CÂY ĐÈN ĐÃ TẮT

Xưa, có một chú bé bị mù cả hai mắt, mỗi khi đi đâu chú đều cầm gậy dò đường. Ngày và đêm, chú đều phải sống trong bóng tối như nhau. Một hôm, chú bé đến thăm bạn, lúc ra về trời đã tối, người bạn đốt một chiếc lồng trao cho chú, chú bé cười nói:

- Tối hay sáng đối với tôi đều như nhau, anh trao đèn cho tôi làm gì?

- Ðành rằng anh không cần đèn, nhưng người khác nhờ cây đèn này mới không đâm bổ vào anh chứ.

Chú bé mù cầm đèn ra về. Ði được một quãng chú bị người khác đụng phải, chú bé tức giận quát: 

- Bộ đui sao mà không thấy cây đèn của người ta?

Người kia cười to: 

- Ðèn của anh tắt rồi, anh đui ơi! 

==    =  = =    ==

Bình thường, cậu bé mù có thể đi đường vào ban đêm cũng như ban ngày bằng kỹ năng đặc biệt mà cậu từng luyện tập. Nhưng khi được trao cây đèn, thay vì phối hợp cả hai thì cậu bé lại dựa hẳn vào cây đèn mà bỏ qua tài năng dò đường khéo léo của mình. Không thấy được chân tướng của cây đèn, không hề biết nó còn dầu nhiều hay ít hoặc có thể sẽ bị gió thổi tắt bất cứ lúc nào, vậy mà cậu bé cứ tin tưởng vào nó một cách tuyệt đối. Đến khi ngã một cú đau điếng rồi mà cậu bé vẫn chưa hay cây đèn đã tắt, lại còn đổ thừa kẻ khác. Thật tội nghiệp!

Nhìn lại bản thân chúng ta cũng thế, chúng ta cũng có thể tìm thấy giá trị hạnh phúc bằng chính những kỹ năng đã được rèn luyện của mình trong cuộc đời. Thế nhưng từ khi cuộc đời tạo ra quá nhiều "cây đèn" tiện nghi vật chất và tinh thần, chúng ta đã mê mẫn và bám chặt vào chúng. Chúng ta dành hết thời gian, năng lực để sắm sửa và nâng niu chúng. Chúng ta tức giận hay thù nghịch nhau cũng vì chúng. Ta loanh quanh hết cả kiếp người cũng vì chúng. Chúng ta để cho những thứ phương tiện tạm thời ấy biến thành mục đích chính của cuộc sống, mà quên mất bản chất của những "cây đèn" ấy luôn bị chi phối bởi hoàn cảnh.

Như chúng ta vẫn thường thấy tiền bạc rồi cũng có lúc đầy lúc vơi, danh dự thì cũng có khi vinh khi nhục, sắc đẹp cũng có lúc hấp dẫn rồi phai tàn và đến lúc chán chường. Khi đánh mất hay không còn yêu thích những cảm xúc ấy nữa, chúng ta mới thấy nương tựa nơi chính mình là an ổn nhất. Tiếc thay, những phẩm chất quý giá trong tâm hồn chúng ta khi ấy có thể đã bị chai cứng trong quá trình chúng ta nạp vào những cảm xúc hưng phấn từ bên ngoài.

Khoa học kỹ thuật càng phát triển thì con người càng có nhiều cơ hội để dựa dẫm vào máy móc. Ai mà chẳng thích sự tiện lợi? Ở những nước kinh tế phát triển cao thì những việc cỏn con người ta cũng dùng đến máy móc. Máy móc gần như trở thành một phần tất yếu của cuộc sống. Nhưng càng dựa vào máy móc bao nhiêu thì chúng ta càng đánh mất khả năng vốn có của mình bấy nhiêu. Nhiều cuộc khảo nghiệm cho thấy hầu hết những người "nghiện máy móc" thường rất lười biếng vận động tay chân, lười biếng ghi nhớ và tư duy sâu. Do đó, số lượng bệnh nhân ngày càng gia tăng và số người đãng trí cũng gia tăng.

Chúng ta cũng rất tin vào bảo hiểm. Tưởng công ty bảo hiểm đã lo thì mọi lĩnh vực sinh hoạt của chúng ta sẽ đều rất an toàn, chỉ cần kiếm tiền đưa cho công ty bảo hiểm là được. Nhưng sự thât là công ty bảo hiểm chỉ trả những khoản phí tổn khi chúng ta gặp những tai nạn rủi ro mà thôi, họ không thể giúp chúng ta lành lặn hay chia sẻ những vấn đề sâu sắc. Thế nên, khi cần phải kiên nhẫn lắng nghe người khác hay làm chủ cảm xúc nóng giận của mình thì chúng ta hoàn toàn không có một kỹ năng nào để ứng phó. "Cây đèn của anh đã tắt rồi anh đui ơi!"

Để hồi sinh lại khả năng, chúng ta tìm đến các giá trị đạo đức, các học thuyết từ trong tôn giáo phục hồi. Thế nhưng, vì thói quen bám víu dựa nương, nên một lần nữa chúng ta lại rơi vào những "cây đèn" niềm tin vô hình. Đây cũng là bệnh chung của đa số tín đồ các tôn giáo.
Sau những thất bại nặng nề do những tranh chấp trong cuộc sống, nhiều người tìm tới môi trường tâm linh nương tựa, họ lại tin rằng đối tượng lần này là những bậc thánh, nên chắc sẽ không làm cho họ thất vọng như con người. Nhưng thái độ nương tựa đã biếng thành dựa dẫm khi họ chỉ có niềm tin mãnh liệt mà bản thân không hề có sự luyện tập và chuyển hóa nào. Tu tập mà ngày càng đánh mất niềm tin vào chính mình, phó thác cuộc đời, phó thác hạnh phúc và tương lai đời mình cho các pho tượng, cho các ánh đèn hào quang chớp tắt để được cứu rỗi về Niết bàn, về Thiên Quốc - Cực Lạc thì đó chắc chắn không phải là thái độ tu tập đúng đắn.

Trong giáo lý Đạo Phật, Đức Phật Thích Ca có dạy một câu rất hay: "Này các vị, hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi". Thế nhưng, suốt chiều dài lịch sử hơn 2500 năm, người ta đã không làm như lời Ngài đã dạy. Vì bản tính lười biếng, yếu đuối, nương nhờ, trông cậy, nên thay vì tìm đến chánh pháp để mồi lấy ánh sáng để "tự lực" thì người ta ỷ lại, trông chờ mưa móc qua các hình thức cúng lễ, cầu xin bằng những cây đèn "tha lực".

Tuy vậy, cũng có những người siêng năng nghiên cứu và thậm chí học thuộc rất nhiều giáo lý thâm sâu, rồi cố tạo cho mình cách nhìn hay cách sống thật khác với mọi người trong khi bản chất nương dựa không đổi. Họ quên rằng, giáo lý chỉ có giá trị như tấm bản đồ hướng dẫn con đường đi tới hạnh phúc. Tự bản thân giáo lý không phải là hạnh phúc. Cho nên, để tạo cho mình một chân dung đẹp đẽ, một kiểu tô vẽ cho cái tôi đầy tự hào và cách biệt với mọi người bằng các hình thức bên ngoài đó chỉ là thái độ bấu víu, nương nhờ, một sự "ăn mày chân lý" đáng thương.....