân hay ngoại thân hoặc cả hai. Vị ấy quán tánh sanh khởi trên thân, quán tánh hoại diệt trên thân hoặc cả hai tánh sanh diệt trên thân. Vị ấy quán niệm sự hiện hữu của thân với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm. Vị ấy không ỷ lại, chấp trước bất cứ vật gì ở đời. Nầy các Tỳ Khưu, như vậy là người tu tập lấy thân quán thân.

Quán thân - quán hài cốt: Lại nữa, nầy các Tỳ Khưu, người tu tập nhìn thấy một tử thi quăng bỏ trong bãi tha ma chỉ còn là một bộ xương với chút ít máu thịt còn sót lại với các sợi gân còn kết nối. Hoặc một bộ xương không còn thịt còn chút máu được các sợi gân kết nối. Hoặc một bộ xương không còn máu thịt, không còn các sợi gân kết nối. Hoặc rải rác từng phần xương tay, xương chân, xương ống, xương đùi, xương mông, xương sống, sọ đầu. Vị ấy quán: thân nầy tự tánh là vậy, bản chất là vậy, không thể vượt ngoài tánh chất ấy.

Quán thân - quán hài cốt mục rã: Lại nữa, nầy các Tỳ Khưu, người tu tập nhìn thấy một tử thi quăng bỏ trong bãi tha ma chỉ toàn xương trắng màu vỏ ốc... Hoặc đã biến dạng theo thời gian vài ba năm... Hoặc mục nát thành bột... Vị ấy quán: thân nầy tự tánh là vậy, bản chất là vậy, không thể vượt ngoài tánh chất ấy. Như vậy vị ấy quán thân bằng nội thân hay ngoại thân hoặc cả hai. Vị ấy quán tánh sanh khởi trên thân, quán tánh hoại diệt trên thân hoặc cả hai tánh sanh diệt trên thân. Vị ấy quán niệm sự hiện hữu của thân với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm. Vị ấy không ỷ lại, chấp trước bất cứ vật gì ở đời. Nầy các Tỳ Khưu, như vậy là người tu tập lấy thân quán thân.

 ===

Quán thọ:  Nầy các Tỳ Khưu, thế nào là quán thọ trên thọ?  Nầy các Tỳ Khưu, người tu tập khi cảm thọ lạc, sáng suốt biết rõ: cảm thọ lạc; khi cảm thọ khổ, sáng suốt biết rõ: cảm thọ khổ; khi cảm thọ không lạc không khổ, sáng suốt biết rõ: cảm thọ không lạc không khổ. Khi cảm thọ lạc thuộc vật chất, sáng suốt biết rõ: cảm thọ lạc thuộc vật chất; Khi cảm thọ lạc không thuộc vật chất, sáng suốt biết rõ: cảm thọ lạc không thuộc vật chất.  Khi cảm thọ khổ thuộc vật chất, sáng suốt biết rõ: cảm thọ khổ thuộc vật chất; Khi cảm thọ khổ không thuộc vật chất, sáng suốt biết rõ: cảm thọ khổ không thuộc vật chất. Khi cảm thọ không lạc không khổ thuộc vật chất, sáng suốt biết rõ: cảm thọ không lạc không khổ thuộc vật chất; khi cảm thọ không lạc không khổ không thuộc vật chất, sáng suốt biết rõ: cảm thọ không lạc không khổ không thuộc vật chất. Như vậy vị ấy quán thọ bằng nội thọ hay ngoại thọ hoặc cả hai. Vị ấy quán tánh sanh khởi trên thọ, quán tánh hoại diệt trên thọ hoặc cả hai tánh sanh diệt trên thọ. Vị ấy quán niệm sự hiện hữu của thọ với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm. Vị ấy không ỷ lại, chấp trước bất cứ vật gì ở đời. Nầy các Tỳ Khưu, như vậy là người tu tập lấy thọ quán thọ.

 ===

Quán tâm:  Nầy các Tỳ Khưu, thế nào là quán tâm trên tâm?Nầy các Tỳ Khưu, người tu tập khi ham muốn, biết rõ: tâm ham muốn. Khi sân hận, biết rõ: tâm sân hận.Khi si mê, biết rõ: tâm si mê. Khi tâm thâu nhiếp, biết rõ: tâm thâu nhiếp. Khi tâm tán loạn, biết rõ: tâm tán loạn. Khi tâm quảng đại, biết rõ: tâm quảng đại. Khi tâm hạn hẹp, biết rõ: tâm hạn hẹp. Khi tâm cao thượng, biết rõ: tâm cao thượng. Khi tâm tập chú, biết rõ: tâm tập chú. Khi tâm không định, biết rõ: tâm không định. Khi tâm giải thoát, biết rõ: tâm giải thoát. Khi tâm ràng buộc, biết rõ: tâm ràng buộc. Như vậy vị ấy quán tâm bằng nội tâm hay ngoại tâm hoặc cả hai. Vị ấy quán tánh sanh khởi trên tâm, quán tánh hoại diệt trên tâm hoặc cả hai tánh sanh diệt trên tâm. Vị ấy quán niệm sự hiện hữu của tâm với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm. Vị ấy không ỷ lại, chấp trước bất cứ vật gì ở đời. Nầy các Tỳ Khưu, như vậy là người tu tập lấy tâm quán tâm.

 ====

Quán pháp - quán năm pháp ngăn ngại:  Nầy các Tỳ Khưu, thế nào là quán pháp trên pháp? Nầy các Tỳ Khưu, người tu tập quán pháp qua năm ngăn ngại. Nầy các Tỳ Khưu, khi người tu tập tâm có ham muốn, vị ấy sáng suốt biết rõ: nội tâm có ham muốn; tâm không có ham muốn, vị ấy sáng suốt biết rõ: nội tâm không có ham muốn. Với sự ham muốn vốn không có nay sanh khởi, vị ấy biết rõ.Với sự ham muốn đã sanh khởi nay đoạn diệt, vị ấy biết rõ. Với sự ham muốn đã đoạn diệt tương lai không sanh khởi nữa, vị ấy biết rõ. Khi tâm có sân hận, vị ấy sáng suốt biết rõ: nội tâm có sân hận; tâm không có sân hận, vị ấy sáng suốt biết rõ: nội tâm không có sân hận.Với sự sân hận vốn không có nay sanh khởi, vị ấy biết rõ.Với sự sân hận đã sanh khởi nay đoạn diệt, vị ấy biết rõ.Với sự sân hận đã đoạn diệt tương lai không sanh khởi nữa, vị ấy biết rõ. Khi tâm có hôn trầm thụy miên, vị ấy sáng suốt biết rõ: nội tâm có hôn trầm thụy miên; tâm không có hôn trầm thụy miên, vị ấy sáng suốt biết rõ: nội tâm không có hôn trầm thụy miên.Với sự hôn trầm thụy miên vốn không có nay sanh khởi, vị ấy biết rõ.Với sự hôn trầm thụy miên đã sanh khởi nay đoạn diệt, vị ấy biết rõ. Với sự hôn trầm thụy miên đã đoạn diệt tương lai không sanh khởi nữa, vị ấy biết rõ.

Khi tâm có loạn động, vị ấy sáng suốt biết rõ: nội tâm có loạn động; tâm không có loạn động, vị ấy sáng suốt biết rõ: nội tâm không có loạn động.Với sự loạn động vốn không có nay sanh khởi, vị ấy biết rõ.Với sự loạn động đã sanh khởi nay đoạn diệt, vị ấy biết rõ.Với sự loạn động đã đoạn diệt tương lai không sanh khởi nữa, vị ấy biết rõ. Khi tâm có nghi hoặc, vị ấy sáng suốt biết rõ: nội tâm có nghi hoặc; tâm không có nghi hoặc, vị ấy sáng suốt biết rõ: nội tâm không có nghi hoặc.Với sự nghi hoặc vốn không có nay sanh khởi, vị ấy biết rõ.Với sự nghi hoặc đã sanh khởi nay đoạn diệt, vị ấy biết rõ. Với sự nghi hoặc đã đoạn diệt tương lai không sanh khởi nữa, vị ấy biết rõ. Như vậy vị ấy tu tập quán pháp qua năm triền cái.

Quán pháp - quán năm thủ uẩn: Lại nữa, nầy các Tỳ Khưu, người tu tập quán pháp qua năm thủ uẩn. Vị ấy quán sát: đây là sắc, đây là tập khởi của sắc, đây là sự đoạn diệt của sắc; đây là thọ, đây là tập khởi của thọ, đây là sự đoạn diệt của thọ; đây là tưởng, đây là tập khởi của tưởng, đây là sự đoạn diệt của tưởng; đây là hành, đây là tập khởi của hành, đây là sự đoạn diệt của hành; đây là thức, đây là tập khởi của thức, đây là sự đoạn diệt của thức. Như vậy vị ấy tu tập quán pháp qua năm thủ uẩn.

Quán pháp - quán sáu xứ:  Lại nữa, nầy các Tỳ Khưu, người tu tập quán pháp qua sáu nội và ngoại xứ. Vị ấy sáng suốt biết rõ: do duyên hai thành tố mắt và cảnh sắc, kiết sử sanh khởi. Do duyên hai thành tố tai và âm thanh, kiết sử sanh khởi.Do duyên hai thành tố mũi và mùi hương, kiết sử sanh khởi.Do duyên hai thành tố lưỡi và các vị, kiết sử sanh khởi.Do duyên hai thành tố thân và cảnh xúc, kiết sử sanh khởi.Do duyên hai thành tố ý và cảnh pháp, kiết sử sanh khởi.Với kiết sử chưa sanh nay sanh khởi, vị ấy sáng suốt biết rõ.Với kiết sử đã sanh nay đoạn diệt, vị ấy sáng suốt biết rõ.Với kiết sử đã đoạn diệt tương lai không sanh khởi, vị ấy sáng suốt biết rõ.Như vậy là người tu tập quán pháp qua sáu nội và ngoại xứ.

Quán pháp - quán bảy giác chi:  Lại nữa, nầy các Tỳ Khưu, người tu tập quán pháp qua bảy giác chi. Này các Tỳ Khưu, khi tâm có niệm giác chi vị ấy biết rõ: nội tâm có niệm giác chi; khi tâm có trạch pháp giác chi vị ấy biết rõ: nội tâm có trạch pháp giác chi; khi tâm có tinh tấn giác chi vị ấy biết rõ: nội tâm có tinh tấn giác chi; khi tâm có hỷ giác chi vị ấy biết rõ: nội tâm có hỷ giác chi; khi tâm có tịnh giác chi vị ấy biết rõ: nội tâm có tịnh giác chi; khi tâm có định giác chi vị ấy biết rõ: nội tâm có định giác chi; khi tâm có xả giác chi vị ấy biết rõ: nội tâm có xả giác chi.Với các giác chi vốn không có nay sanh khởi, vị ấy sáng suốt biết rõ.Với các giác chi đã sanh nay được viên thành, vị ấy sáng suốt biết rõ.Như vậy là người tu tập quán pháp qua bảy giác chi.

Quán pháp - quán bốn thánh đế: Lại nữa, nầy các Tỳ Khưu, người tu tập quán pháp qua bốn thánh đế.Nầy các Tỳ Khưu, người tu tập sáng suốt biết rõ đây là khổ; sáng suốt biết rõ đây là nhân sanh khổ; sáng suốt biết rõ đây là sự chấm dứt khổ; sáng suốt biết rõ đây là con đường dẫn đến diệt khổ. Như vậy vị ấy quán pháp bằng pháp. Vị ấy quán tánh sanh khởi trên pháp, quán tánh hoại diệt trên pháp hoặc cả hai tánh sanh diệt trên pháp. Vị ấy quán niệm sự hiện hữu của pháp với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm. Vị ấy không ỷ lại, chấp trước bất cứ vật gì ở đời. Nầy các Tỳ Khưu, như vậy là người tu tập lấy pháp quán pháp.

 

Quả chứng:  Nầy các Tỳ Khưu, người nào tu tập bốn niệm xứ trong bảy năm như vậy có thể chứng một trong hai quả ngay trong đời hiện tại: một là vô lậu chánh trí nếu không thì quả bất hoàn. Nầy các Tỳ Khưu, không nhất thiết phải tu tập đến bảy năm, một người có thể chứng quả trong thời gian tu tập bốn niệm xứ trong sáu năm, năm năm, bốn năm, ba năm, hai năm, một năm hoặc bảy tháng, sáu tháng, năm tháng, bốn tháng, ba tháng, hai tháng, một tháng, nửa tháng thậm chí bảy ngày có thể chứng đắc một trong hai quả vô lậu chánh trí hoặc quả bất hoàn. Nầy các Tỳ Khưu, đây là con đường độc nhất dẫn đến thanh tịnh, vượt khỏi sầu não, đoạn tận khổ ưu, thành tựu chánh trí, chứng ngộ niết bàn. Ðó là quán niệm bốn lãnh vực. Ðức Thế Tôn thuyết giảng như vậy, các Tỳ Khưu hoan hỷ tín thọ lời Ngài.

Trung Bộ Kinh – kinh số 10

Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt

 

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét

Có viết cho nhau cả vạn lời,
Rằng thương rằng nhớ để rồi thôi,
Chi bằng trên đường đời vạn nẻo,
Sống Để Yêu Thương thế đủ rồi...