TẠI SAO NGƯỜI GIÀ NHỚ QUÁ KHỨ MÀ QUÊN HIỆN TẠI?

Những người có tuổi trí nhớ thường không được tốt. Đây là chuyện bình thường. Nhưng, biết bạn có phát hiện ra, khi nhắc đến những chuyện trong quá khứ, người già dường như nhớ rất rõ, thậm chí cả những chuyện mà chúng ta cảm thấy rất nhỏ nhặt họ vẫn nhớ như in. Tại sao lại như vậy?

Điều này có liên quan đến chức năng của não. Não cũng giống như một thư viện, các sự việc mà chúng ta nhìn thấy hàng ngày đều được phân loại, sắp xếp vào những vị trí khác nhau. Mắt có vai trò như một nhân viên đăng ký và thần kinh thì giữ vai trò như một nhân viên quản lý thư viện. Não chúng ta chính là một kho sách lớn. Sự kết hợp giữa mắt, thần kinh và não là một chuỗi phản xạ có điều kiện. Nếu như công việc thuận lợi, chúng ta có thể ghi nhớ những thứ đã nhìn thấy, nghe thấy. Khi bạn nghĩ đến một việc nào đó, tức là nhân viên quản lý thư viện đến kho sách giúp bạn tìm thấy tin tức lưu giữ ở đó. Nếu như không nhớ ra, thì nguyên nhân là do nhân viên thư viện không tìm thấy thứ bạn cần.

Khi chúng ta còn trẻ, nhân tố trên làm việc hết sức hiệu quả. Chỉ cần bạn có nhu cầu, chúng sẽ thực hiện nghiêm túc. Nhưng, cùng với sự gia tăng của tuổi tác, hiệu quả làm việc của thư viện giảm sút, không thể tiến hành phân loại, lưu trữ đối với những tin tức mới thu thập, thường bỏ nó vào ngăn giấy lộn, khoảng 90% là tìm không thấy hoặc tìm thấy nhưng không hoàn chỉnh. Ngược lại, khi tìm những thông tin cũ, thư viện có thể bảo đảm sự hoàn chỉnh của thông tin. Điều này chứng minh người già nhớ quá khứ mà không nhớ hiện tại.


Điều cần thiết chỉ ra là, không phải tất cả người già đều gặp phải vấn đề về trí nhớ. Đối với những người thường xuyên động não, lại sức khoẻ tốt thì vỏ não của họ vẫn có thể tiếp nhận thông tin mới, có thể nảy sinh phản xạ có điều kiện mới. Nhưng, đối với những người có tuổi mà tế bào thần kinh não đã thoái hoá, nhân viên quản lý thư viện của họ thường xuyên phạm sai lầm, không chỉ không nhớ được sự việc hiện tại mà ngay cả những việc trong quá khứ cũng quên luôn.