SỐNG KHÔNG CHỈ HƯỞNG THỤ

Trong môi trường xã hội chúng ta ngày nay, chuẩn mực giá trị cuộc sống rất méo mó. Những chuẩn mực đạo đức xã hội truyền thống trước đây đã bị xé nhoè như ánh trăng trên mặt hồ nổi sóng. Người ta chỉ có thể giữ cái đạo đức đó trong lòng mình, trong khuôn khổ hẹp của gia đình hay một môi trường nhỏ hẹp nào đó mà thôi. Nếu để nó tham gia vào xã hội thì sẽ bị vùi dập, bị cô lập hay cũng phải thay đổi hùa theo mặt tiêu cực của xã hội để sống như mọi người!

Xã hội chúng ta không những bị hậu quả của cuộc chiến tranh kéo dài tàn phá, mà chúng ta còn bị một cơ chế xã hội đè nén những nhu cầu cuộc sống vật chất một thời gian khá dài. Sự thèm khát một cuộc sống vật chất sung túc thật sự là một nhu cầu của mọi người.

Cho đến khi ta có chính sách đổi mới về quản lý kinh tế, chấp nhận cho mọi người được tự do chọn lao động sản xuất, được kinh doanh dịch vụ thì một dòng người bung ra làm kinh tế như thác lũ, ngành ngành kinh doanh, người người tìm mọi cách kiếm tiền, dòng thác lũ này cuốn trôi tất cả cái gì cản lại đường đi của nó, kể cả nhân cách đạo đức truyền thống tốt đẹp trước đây.

Trong khi đó, luật pháp rất hiếm có cơ hội, điều kiện cho người làm giàu chân chính được hình thành, tồn tại, và phát triển lớn mạnh. Càng không đủ sức đảm bảo người lao động lương thiện có được ăn no mặc ấm vững chắc. Bậc thang lương và cuộc sống của người ăn lương là một minh chứng.

Trong khi đó, đang có một số người tích luỹ được nhiều tiền của, giàu lên bằng mọi cách, nhưng theo đuổi cuộc sống lãng phí và vô trách nhiệm với xã hội. Điều này đẩy đất nước ta, xã hội ta vào trạng thái ngày càng tồi tệ hơn.

Trong xã hội chúng ta hôm nay, ắt có trên 50% gia đình luôn lo âu cuộc sống hàng ngày. Thậm chí trong nhiều năm dài hay cả đời người cũng chỉ suy nghĩ quanh quẩn làm sao có được cái ăn cái ở cho gia đình, làm gì có thời giờ suy nghĩ đến lý tưởng, giá trị của cuộc sống. Tuy nhiên, để có thể có được một ý tưởng về ý nghĩa của cuộc sống hữu ích của mọi tầng lớp người khác nhau, thể hiện qua nhận thức giá trị vật chất cũng như phương cách sử dụng nó trong cuộc sống, vừa trách nhiệm cho bản thân gia đình vừa trách nhiệm với xã hội.

Giá trị cuộc sống của con người không chỉ là thụ hưởng thành quả lao động của ta mà còn phải có nghĩa vụ đóng góp thành quả đó cho xây dựng xã hội theo tinh thần “vật chất được nhặt từ xã hội nên sử dụng lại cho xã hội”. Có như vậy mục tiêu xây dựng xã hội tiến bộ, cuộc sống văn minh hạnh phúc mới trở thành hiện thực.

Chuyên gia kinh tế Phan Chánh Dưỡng