Vua Kinh có một người thiếp rất xinh đẹp
mà vua đặc biệt sủng ái. Hoàng hậu thấy vậy cũng đem lòng yêu mến cưng chìu mỹ
nhân này như con gái yêu của mình. Một hôm hoàng hậu bảo người thiếp:
- Bệ hạ bảo em rất xinh đẹp, duy có chiếc
mũi hơi thô. Nếu em tìm cách che mũi đi mỗi khi diện kiến ngài thì chắc bệ hạ sẽ
yêu em hơn.
Thiếu nữ ngây thơ tin lời. Mỗi khi giáp
mặt vua, nàng thường dùng một chiếc khăn lụa che mũi. Vua trông thấy thế ngạc
nhiên hỏi hoàng hậu. Hoàng hậu nhất định không nói. Vua gạn hỏi mãi, bà mới
thưa:
- Muôn tâu thần thiếp nghe cô ta bảo rằng
mồ hôi của bệ hạ có mùi khó ngửi quá! Xin bệ hạ rộng lòng dung thứ cho…
Vua nổi giận lôi đình, truyền cắt mũi mỹ
nhân. Hoàng hậu chỉ chờ có thế, liền sai một người tâm phúc đang chực sẵn, thi
hành ngay mệnh lệnh.
Nàng ái thiếp bị thất sủng từ đó.
Tham sân và tật đố là những thứ phụ tùng
mà ai ai cũng có. Vua Kinh yêu mến nàng ái thiếp là do lòng tham lam háo sắc mà
ra. Hoàng hậu hại nàng là do tâm tật đố ganh ghét. Và vua truyền lệnh cắt mũi mỹ
nhân là do lòng tự ái - tự yêu mình - bị tổn thương nên đổi thành sân hận. Mối
tương giao của loài người chúng ta được lập cước trên những tâm vô thường như
thế…những thứ tham lam, sân hận, ganh ghét trá hình. Nếu bây giờ, có ai bảo với
chúng ta điều gì thì phải coi chừng cái lỗ mũi của mình và lòng đố kỵ của người
chung quanh đấy!