Ngay cả khi bạn có lòng tốt và tiền, làm
từ thiện cũng không phải là công việc dễ dàng. Mình xin tổng hợp lại một số vấn
đề về công việc này mà mình được nhiều người chia sẻ. Mình chia sẻ lại để các bạn
có định hướng tốt về công việc từ thiện cũng như thiện nguyện.
Nhiều người sẽ cho rằng, làm từ thiện hay thiện nguyện xuất phát từ tâm mình thôi. Mình cũng xin thưa rằng, nếu bạn nghĩ như vậy thì sẽ gặp một số khó khăn nhỏ khi cùng chung tay với những thiện nguyện viên khác. Bởi vì tâm mỗi người khác nhau, nên ý cũng sẽ khác nhau, dẫn đến cách làm cũng khác nhau.
Mình xin chia sẻ một ý kiến của bạn Ngọc
Long, một blogger có ảnh hưởng khá tốt trong công việc truyền thông xã hội. Có
2 vấn đề bạn ấy trình bày.
Thứ nhất, là câu hỏi giúp bao nhiêu cho
đủ?
Hãy thử hình dung, nếu bạn đã ủng hộ cho
một quỹ từ thiện 100$, rồi mua giúp cho 2 bà già 4 tờ vé số. Điều gì xảy ra nếu
có bà bán vé số thứ 3 xuất hiện? Hoặc là bạn “cắn răng” mua tiếp hoặc là bạn phải
“muối mặt” từ chối. Nếu mua tiếp, bạn sẽ làm gì với bà bán vé số thứ 4? Còn nếu
từ chối, bạn có bị “cắn rứt lương tâm” khi giúp cho bà già này mà không giúp
cho bà già khác?
Thực ra. Bạn sẽ hoàn toàn không phải rơi
vào tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan” như vậy nếu biết rằng chúng ta chỉ nên chi
ra 5% thu nhập cho việc “cho đi”. Tức là, nếu thu nhập của bạn là 10.000.000đ mỗi
tháng, thì bạn chỉ cần “cho đi” 500.000đ là “đủ”. Sau khi đã cho đi như vậy, bạn
không phải “cắn rứt lương tâm” vì giúp cho người này mà bỏ qua người khác. Bạn
không có nghĩa vụ và không thể giúp được cho cả xã hội hay thế giới.
Nhiều người lẫn lộn giữa việc “cho đi”
và “từ thiện”. Từ thiện chỉ là một cách cực nhỏ để cho đi. Ngoại trừ việc bạn
“cho đi” chính bản thân bạn thì tính vào tiền “hưởng thụ” hoặc mang đi học tập
thì tính vào tiền “giáo dục”, còn lại hãy “cho đi” trước nhất là ông bà cha mẹ,
anh chị cô dì chú bác, bạn bè thầy cô…
Hãy dành ra 5% thu nhập để mua cho ba một
cái quần tây mới, mua cho mẹ chiếc áo bà ba, mua cho anh chị nửa ký mãng cầu,
mua cho ông bà cân đường hộp sữa, chai dầu gió, lọ thuốc ho… Đó mới chính là việc
cho đi cần làm trước nhất. Đừng bao giờ nghĩ đến việc mang tiền đi làm từ thiện,
cúng chùa cúng phật, giải cứu chó mèo… khi chưa làm được những việc “cho đi” ở
ngôi quan trọng nhất.
Mình thấy nhiều bạn “đáng thương” khi
chưa hiểu rõ điều này và tự “xấu hổ” khi than thở rằng “anh ơi em thấy anh làm
từ thiện suốt mà em chỉ lo được cho bản thân và thỉnh thoảng cho được bố mẹ ít
tiền. Thấy người ta ủng hộ từ thiện em xấu hổ quá“. Theo đúng lý thuyết thì các
bạn đang cho đi vô cùng đúng đắn. Tại sao phải xấu hổ?
Trái lại, có những người suốt ngày chùa
chiền cúng bái, khoe làm từ thiện tiền trăm ngàn bạc triệu nhưng ba mẹ bỏ mặc
quanh năm không động viên thăm hỏi mua cho tứ thân phụ mẫu được manh quà tấm
bánh. Làm như vậy thì không đáng được coi là từ thiện.
Thứ hai, một số bạn “nghiện” làm từ thiện
hay mắc phải là mặc nhiên cho rằng mọi người phải chung một cảm giác, phải đồng
cảm với các chương trình của bạn. Nếu các bạn hô lên mà người khác không hưởng ứng
thì nhẹ bị coi là vô cảm, nặng bị coi là thứ khốn nạn, đểu cảng, xài tiền như
nước mà không giúp cho từ thiện.
Các bạn không biết rằng mỗi người có một
“góc khuất”, một số vấn đề tổn thương khác nhau trong cuộc sống. Bất cứ khi nào
gặp những vấn đề như vậy, chúng ta rơi vào trạng thái “unbalance”. Những người
“unbalance nặng” hoặc thời điểm họ rơi vào trạng thái “unbalance” là lúc dễ tác
động nhất để “dẫn dắt” họ tới với các chương trình từ thiện.
Khi làm từ thiện, đặc biệt là giúp cho
những đối tượng đúng hoàn cảnh, góc khuất bản thân là lúc chúng ta được
“balance” trở lại. Vậy khi bạn hô lên mà người ta không hưởng ứng, thì hoặc là
uy tín bạn chưa có đủ, hoặc bạn đang tác động vào một đối tượng đang rất
“balance”, hoặc nếu dù có ở trạng thái “unbalance” thì dự án từ thiện của bạn
cũng không giúp giải toả những góc khuất sâu kín làm tổn thương tâm hồn họ.
Những từ ngữ mà bạn Ngọc Long dùng, có
thể một số người sẽ hơi sốc vì “ai lại dùng những từ ngữ như thế này để nói về
cái công việc vừa thánh thiện vừa nhạy cảm” kia chứ. Mình thì rất thích cách
dùng từ của NL, vừa gần gũi cũng vừa dễ hiểu và tiếp nhận.
Bạn Kathy Nguyen thì có những chia sẻ rộng
hơn. Cách làm, cách cho như thế nào thực sự đúng đắn và hiệu quả thì cần nên hướng
đến, đừng làm vì cảm tính mà có thể dẫn đến những hiệu ứng trở nên xấu đi.
Về nhận thức, không phải tất cả những
người làm từ thiện đều suy nghĩ hoặc có mục tiêu cuối cùng giống nhau, dù hình
thức bên ngoài có thể cùng là đem tiền ra cho người kém may mắn. Có người cho
tiền để bớt mặc cảm tội lỗi và phần nào đó có thể hiểu làm từ thiện cho chính bản
thân. Có người dâng hiến tất cả những gì mình có để phụng sự một lý tưởng nhân
bản trong xã hội. Cũng có người coi từ thiện là phương pháp để xây dựng quan hệ,
tạo hình ảnh chính trị.
Trước hết, bạn phải nhận rõ mình là người
nào, mục tiêu là gì khi đi làm từ thiện. Ngay cả khi đơn thuần là chỉ muốn giúp
người bị nạn, bạn cũng có thể, vô tình hoặc cố ý, qua hành động của mình, thay
đổi trật tự xã hội, tầm nhận thức, hoặc hệ giá trị của cả một cộng đồng.
Ví dụ như khi thiếu nhận thức, bạn có thể
làm thay đổi tập quán của cả quần thể dân cư, ví dụ như bạn tập cho họ thói
quen và nhu cầu ăn mì gói (thứ họ phải mua) trong khi dân quê quen ăn gạo và
trước đó hay dùng gạo (thứ họ có thể làm ra) để giúp nhau.
Vấn đề không phải là bạn áp đặt một mô
hình từ thiện nào đó từ bên ngoài mà cần phải hiểu rõ bạn đang làm gì và truyền
thống nơi đây thường làm gì. Cũng không nhất thiết phải làm theo truyền thống,
chỉ cần bạn ý thức được là nếu làm khác đi mình sẽ thay đổi những gì trong xã hội
và các thay đổi đó sẽ ảnh hưởng tốt hay xấu đến từng thành viên.
Có dịp tôi cùng mọi người trong nhóm Thiện
Nguyện HCM tổ chức thăm và tặng quà cho các em nhỏ dân tộc Raglai ở thôn Ma
Lâm, Ninh Thuận. Thời gian vào đúng ngày giáng sinh, nhưng nơi đây, chính quyền
cho biết, họ không tiếp nhận hình ảnh ông già Noel mặt đồ đỏ trong chương trình
này.
Chia sẻ, thông hiểu, và động viên, công
việc từ thiện trước hết là cuộc gặp mặt giữa người với người. Một bên có thể
đang ở mức tận cùng của đau khổ và bên kia là đỉnh điểm của sung sướng.
Nếu bạn là đôi vợ chồng hạnh phúc đến
cho tiền một người đàn bà goá đang khóc chồng, bạn có nghĩ là người phụ nữ kia
sẽ cảm thấy được chia sẻ chút nào không ? Nhưng nếu bạn là người thành đạt, đem
học bổng đến cho những em bé nghèo hiếu học, bạn có nghĩ mình sẽ là thần tượng
để chúng phấn đấu ? Có những lúc người ta cần được tặng một giấc mơ đẹp, một
tia hy vọng, một lòng tin để đi vào tương lai, hơn là những đồng tiền có thể
khiến họ ăn sung mặc sướng ngày hôm nay và quên mất mục tiêu sau này.
Chắc bạn đồng ý với tôi rằng làm từ thiện
là giúp người ta đứng vững rồi chạy trên hai chân của mình, hơn là biến họ
thành kẻ ăn mày chuyên nghiệp, sống bằng tiền của bạn trong suốt phần đời còn lại.
Những thất bại đang bị chỉ trích của phương Tây ở châu Phi có thể được coi là
bài học, khi tiền viện trợ biến nhiều cộng đồng trở thành ăn bám, chỉ biết chờ
gạo và bột mì tiếp tế hàng năm, mà không biết khai phá đất đai trồng loại cây
lương thực khác.
Lập kế hoạch làm thiện nguyện rõ ràng, bạn
có thể đơn giản là thảy một cục tiền và mặc kệ mọi chuyện ra sao thì ra, nhưng
hành động đó có thể kéo theo nhiều vấn đề phức tạp, nhiều khi có hại cho người
nhận tiền. Vì vậy, công tác từ thiện chuyên nghiệp thường đòi hỏi có kế hoạch
rõ ràng là chi tiền như thế nào, nhằm các mục tiêu gì, và làm thế nào để kiểm
tra kết quả. Đồng thời, cần có các tiêu chuẩn để kiểm tra xem tiền có được chi
đúng và kế hoạch được thực hiện đúng hay không như sổ điểm và học bạ, mức chi
tiêu trong gia đình, kết quả kinh doanh, sử dụng nhà tình nghĩa,…
Trong nhiều trường hợp, dự án còn quan
trọng hơn là số tiền bỏ ra. Nhiều người nghèo vẫn tiếp tục nghèo sau khi được
ngân hàng cho vay xoá đói giảm nghèo. Vì cái họ cần nhiều khi là “know-how”, là
kỹ năng kinh doanh, tính toán, phương pháp gieo trồng và chăn nuôi mới, hay mối
quan hệ để tiêu thụ hàng, tìm nguồn nguyên liệu rẻ, hơn là tiền.
Việc bạn cho họ vài chục triệu và mua một
chiếc xe hai bánh tính về giá trị là bằng nhau, nhưng có thể khác rất xa. Người
nhận tiền có khi không nhìn thấy chiếc xe là giải pháp giúp công việc kinh
doanh của họ phát triển, và không biết đem vài chục triệu bạn cho đi mua xe, mà
chỉ lo sửa nhà hoặc ăn uống phung phí.
Qua việc mua xe, hay cho họ con bò, có
thể bạn đã chuyển cho họ một ít kiến thức về kinh doanh, và đó chính là cái họ
đang cần.
Bằng cách lập dự án và kiểm tra, có thể
bạn đã đào tạo họ thích nghi với môi trường mới, tự bản thân vượt qua bức tường
nghèo đói, hội nhập với xã hội.
Vòng tay bạn có thể ôm được bao nhiêu
người, đừng quá chú trọng vào hình thức, đừng thánh thiện công việc từ thiện
quá mức. Sẽ gây cho bạn những khó khăn khi tiếp cận công việc này. Cứ xem nó
như những việc bình thường như ăn sáng, uống cà phê, hoặc đi dã ngoại đâu đó. Đừng
e ngại bị làm sai, làm không đúng mà từ bỏ nó. Vòng tay bạn ôm được đến đâu thì
ôm đến đó. Hôm nay khả năng chỉ mua tờ vé số giúp một cụ già, ngày mai ủng hộ
vài chục nghìn mua một bịch kẹo tặng các em nhỏ ở trung tâm nuôi trẻ mồ côi, khuyết
tật gần khu bạn sống. Miễn sao cảm thấy mình là một người tốt là được rồi. Từ từ
sẽ có định hướng tốt hơn cho công việc này.
Làm từ thiện là hướng đến các đối tượng
cần giúp đở là chính, không phải từ thiện đến các tổ chức, nhóm, hội,… đang làm
công việc vận động.
Trong quá trình mình vận động ủng hộ các chương trình từ thiện. Mình cảm thấy buồn một chút, chút xíu thôi, khi một số bạn ủng hộ chương trình tạo cho mình suy nghĩ như là các bạn ấy đang ủng hộ mình. Dẫu biết rằng các bạn dành tình cảm cho mình khá tốt, nhưng khi bạn có ủng hộ là bạn đang ủng hộ những đối tượng mà chương trình hướng đến. Mình chỉ có công việc là trung chuyển tấm lòng của bạn đến những số phận kém may mắn một cách trọn vẹn nhất mà thôi. Nếu bạn có tấm lòng, đừng đợi đến khi bạn cảm thấy đủ giàu có thể bắt đầu làm từ thiện.
Có người hỏi mình như thế này “mầy đâu
có khá đâu mà làm từ thiện nhiều thế?, tao khá hơn mày chút nhưng tao cũng chưa
dám làm vì còn pending nhiều thứ! Sau này giàu có điều kiện tốt hơn rồi hãy
làm.” Bạn mình nói cũng có lý đó, nhưng mình cũng trả lời – “tao thấy mầy giàu
hơn tao nhiều đó, tháng tiêu hơn 2 chục chai, nhưng mầy cũng đâu có làm, vì mầy
đâu có nghĩ là mầy đang giàu, cái giàu của mầy đang nghĩ là những người bạn
giàu có hơn mầy kìa, tụi nó lúc nào thu nhập cũng cả 100 chai. Tao thu nhập lè
tè chỉ vài triệu, nhiều lúc chi tiêu hàng ngày còn không đủ. Vậy sao tao phải
làm từ thiện? Bởi vì tao cảm thấy tao đang giàu, giàu hơn rất nhiều so với những
người mà tao giúp đở. Chương trình nào tài chính dư dã chút thì đóng góp chút
ít, tài chính hao hụt thì góp công, góp sức, vậy cũng được.”
Làm từ thiện không khó, cái khó là chúng
ta bắt đầu thực hiện và làm quen với nó.
Cho đi tức là đang nhận lại, đó là điều
cuối cùng mình muốn chia sẻ lại các bạn. Trước đây khi mới làm từ thiện, mình
không hiểu về định nghĩa này, vừa đơn giản lại vừa trừu tượng. Bây giờ thì mình
đã hiểu sự nhận lại ở đây là gì. Để biết được, bạn hãy thử ít nhất một lần để cảm
nhận nhé. Mình không chia sẻ cảm nhận của mình ở đây.
Vài lời mình tổng hợp và chia sẻ vào
đúng ngày 1 tháng 4, ngày cả trái đất đang nói láo. “Nói láo” cả năm rồi, hi vọng
hôm nay mình nói thật. Nếu có gì không đúng thì mình mượn ngày này để các bạn
hoan hỉ bỏ qua nhé.
Thắng Nguyễn
a