"TÁM CHUYỆN"

Có một cậu học trò bé tí. Ðến trường nghe cô giáo kể chuyện ngụ ngôn về “con chó sói và con cừu non,” cậu tin chắc chắn rằng con sư tử và cừu đều biết nói, hai con thú ấy đã đứng bên một dòng suối trong khu rừng nào đó, đối đáp với nhau, cô giáo thông thái của chú đã nghe và thấy được rồi kể lại cho học trò.

Lớn lên một chút, chú biết phân biệt, phán đoán ràng rẽ rằng:

Ðó là một câu chuyện láo toét, hoàn toàn bịa đặt, không hề xảy ra trên hành tinh này.  Sói mà gặp cừu là vồ ngay, cừu thấy sói là bổ nhào mà chạy chứ làm gì có việc đứng nói chuyện dang ca với nhau.

Mãi đến lúc thành nhân, phải tương giao với xã hội… chú mới thấm thía, gật gù nhớ đến câu chuyện năm xưa:

- Phải rồi!  Cái lý của kẻ mạnh bao giờ cũng thắng.

Vấn đề có hay không, thật hay hư của câu chuyện “sói và cừu” không cần thiết… vì chú đã hiểu rõ ý nghĩa của người đặt ra câu chuyện ấy.

********

Hãy nương vào hướng tay chỉ để thấy trăng (sự thật) chứ không phải năm ngón tay là trăng (sự thật).

Một con chó thấy động đậy tại nơi bụi rậm liền ra sức kêu gào, dí mỏm vào sủa rang. Cả bày chó hàng xóm nghe thấy, cùng chạy ra cùng cất cao và cùng hát theo khúc hát "gâu, gâu" thật hứng khởi. Cuối cùng cũng chỉ là cục đá được con người ném ra một cách có chủ ý.

Đấy đấy! ban đồng ca "bao gồm các chú đốm, chú vằn, cô vện, chị bắc kinh, anh nhật... cứ hòa nhịp khi cục đá cũng chỉ là cục đá (sự thật), chẳng động đậy, nằm im lỳ. Hát riết hết hơi, chán nản các cô chú, anh chị mới chia tay, ai "dề" nhà nấy. Thỉnh thoảng có vài chú nhắt cái cẳng sau lên, "xịt" vào đó chút nước cho bỏ ghét rồi mới bỏ đi.

Xã hội loài người, mỗi năm lại viết vào cuốn từ điển tiếng việt không cần thẩm duyệt thêm những từ mới. Gần đây nhất có thêm khẩu ngữ "bà tám". Mỗi lần, vợ chồng, bạn bè, huynh đệ, bà con, dòng họ... ngồi lại với nhau thì "bà tám", "anh tám", "chị tám", tám một hồi xa lắc xơ lơ cái mặt trăng tròn tròn, nghiêng ngiêng trên đầu ngọn núi.

Kết thúc "chiện tám" thật có hậu! Có khi giận hờn chia cách, lại có lúc cấu gắt chuyện không đâu, lắm khi nhăn nhó làm trò, lắm lúc lại bò ra dẫy nãy...... bởi lẽ, khi ngồi tám, người ta chỉ lo tranh hơn tranh thua lý lẽ với nhau mà quên đi cái đánh mất là sự thật, là tình cảm, là lợi ích chung và cuối cùng là sự đánh mất chính mình, là sự tổn thương mà chính mình phải chịu.

Cuối cùng ngụ ngôn vẫn là ngụ ngôn, chân lý vẫn là chân lý, chẳng thể rớ tới, chẳng thể tìm thấy, vì vầng trăng sáng vẫn xa xa trên đầu ngọn núi quá tầm tay với...


Chuyện ngụ ngôn nào cũng vậy, và cái thâm thúy của ngụ ngôn vẫn thế. Tùy mọi người, tuỳ hoàn cảnh, tuỳ lãnh vực, tuỳ tôn giáo, tuỳ trình độ - căn cơ, ai muốn hiểu sao thì hiểu, vì nó vẫn là chuyện ngụ ngôn phải không?