NĂM NHÂM DẦN NÓI VỀ HẠNH TU NHƯ CỌP



CON CỌP CÓ: 

1- Khả năng sống độc lập (sống một mình).  

2- Khả năng cảnh giác rất cao. 

3- Săn mồi vừa đủ ăn.  

4- Không biết sợ.  

Với vị hành giả cũng phải có bốn đức tính như sau:

1. Sống độc cư thanh tịnh

2. Khéo phòng hộ các căn

3. Ăn uống có tiết độ

4. Không biếng nhác, tinh cần (có tinh thần vô úy)

Giới bổn Pàtimokkha được người Trung Hoa dịch là Biệt biệt giải thoát, có nghĩa là những điều này được thực hành thì sẽ đưa đến giải thoát những phiền não.

Các Giới bổn mà Đức Phật dạy về Tỳ kheo và Tỳ kheo ni giới có tính ứng hợp với căn tánh của chúng sanh thời đó. Họ có những sai quấy và Đức Phật chế định theo giới luật. Đó là Giới bổn, điều học. Nhưng Giới bổn mà Đức Phật tự thân hành trì thì rất đơn giản, nó chỉ vỏn vẹn trong bốn điều, và ngài Na Tiên (Nàgasena) đã dùng bốn điều này để giảng giải. Và khi ngài trình bày về điều này ngài đã dùng hình ảnh của một con cọp, một hình ảnh rất gần với đất nước Ấn Độ thời đó để minh họa. Vì vậy, chúng ta nói hạnh tu như cọp thì nghe cũng hơi lạ tai, bởi vì ai cũng nói dữ như cọp chứ không ai nói tu như cọp.

Bây giờ chúng ta nói đến Giới bổn đầu tiên hay nói đến đặc tính thứ nhất của loài cọp. Cọp sống một mình. Chúng ta cũng thường nghe nói một rừng không thể có hai con cọp và cọp ở đây chính là con cọp đực. Trong một lãnh địa thì không có trường hợp hai con cọp đực sống chung với nhau được. Cọp đực phân biệt giang sơn của chúng bằng phân và nước tiểu. Khi một con cọp đực sống nơi nào thì nó dùng phân và nước tiểu để phân ranh, và con cọp này không bao giờ lấn qua ranh phận của con cọp kia. Vì vậy mà người ta nói rằng trong một rừng không thể có hai con cọp. Những nghiên cứu ngày nay cho biết là giang sơn của một con cọp đực thường rộng ít nhất là từ bảy cho đến mười cây số vuông. Con cọp đi lại, sống, săn mồi và nó là chúa sơn lâm trong cái giang sơn riêng biệt của nó.

Ngài Nàgasena dùng hình ảnh này để ví với lối sống của một hành giả - đó là sống độc cư. Tất cả chúng ta, trong sự tu tập, đều phải trải nghiệm một điều mà tất cả những nghệ nhân, những người làm nghệ thuật đều biết: Đó là cho đến khi nào ta thật sự thoát ra được những cái giá trị được thẩm định bởi người khác, bởi xã hội để tự mình nhận chân ra những giá trị đó và dám sống với chúng, sống với chính mình thì đó là một bước ngoặc rất quan trọng trong cuộc đời. Đối với một hành giả cũng vậy. Ví dụ trong đời sống, trong công việc làm hay việc tu tập, mình thường luôn nghĩ rằng ta làm những điều như vậy có ai khen mình không, có được người khác chấp nhận hoặc công nhận hay không, hoặc là những gì mình làm có phù hợp với cái cách mà người khác suy nghĩ hay không… Điều này trở thành một sự lệ thuộc cố hữu trong cuộc sống, do vậy khi làm việc gì chúng ta cũng phải làm theo những cái giá trị vốn đã được áp đặt, vốn đã có sẵn.

Một hành giả, cho dù sống giữa thị thành hay sống giữa làng mạc, trong rừng sâu đều cần phải có một khả năng độc lập tuyệt đối. Đó là thấy cái này là tham thì phải từ bỏ vì vị ấy nhận thức được rằng tham là một sự ngăn ngại chứ không phải từ bỏ tham vì sợ nếu không bỏ nó thì sẽ bị phật tử chê trách, hay là người này người kia chê trách mình, không đồng ý với mình. Có nghĩa là việc tốt hay xấu hành giả phải tự mình nhận biết điều đó - đó mới là tính cách độc lập. Dĩ nhiên là trong giai đoạn đầu, khó có ai có đủ trình độ để làm được như vậy.

Ở giai đoạn đầu hành giả phải nương vào Kinh điển, lời dạy của thầy tổ hay sự phê phán của xã hội, của gia đình, của bạn bè và những người chung quanh, để phân biệt đúng sai; nhưng đến một lúc nào đó, một hành giả biết sống độc cư - tức là một mình với tự thân, thì vị đó có thể tu tập, có thể thấy các pháp từ cái nhìn hoàn toàn độc lập của chính mình mà không cần dựa vào sự bình phẩm của người khác. Đây là một trong những điều rất khó. Nếu chúng ta hỏi những người làm nghệ thuật thì họ thường dùng hai chữ “thoát thai”. Thoát thai có nghĩa là đến một lúc nào đó mình thật sự trưởng thành và tìm được giá trị do chính mình tự chứng, tự biết chứ không phải dựa vào sự phán xét của người khác. Không phải do người khác nói tốt mà mình nghĩ tốt, mà do tự mình thấy được điều đó là tốt. Mình không cầu chứng từ người khác.

Trong Kinh ghi lại rằng, một lần nọ, Đức Phật hỏi ngài Sariputta có phải ngài hiểu Đức Phật bằng niềm tin không? Ngài Xá-lợi- phất bạch: “Dạ con không hiểu Đức Phật bằng niềm tin”. Ngài Xá-lợi-phất muốn nói rằng “Con hiểu Đức Phật bằng trí của con chứ không phải do người ta xưng tán Ngài mà con tin theo”. Phần nhiều trong cuộc sống của chúng ta, phần lớn chúng ta tu tập dựa trên đức tin. Ví dụ một vị thiền sư cho chúng ta những lời dạy hết sức thuyết phục về vô thường, chúng ta nghe và chúng ta đồng ý với vị thiền sư, cho rằng vị ấy nói đúng. Điều đó có nghĩa là chúng ta không thực sự thấy vô thường bằng cái nhìn độc lập. Có thể chúng ta kính trọng vị thầy ấy quá, có thể chúng ta đánh giá quá cao vị thiền sư, và vì vậy vị ấy nói gì mình cũng cho là đúng một trăm phần trăm. Nhưng một hành giả đạt đến khả năng độc cư thì vị ấy phải có khả năng nhận biết về sự vô thường bằng chánh niệm và bằng chính nhận thức của mình.

Trong Kinh Đại Niệm Xứ có một câu mà nhiều hành giả không để ý “Vị ấy quán thân trên thân, không nương dựa bất cứ việc gì ở đời”, nghĩa là vị ấy ở trong tư thế hoàn toàn độc lập, thấy và biết như vậy. Thật ra, kinh nghiệm sống độc cư và kinh nghiệm nhận thức độc lập, hai thái độ đó đi liền với nhau, nghĩa là một người có kinh nghiệm nhận thức độc lập thì vị ấy có khả năng sống độc cư. Còn một người có khả năng sống độc cư thật sự thì người ấy phải là người có khả năng nhận thức sự việc một cách độc lập. Đến mức độ đó chúng ta mới tạm gọi là có sự trưởng thành trong đời sống. Lấy ví dụ khi chúng ta còn nhỏ, những điều đúng, sai, phải, quấy mà cha mẹ giáo dục chúng ta thì rất tốt, vì mỗi chúng ta được khuôn đúc, được nuôi dưỡng trong các giá trị căn bản ấy. Tuy nhiên khi chúng ta lớn lên mà chúng ta làm gì cũng luôn tuân theo cái khuôn thước của cha mẹ chúng ta đề ra, cái này là đúng, cái kia là sai thì chúng ta không thể được coi là trưởng thành. Một người trưởng thành thật sự là một người một ngày nào đó nhận chân ra giá trị đúng, sai, phải, quấy là do tự mình hiểu biết chứ không phải vì cha mẹ tôi nói như vậy là đúng, ông bà tôi nói như vậy là đúng. Tuy nhiên khi mình còn nhỏ thì chúng ta cần những lời dạy dỗ ấy.

Do vậy, pháp đầu tiên của hành giả là giống như loài cọp, chúng sống một mình ở trong rừng, và do sống một mình trong rừng nên chúng phải có thái độ hoàn toàn độc lập, không sống theo bầy, theo đàn như một số các loài động vật khác. Có những động vật chúng sống quây quần theo bầy đàn, thí dụ như loài trâu rừng, bầy nai…. Nếu bầy của chúng chạy về hướng đông thì chúng sẽ chạy về hướng đông. Chúng chạy về hướng đông là do một con nào đó trong bầy chạy về hướng đó và rồi cả nguyên đàn chạy theo. Nhưng loài cọp thì không như vậy. Con cọp đực luôn luôn hành xử độc lập, từng con một ở trên từng lãnh địa một. Vậy, cái bản lãnh quan trọng nhất của hành giả là bản lãnh sống độc lập.

Có nhiều người không hiểu rõ đạo Phật, họ nói rằng đạo Phật sung bái chủ nghĩa độc thân. Thật ra đạo Phật không lên án việc có gia đình cũng như lên án cuộc sống cộng đồng. Đạo Phật cũng có cộng đồng Tăng chúng, có bạn song hành như một vị thiện hữu. Tuy nhiên, đạo Phật rất chú trọng về khả năng độc lập trong cách nhìn của mình, bởi vì đến một lúc nào đó, đến một thời điểm nào đó thì hành trình của hành giả sẽ là con đường độc đạo, chỉ một người đi, và chỉ có tự thân một người đó biết nó mà thôi, chứ không thể có hai hoặc ba người được. Nói một cách khác, cha mẹ ta dạy ta như thế nào, thiện hữu dạy chúng ta như thế nào, những lời dạy của các vị thiền sư như thế nào, nó chỉ làm kim chỉ nam trong một giới hạn, một chừng mực nào đó; và khi chúng ta thực sự ra khơi, mỗi người phải tự xác chứng lấy mình chứ không phải thông qua cái giá trị do người khác đem đặt để cho mình. Đó là đặc điểm đầu tiên khi chúng ta nói về đặc điểm đầu tiên của loài cọp, và đạo Phật nói là “ sống độc cư thanh tịnh” là nói đến ý nghĩa độc lập này.

Tiếp theo đặc tánh thứ hai của loài cọp là có một tính cách khác hơn nhiều so với các loài vật khác vì nó là một động vật sống nhờ vào sự đi săn.

Cọp là một mãnh thú và các mãnh thú khác hơn những loài thú thường ở chỗ khả năng cảnh giác của chúng rất cao. Cọp là loài tấn công, do đó cọp và sư tử - khả năng cảnh giác của chúng - cao hơn những con vật khác. Những loài vật khác khi ngủ là ngủ vùi, hoặc ngay khi chúng đang chơi đùa thoải mái chúng cũng luôn ở trong tư thế dễ dàng bị tấn công. Nhưng những loài mãnh thú thì khác, thí dụ sư tử và cọp luôn luôn ở trong tư thế tấn công của một loài có cảnh giác. Tương tự như một hành giả có chánh niệm và tỉnh giác, họ biết rằng các phiền não có thể tấn công bất kỳ lúc nào, các ma chướng có thể đến với họ bất kỳ lúc nào, vì vậy họ không giải đãi, xem thường hay mất cảnh giác.

Đức Phật dạy phòng hộ các căn là Ngài muốn nói đến việc chúng ta thường có một nhận thức liên quan đến tự ngã, đây là một nhận thức gây ra phiền não. Ví dụ như có ai đãi mình món ăn ngon, luôn có cái Tôi xen trong đó “Tôi được ăn ngon”. Hay khi mình phải chịu cái cảnh lạnh lẽo thì ngoài cái cảm giác lạnh lẽo mình còn gói ghém một khái niệm “Tôi” trong đó “Tôi lạnh”. Hoặc khi chúng ta đi tham quan một cảnh đẹp thì không phải chỉ đơn thuần là để thỏa mãn con mắt mà còn để thỏa mãn cái tôi “Tôi đã thấy như vậy”.

Đối với các hành giả tu tập nhiếp hộ các căn hành giả sẽ thấy phiền não này sanh khởi từ mắt có nghĩa là nó đến từ mắt chứ không liên hệ gì đến cái Tôi, cái Ta hết. Phiền não đến từ tai, từ lưỡi, từ mũi, từ thân, từ ý cũng tương tự như vậy. Nói một cách khác, điều đó có nghĩa là hành giả có một khái niệm rất rõ ràng, chuyện nào ra chuyện đó. Chuyện của mắt thì ra chuyện của mắt, chuyện của tai thì ra chuyện của tai, chuyện của mũi thì ra chuyện của mũi, chuyện của lưỡi thì ra chuyện của lưỡi…. không có Tôi hay Ta xen trong đó. Vị hành giả chỉ thấy đơn giản vậy thôi, thấy riêng từng phần.

Nói đến chuyện tu tập thì hành giả phải có khả năng phân biệt được đâu là các cảm thọ khổ, lạc, ưu, xả và các cảm thọ đó đến từ đâu. Nếu nó đến từ xúc thì đó là từ nhãn xúc, nhĩ xúc, tỷ xúc, thiệt xúc, thân xúc hoặc ý xúc? Chữ xúc ở đây có nghĩa sự gặp gỡ giữa căn - cảnh và thức. Và vị ấy hiểu rằng cảm thọ này đến từ mắt, từ tai, từ lưỡi, từ thân hoặc từ ý. Chỉ đơn giản vậy thôi. Vị ấy không thấy có khái niệm “Tôi, Ta” trong cảm thọ đó.Ví dụ cách đây một giờ đồng hồ, hành giả được ăn một bữa rất ngon, vị ấy biết khi thực phẩm ngon ấy chạm với lưỡi thì lưỡi hưởng thụ một cách thích thú, một cách hạnh phúc, lưỡi cảm thấy rất ngon. Và bây giờ không còn ăn nữa thì cảm giác ấy đã diệt đi, tức là vị ấy thấy sự sanh và diệt. Nếu hành giả không phòng hộ các căn thì hành giả ấy lại nghĩ rằng: Hôm nay “Tôi” có phước. “Tôi” được ăn một bữa thiệt ngon. “Tôi” thật là hạnh phúc vì được đãi một bữa ăn thiệt ngon mà nhiều người khác không có, chỉ có “Tôi” mới được ăn. Hoặc cảm thấy “Tôi” quan trọng như thế này thế kia khi được đãi ăn một bữa như vậy.

Tuy nhiên đối với một hành giả tu tập thì chuyện nào ra chuyện đó. Hễ nó sanh thì biết nó sanh, nó diệt thì biết nó diệt. Nói một cách khác là không để cho sự việc sanh khởi liên hệ đến bản ngã. Khả năng phòng hộ các căn này được hiểu và được xem như là thiện xảo của hành giả để có thể phân biệt ra ái đến từ thọ, thọ đến từ xúc, xúc đến từ sáu căn và sáu cảnh. Đó là cách vắn tắt chúng ta nói về sự tu tập phòng hộ các căn. Về điểm này thì các thiền sư dạy về Tứ niệm xứ chi li hơn, chúng ta không đào sâu nhưng điều quan trọng là chúng ta phải phân biệt được danh và sắc. Danh và sắc đối với một hành giả tu tập thì chúng trực tiếp liên hệ đến sáu căn, ví dụ cái gì mình nghe, cái gì mình thấy, mình ngửi, mình nếm, xúc chạm, cái đó gọi là sắc. Cái cảm thọ do sự xúc chạm, gặp gỡ giữa căn và cảnh, cái phản ứng thích hay không thích với sự xúc chạm, gặp gỡ đó gọi là danh. Như vậy chúng ta thấy rằng cái mà chúng ta gọi là tôi hay ta này đây thực ra chỉ là tâm và thân hay danh và sắc tương tác với nhau mà vận hành vậy thôi. Khi chúng ta thấy được mấu chốt của sự tác động qua lại giữa thân và tâm hay danh và sắc đó, chúng ta sẽ thấy rằng mọi sự đến và đi là các phản ứng do thân và tâm tác động qua lại vào nhau chứ không có một cái gọi là ngã tính ở trong đó, khi hiểu ra được như vậy thì mọi sự chúng ta cứ để tự nhiên, nó đến thì cho nó đến, nó đi thì để cho nó đi.

Chúng ta luôn vướng vào cái tự ngã hay là ngã tính. Ví dụ chúng ta nghe Paris là kinh đô của ánh sáng và ao ước được một lần đến đó. Có dịp chúng ta đặt chân đến Paris, chúng ta thấy được dòng sông Seine, tháp Effel, khi về nhà điều đó lại trưởng dưỡng thành một niềm hãnh diện, mang đến cái tự ngã: “Tôi” cũng là một người đặc biệt, “Tôi” có được may mắn đến tham quan tháp Effel, tự cảm thấy “Tôi” là người quan trọng… Hành giả hành tập là để loại bỏ cái cảm giác về một cái tự ngã này. Cái cảm giác của hành giả chỉ là cái gì đến thì để cho nó đến, cái gì đi thì để cho nó đi, chỉ đơn thuần ghi nhận hay biết, khi nó đi rồi thì mình trả mọi sự về với sự tĩnh lặng. Ngài Ajahn Chah dùng một thí dụ đơn giản để mô tả việc này đó là tâm của hành giả nó phải giống như một cái hồ nước ở giữa rừng, khi những con thú đến uống và mặt hồ khuấy động, đó là điều tự nhiên. Khi những con thú uống nước xong thì mặt hồ trở lại phẳng lặng, chứ không phải những con thú đã đi rồi mà mặt hồ cứ tiếp tục giao động hoài. Khả năng này tiếng Anh gọi là “let go”, tức là chúng ta để cho nó đi. Cái gì nó đến thì nó đến, cái gì nó đi thì để cho nó đi. Tuy vậy, việc này không hề đơn giản. Tại sao vậy? Trong cuộc sống của chúng ta, những gì chúng ta thực sự tiếp xúc, thực sự đối diện thì không nhiều, nhưng bám níu, vướng mắc của chúng ta với chúng thì lại lâu dài. Ví dụ ai đó nói với mình một câu rất nặng, câu nói nặng đó chúng ta có khi nghe chưa tới 30 giây nữa nhưng chúng ta phiền não cả… ba tháng. Cái phiền não vài ba tháng đó là do chúng ta để cái nghe đó liên hệ tới tự ngã của mình. Nếu chúng ta không để cho nó liên hệ đến tự ngã thì việc nó đến, nó đi giống như mặt hồ, chao động nhưng rồi sẽ tĩnh lặng, phẳng lặng trở lại.

Nói tóm lại, hành giả phải phòng hộ các căn như thế này: Hành giả hiểu thọ là duyên của xúc, xúc là do duyên của sáu căn, do vậy, hành giả không nghĩ rằng đây là của Ta, đây là Tự Ngã của ta. Hành giả cũng có khả năng phân chuyện nào ra chuyện đó, hiện tại là hiện tại, cái gì đã qua rồi là qua rồi, sắc là sắc, danh là danh, chứ không thấy rằng, hiện tại và quá khứ, danh và sắc kết cấu với nhau thành một thứ để cho mình phải bám níu. Tại vì sao? Bởi vì một khi hành giả nhìn thấy được sự vận hành của các căn, cảnh và thức một cách tinh tường, chính xác như thế, hành giả sẽ có khả năng buông bỏ, bởi cuộc sống là một sự nối tiếp liên tục của các căn, cảnh và thức. Nói tóm lại, nhãn xúc, nhĩ xúc, tỷ xúc, thiệt xúc, thân xúc và ý xúc sanh thọ. Nhãn xúc sanh thọ, mình hiểu. Tỷ thức sanh thọ, mình cũng hiểu… Ngài Sariputta dạy rằng nếu chúng ta nghe những điều phỉ báng, nếu chúng ta biết rằng đó chỉ là một sự tiếp xúc giữa căn và cảnh thì chúng ta có thể kham nhẫn được. Điểm này là một đặc tánh giải thích tại sao hành giả khi hành thiền cần phải phân biệt cho rõ danh và sắc. Cái giá trị của sắc là cái mình thấy, mình nghe, mình ngửi, mình nếm và đụng chạm. Yếu tố đó chỉ có giá trị trong một thoáng và không nên để cho nó kéo dài. Khi chúng ta nghe, thấy, ngửi, nếm, đụng chạm thì chỉ nên đơn thuần ghi nhận chúng sanh khởi, đừng dính mắc với chúng để cho chúng trở thành những vấn đề chi phối mình sau khi chúng đã qua đi. Như vậy gọi là khéo nhiếp hộ các căn.

Với một người tu tập thì khả năng cảnh giác phải cao, phải hiểu rằng sáu căn là những cửa ngõ để cho địch tấn công. Nếu mình là một vị tướng giữ thành thì phải hiểu cái thành của mình có sáu cửa và nếu phiền não có tấn công thì chúng cũng chỉ tấn công vào sáu cửa đó thôi và như vậy mình phải thường xuyên cảnh giác.

Đặc điểm của loài cọp và các loài mãnh thú khác là chuyên về săn mồi và tấn công vì vậy chúng cũng có khả năng đề phòng sự tấn công rất cao. Người ta nói “suy bụng ta ra bụng người”, con vật đó thường tấn công những con vật thiếu cảnh giác vì vậy chính bản thân nó phải rất cảnh giác.

Đặc tánh thứ ba của loài cọp và cũng là của một số loài mãnh thú khác là chỉ săn mồi vừa đủ ăn. Nó không giết con nai này để ăn rồi giết con nai kia để chơi, tức là nó biết đi săn ở mức độ vừa phải. Nó không giống con người. Con người chúng ta khi ăn thường ham hố, có khi ăn quá độ hoặc quá no. Đời sống của mình đã đủ rồi nhưng vẫn đi tìm, tích lũy chất chứa thêm, nhưng với loài cọp thì khác. Điều này nhiều người không nghĩ đến nhưng thật ra loài vật chúng hơn loài người. Loài người của chúng ta có khi không ăn cũng giết, không ăn cũng thu thập để dành, nhưng loài vật thì không như vậy.

Trong Pàtimokkha, lời dạy của chư Phật là phải tiết độ trong ăn uống, có nghĩa là một hành giả phải biết ăn vừa với nhu cầu của mình, nếu mình không biết dừng lại có nghĩa là chưa có bản lãnh. Trong tất cả các dục lạc thì sắc đẹp, tiếng hay .v.v… thì hành giả tránh được, nhưng riêng cái ăn thì không thể vì đó là nhu cầu. Khi hành giả ăn hoặc uống, Đức Phật dạy ăn và uống phải có tiết độ. Ở đây hàm ý là ăn vừa đủ no, cái thách thức lớn nhất là đồ ăn có ngon đến đâu cũng đừng ăn quá no, cho dù là ngon miệng đến mấy đi nữa cũng không có tình trạng ăn quên thôi. Thực ra, đối với một người bình thường thì cái chuyện ăn quên thôi đó cũng là chuyện bình thường, không có gì tội lỗi, nhưng với một hành giả, việc ăn quên thôi sẽ là một chuyện lớn. Vì sao vậy? Vì cái nghị lực của mình có hay không là nằm ở đó. Ví dụ một người bị bệnh tiểu đường, bác sĩ cho biết rằng không nên ăn nhiều cho dẫu là những món ăn không có nhiều đường vì khi mình ăn quá no thì cơ thể vẫn không thể hấp thu kịp, nó sẽ đẩy lượng đường vào trong máu. Do đó, nguyên tắc của người tiểu đường là phải ăn nhiều bữa nhưng không được ăn no. Vì vậy, người bị tiểu đường nếu được dọn một bữa ăn rất ngon nhưng ăn đến một mức độ nào đó thì phải tự biết ngừng lại. Khả năng tiết chế để không ăn nữa là một sự thách thức. Tương tự, đối với hành giả thì việc tiết chế trong ăn uống cũng nói lên nghị lực của vị ấy trong sự tu tập. Có những lúc chúng ta thọ đầu đà hay tham dự các khóa thiền, cả ngày chỉ ăn một bữa chính, bữa ăn đó đôi khi rất ngon miệng vì vậy đến lúc chúng ta bảo mình phải ngừng ăn thì thật là không phải chuyện dễ. Dường như ai cũng muốn ăn cho thỏa mãn, người ta gọi là mãn khẩu, và nếu mình ăn không cho nó mãn khẩu thì mình thấy có chút gì tiếc nuối. Nhưng hành giả phải có khả năng thấy rằng đã ăn vừa đủ no thì phải biết ngưng lại.

Chúng tôi có vài lần nói về sự khác biệt giữa văn hóa Trung Hoa và Ấn Độ trong việc ăn uống. Người Trung Hoa nói rằng ăn thì phải ăn cho hết, nếu ăn còn dư là có tội vì vậy khi ăn thì phải ráng ăn cho hết thức ăn. Nhưng người Ấn Độ thì khác, đặc biệt trong văn hóa Phật giáo là không ráng ăn mà chỉ ăn với mức độ vừa phải, nếu ăn không hết thì đổ cho chim, cho các loài vật khác ăn. Nếu cố ăn cho no, cho mãn khẩu, ăn cho phình bụng thì đó là điều không tốt. Trong Luật, Đức Phật dạy, khi ăn còn năm miếng nữa là no thì nên dừng lại, nói cách khác là ăn còn hơi lưng lững thì phải biết dừng lại. Sự tiết chế đó sẽ giúp hành giả kiểm soát được vấn đề ăn uống của mình. Về điểm này, những loài mãnh thú như cọp, sư tử – chúng ta không biết sức khỏe của chúng thực sự như thế nào - nhưng chúng có đặc tánh chung là không giành giựt quá độ như một số loài khác. Theo các nhà nghiên cứu thì các loài dã can, kên kên hay chạy theo những loài mãnh hổ này, bởi vì khi cọp hay sư tử giết một con vật để ăn, chúng chỉ ăn đủ no là bỏ đi, chứ không vì thấy các con vật khác đến rồi ráng dành phần, ráng ăn cho no. Đó là đặc tánh của con cọp. Đối với hành giả, khi nói đến ăn uống trong sự tiết độ thì cũng giống như loài cọp vậy, có nghĩa là ăn vừa với nhu cầu bản thân, ăn vừa phải chứ không ăn quá no, hay vì mãn khẩu mà ăn. Sự tiết độ này tạo cho hành giả nghị lực, và đây là một điều rất quan trọng.

Đặc tánh thứ tư mà ngài Na Tiên đề cập là cọp không biết khiếp sợ, cá tánh của nó là không biết sợ. Cọp là mãnh thú, đôi khi người ta gọi nó là chúa sơn lâm, đôi khi người ta gọi nó là mãnh hổ.

Nó có một thái độ rất rõ ràng đối với các con thú khác. Tương tự như vậy, hành giả được xem là không biết sợ trước những phiền não của mình, phải có sự hiểu biết đạt đến tinh thần vô úy. Về điểm này, trong Kinh điển gọi là tinh cần, không biếng nhác. Sự tinh cần trong đạo Phật nói đến thái độ rõ ràng trước cái nào là thiện, cái nào là bất thiện. Một người có thái độ không phân biệt giữa thiện và bất thiện, hay gọi là lấp lửng, thì gọi là không tinh cần. Thiện là thấy cái nào đúng thì quyết tâm làm, điều nào là bất thiện, sai trái thì quyết tâm từ bỏ chứ không hững hờ, lấp lửng, phải có thái độ rõ ràng. Chính thái độ rõ ràng như vậy sẽ giúp cho hành giả không nhọc nhằn trong việc tu tập và giúp cho hành giả vượt qua những cạm bẫy, trong đạo Phật gọi đó là không giải đãi, bởi vì hành giả thấy thiện và bất thiện rất rõ ràng. Ví dụ, thông thường một người mà thiếu kinh nghiệm thì người ấy không thể phân biệt được cái gì là lợi hay bất lợi, và do không phân biệt được điều này, người ấy sẽ không có thái độ dứt khoát giữa điều lợi ích nên làm và điều không lợi ích, phù phiếm không nên làm. Nhưng một khi người ấy đã có sự phân biệt thì người ấy có thái độ của người có kinh nghiệm, cái đó trong đạo Phật gọi là tinh tấn hay tứ chánh cần. Đó là thận cần, trừ cần, tu cần, bảo cần, nghĩa là người đó biết ngăn ngừa, biết diệt trừ ác pháp và biết làm cho thiện pháp sanh khởi, biết bảo dưỡng thiện pháp. Nếu hành giả còn lấp lửng, không có thái độ rõ ràng, dứt khoát giữa thiện và bất thiện tức là hành giả không có đủ tinh thần vô úy.

Tại sao dáng đi của con cọp, sư tử lại hùng dũng, đẹp hơn những sinh vật khác? Đó là vì nó có đủ sức mạnh nội tại, nói đơn giản là vậy. Một hành giả trong sự tu tập phải có một thái độ rõ ràng, mạnh mẽ với bản thân mình. Việc này đôi khi không dễ dàng cho chúng ta, bởi vì trong cuộc sống, trong xã hội ngày nay, hầu như mọi thứ đều xây dựng trên một tinh thần hòa hoãn. Ở đây không phải chúng ta muốn nói đến sự cực đoan mà muốn nói đến một thái độ dứt khoát. Không những có thái độ dứt khoát rõ ràng mà chúng ta còn biết mình phải làm gì với điều đó. Đây là đặc tánh của con cọp và là đặc tánh của một hành giả.

Nói đến bốn điều này như nhắc nhở chúng ta nhớ lại lời của Đức Phật dạy là sống độc cư một mình, khéo phòng hộ các căn, ăn uống có tiết độ, không biếng nhác tinh cần. Đó thực ra là giới bổn của chư Phật, chư Phật ngày xưa dạy điều đó. Từ tinh thần độc lập của một người sống độc cư đến tinh thần phòng hộ không để cho các căn, cảnh liên hệ đến tự ngã, cho đến cái nghị lực biết tiết chế vừa phải trong nhu cầu, tiết độ trong ăn uống và sau cùng là một thái độ rõ ràng với thiện pháp và bất thiện pháp hay biếng nhác, không tinh cần. Không biếng nhác, tinh cần là sống một cách rõ ràng, chúng ta có thể hiểu rằng đó là một cái thế của một chiếc ghế có bốn chân, nó giúp hành giả có sự thăng bằng, vững vàng và tiến tới.

Vì vậy, khi nói về hạnh tu như cọp, ngài Nàgasena (Na Tiên) hàm ý nói đến một điều là sự thuần tánh của con vật, nghĩa là nó sanh ra như vậy, bản năng nó như vậy và cái thái độ nó như vậy. Hành giả tu tập đến một lúc nào đó cũng phải có những đặc tánh đó khi đương đầu với phiền não.

Khi nói về hạnh tu như cọp, ở đây chúng ta nên nói thêm là trong mỗi nền văn hóa có một cái nhìn khác nhau. Thí dụ con dơi trong xã hội Tây phương tượng trưng cho loài ma quỷ, nhưng con dơi trong văn hóa Trung Hoa được cho là phúc, tượng trưng cho phước. Con ngỗng trong văn hóa Tây phương tượng trưng cho sự lãng mạn nhưng con ngỗng trời trong đạo Phật lại tượng trưng cho sự giải thoát. Đức Phật đưa ra hình ảnh ngỗng trời rời ao. Trong nền văn hóa Trung Hoa, Việt Nam nói đến ong, bướm hút mật thì tượng trưng cho sự không đàng hoàng của người đàn ông, nhưng ong hút mật trong Kinh điển đạo Phật là hình hảnh tự lợi và lợi tha của vị Tỳ kheo trì bình khất thực:

“Như ong đến với hoa

Không hại sắc và hương

Che chở hoa, lấy nhụy

Bậc Thánh đi vào làng” (Kinh P.C-49)

Tương tự, trong nền văn hóa của chúng ta, phần đông chúng ta đều sợ cọp nhất là những người sống trong làng mạc xa vắng. Chúng ta thường nói dữ như cọp để ám chỉ một người bản tánh hung dữ.

Tuy nhiên trong xã hội Ấn Độ thì cọp là loài mãnh thú rất thường thấy, và ngài Nàgasena nhân đó mới nói lên những đặc tánh, có thể nói là rất nổi bật của loài cọp, để giúp chúng ta liên tưởng đến những pháp tu mà Đức Phật gọi là những thiện xảo của một hành giả trên đường tu tập.

Mỗi người rồi một ngày nào đó cũng phải ra đi, phải đối diện với cái chết. Hôm nay, nhân nói đến điều này, tôi muốn nhắc lại thời điểm mà Hòa thượng Hộ Giác nằm trên giường bệnh. Hình ảnh một người trong giây phút cuối cùng của cuộc đời mà bên cạnh mình bao quanh là chư tăng, phật tử, những người rất thương mến mình là một cảnh hiếm thấy. Tuy nhiên hình ảnh này cũng cho chúng ta thấy sự vô hộ, vô chủ của cuộc sống. Cho dù lúc đó bao quanh ngài là bao nhiêu người thương, bao nhiêu người thân thì ngài vẫn phải ra đi một mình, ngài phải đối diện với cái chết một mình và ngài phải tự cứu lấy chính mình, những người khác nhiều lắm là tụng cho ngài một câu Kinh, đọc một vài đoạn Kinh Tứ Niệm Xứ hay là những lời cầu phước cho ngài, nhưng hơn ai hết, chính ngài, ngài phải tự ra đi.

Con người thường hay nghĩ rằng mình sẽ được sự hỗ trợ của người thân, chăm sóc của xã hội trong giây phút cuối đời, nhưng Đức Phật rất nhiều lần nói với chúng ta rằng trong cuộc hành trình sanh tử luân hồi thì mỗi người chúng ta, ngay cả hai chị em sinh đôi, hai người đã gắn bó với nhau suốt cả cuộc đời, dù vậy khi đi qua nhịp cầu sinh tử thì ai cũng phải đi một mình. Đó là độc lộ trường thiên tức là con đường dài mà mỗi người phải đi một mình. Đừng bao giờ nghĩ rằng người này sẽ nâng đỡ cho người kia, người kia sẽ nâng đỡ cho người nọ. Tại sao trong dòng lịch sử của loài người, con người hay thờ phượng Thượng đế, con người hay sùng bái các đấng thiêng liêng cao cả? Tại vì con người rất sợ đi một mình, con người muốn có một đấng thiêng liêng nào đó giúp ta đi qua những nhịp cầu đó. Nhưng cái khác biệt lớn nhất của đạo Phật với các tôn giáo khác đó là đức Phật dạy rằng “các đấng Như Lai chỉ là bậc Đạo Sư, các con phải tự nỗ lực”. Điều này có nghĩa rằng Đức Phật, Ngài sẽ không nắm tay chúng ta, không đem kiệu đến để rước chúng ta, trái lại Đức Phật dạy rằng những gì Như Lai cần làm cho các con, Như Lai đã làm rồi, tức là những lời dạy của Ngài, chúng ta phải biết dùng những lời dạy của Ngài để mà trang bị cho hành trang lên đường.

Khi chúng ta đọc lên bốn điều sống độc cư một mình, khéo phòng hộ các căn, ăn uống có tiết độ, không biếng nhác tinh cần trong giới bổn, ở đây là nói xuyên qua bốn đặc tánh của loài cọp, chúng ta phải hiểu rằng tự mình phải trang bị, tự mình phải có bản lãnh và tự mình phải chấp nhận. Chúng sẽ đối diện với cái chết vậy chúng ta phải chuẩn bị như thế nào trong cuộc hành trình đó... 

Giác Đẳng

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét

Có viết cho nhau cả vạn lời,
Rằng thương rằng nhớ để rồi thôi,
Chi bằng trên đường đời vạn nẻo,
Sống Để Yêu Thương thế đủ rồi...