Ngày xưa ở Trung Quốc phạm
nhân thường bị cạo đầu, cắt râu. Các đời Tần, đời Hán thường dùng hai hình phạt
này. Việc cạo đầu phạm nhân gọi là "khôn hình" còn cắt râu gọi là
"nại hình" - về mức độ thì khôn hình nặng hơn nại hình.
Ngược lại, người bình thường
dù là nam hay nữ cũng đều để tóc dài. Con trai đến 20 tuổi phải được làm lễ đội
mũ (quán lễ), tức nghi thức kéo bộ tóc dài lên cao và búi lại - rồi đội mũ lên
để biểu thị là đã trưởng thành. Vì thế con trai hai mươi tuổi được gọi là “nhược
quán”.
Còn con gái đến mười lăm tuổi
thì cử hành "lễ cài trâm" (kê trâm tử lễ). Trong nghi thức này người
ta cuộn tóc thành một búi, rồi cài thêm một cái trâm vào, để biểu thị là đã trưởng
thành. Vì thế con gái mười lăm tuổi cũng được gọi là "cập kê".
Như vậy có thể thấy, chữ
"kết tóc” vốn dĩ dùng để chỉ con trai con gái đã đến tuổi thành niên.
Đến đời Hán, Tô Vũ có câu
thơ:
Kết phát vi phu thê,.
Ân ái nhi bất nghi.
(Kết tóc thành vợ chồng,
Ân ái mà không nghi ngờ).
Về sau vì có câu thơ này cho
nên "kết tóc” lại còn có nghĩa là kết hôn và cũng chỉ người vợ.
Con trai con gái, sau khi kết
tóc được coi là đã trưởng thành, có thể tính chuyện hôn nhân. Và những người kết
hôn gọi là vợ chồng kết tóc.
Về sau, người ta gọi những cặp
vợ chồng kết hôn lần đầu tiên sau khi trưởng thành là "kết phát phu
thê" (vợ chồng kết tóc). Nếu kết hôn lần thứ hai thì bên nam gọi là
"tục huyền" (nối lại dây đàn), bên nữ gọi là "tái tiếu” (lại uống
rượu cạn chén). Như vậy không phải là vợ chồng kết tóc nữa.
LƯU CHÍNH HƯNG