ĐỪNG BIẾN QUAN ĐIỂM KHÁC NHAU THÀNH MÂU THUẪN

Bạch Thầy, con có một bé gái lên 5 tuổi và 1 bé trai 18 tháng. Vợ chồng con và các cháu sống cùng gia đình nhà chồng. Bố mẹ chồng con rất tốt, hết lòng chăm sóc các cháu. Tuy nhiên thời gian gần đây, giữa con và gia đình nhà chồng (bao gồm cả chồng và bố mẹ chồng) nảy sinh rất nhiều mâu thuẫn bắt nguồn từ việc giáo dục 2 cháu bé.

Con muốn cho bé trai đi nhà trẻ thì ông bà bảo còn quá nhỏ, mẹ phải nghỉ làm trông con đến khi nó được 3 tuổi mới được đi làm. Con thấy như vậy không hợp lý vì trẻ cần đi học nhà trẻ, mẫu giáo để được chơi và học cùng các bạn đồng trang lứa. Bản thân con cũng phải đi làm kiếm tiền chứ không thể bỏ hết sự nghiệp chỉ để ở nhà trông em bé được. Về bé lớn còn nan giải hơn: Con muốn cho cháu học ở các trường Mầm Non dân lập, cơ sở vật chất tốt, lớp vắng các cô giáo có thể dành nhiều thời gian chăm sóc cho trẻ hơn, nhưng chồng và bố mẹ chồng kiên quyết cho cháu gái đi học ở trường quốc lập với sĩ số gần 70 bé. Ở lớp học của bé cô giáo thường tát các bé, dọa móc mắt, khâu mồm mỗi khi trẻ hư,…

Con gái của con đêm nào về cũng mơ thấy ác mộng và khóc. Sáng ra bé không chịu đi học, sáng nào con cũng phải dỗ dành rất nhiều bé mới chịu lên xe đi học. Con đã nhiều lần năn nỉ để gia đình chồng cho con chuyển trường cho bé nhưng họ không đồng ý, họ bảo phải cho trẻ cọ xát, va đập với xã hội chứ không thể “sướng mãi” được. Họ luôn nói với nhau (vô tình con lại nghe được) rằng con hoang tưởng, con tự nghĩ ra những chuyện đó chứ thực tế chẳng có chuyện gì. Con thực lòng không hiểu logic của họ nhưng con không đi làm nên bị phụ thuộc kinh tế vào nhà chồng và không được quyết định bất cứ việc gì. Con cảm thấy vô cùng bất lực và chán nản, con mong Thầy cho con xin lời khuyên để thoát ra khỏi sự bế tắc này ạ. Con cảm ơn Thầy nhiều!
Lương Thanh Nga, Hà Nội

Đọc thư tâm sự của chị về các bất đồng giữa chị và gia đình chồng trong mối quan hệ với việc học của con chị, tôi xin chia sẻ chị một số vấn đề liên hệ như sau:

Đừng biến quan điểm khác nhau thành mâu thuẫn

Do khác nhau về quan niệm và cách giải quyết vấn đề đối với việc học tập của con chị, chị và cha mẹ chồng bao gồm chồng chị đang rơi vào tình trạng “nảy sinh rất nhiều mâu thuẫn”. Không khéo giải quyết các mâu thuẫn này có thể dẫn đến tình trạng mất vui trong gia đình. Đó là điều nên tránh và cần sự khéo léo của chị để hòa khí được duy trì trong gia đình một yếu tố không thể thiếu trong việc xây dựng hạnh phúc. Trong tình huống này, chị và gia đình chồng nên có chung cách tiếp cận và giải quyết vấn đề liên hệ đến việc học của trẻ. Có một số vấn đề chị cần phân bạch trong trường hợp này để có thể thoát ra khỏi ức chế “bị phụ thuộc kinh tế vào nhà chồng” nhờ đó “thoát ra khỏi sự bế tắc” hiện tại.

Việc thứ nhất, chị nên đi làm hay ở nhà chăm sóc con cho đến lúc con chị được 3 tuổi? Vấn đề tế nhị này thường gây ra những bất đồng ở các bên. Là một người năng động, chị có khuynh hướng gửi con vào trường mầm non để chị có thể đi làm. Cho dù đây là quyền thì chị cũng nên khéo léo thuyết phục gia đình chồng ủng hộ để khi đi làm, chị không phải đối diện những áp lực không cần thiết và việc không để dồn nén cảm xúc tiêu cực, vốn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân và hạnh phúc của gia đình chị. Sự khéo léo trong việc thuyết phục chồng và gia đình chồng sẽ giúp chị toại nguyện trong việc chủ động “phải đi làm kiếm tiền”, thay vì chỉ lệ thuộc bị động vào nguồn tài chính của gia đình chồng.

Việc thứ hai là nên cho trẻ học ở trường mầm non quốc lập hay trường dân lập? Thực tế, không có trường hợp tất cả trường công lập đều không đạt chuẩn các trường dân lập đều vượt trội. Vấn đề còn phụ thuộc vào khả năng tài chính của gia đình cũng như quan điểm của chồng và gia đình chồng chị. Do vậy, chị đừng quá lo lắng rằng học ở trường quốc lập với sĩ số trên dưới 70 cháu con chị sẽ không ngoan giỏi bằng các cháu được học ở trường dân lập. Một lớp học ít học sinh mầm non tuy có phần lợi thế hơn lớp học đông học sinh, nhưng đây không phải là điều tiên quyết giúp trẻ học giỏi và trưởng thành. Về việc thứ hai, chị nên xem xét các vấn đề dưới đây:

Phối hợp Ban giám hiệu chấm dứt bạo hành

Để khắc phục tình trạng trẻ bị “ác mộng và khóc” vì nỗi ám ảnh bởi các hành động hăm dọa, bạo hành của cô giáo như “thường tát các bé, dọa móc mắt, khâu mồm mỗi khi trẻ hư”, một mặt chị nên gặp cô giáo đó để trò chuyện và gửi gắm tâm sự của người mẹ có con bị cô giáo hăm dọa, để cô giáo ấy thức tỉnh, không tiếp tục các hành xử không thích hợp, mặt khác, chị nên gặp Ban giám hiệu của trường mẫu giáo nơi con chị đang học trình báo để có sự chấn chỉnh kịp thời.

Nếu có đủ bằng chứng, tôi tin rằng Ban giám hiệu sẽ có các hình thức kỷ luật phù hợp và kịp thời đối với các giáo viên có những hành xử không thích hợp, vi phạm nội quy của trường và đạo đức nghề nghiệp của một nhà giáo.

Tôi tin rằng trong bối cảnh nạn bạo hành học đường do chính các bảo mẫu và giáo viên nuôi dạy trẻ tạo ra đáng báo động hiện nay, không Ban giám hiệu nào khi có đủ bằng chứng lại bao che cho bảo mẫu/giáo viên có các hành xử đánh đập, dọa nạt, gây ám ảnh cho các cháu, ảnh hưởng đến tâm sinh lý của các cháu.

Khi sự việc được trình báo đến Ban giám hiệu, cô giáo có hành vi bạo hành sẽ bị kỷ luật, không thể tiếp tục hành xử không phù hợp. Lúc đó, chị có thể an tâm, tiếp tục cho cháu học ở trường quốc lập này. Điều này sẽ giúp chị và cha mẹ chồng không phải gặp các tình huống bất đồng, mâu thuẫn, vốn có thể làm rạn nứt hạnh phúc gia đình.

Giải tỏa ám ảnh bị bạo hành ở trẻ

Là bà mẹ có trách nhiệm, chị đã ý thức rằng các vấn đề mà con chị gặp ở trường đã khiến cho cháu bị căng thẳng và ám ảnh “không chịu đi học”. Ám ảnh đối với trẻ thơ là một hiện tượng tâm lý phổ biến, khi sự việc không như ý xảy ra và có khuynh hướng tái diễn. Vì là trẻ thơ, các cháu cũng nhanh chóng quên đi các tình huống không như ý, do các cháu chưa phát triển ý thức về bản thân mình như người lớn. Chị nên tâm sự và kể cho cháu nghe những kỷ niệm đẹp của bản thân lúc mới học mẫu giáo. Đồng thời, chị nên gợi mở để con chị thoải mái bày tỏ cảm xúc tích cực, vốn có thể giúp cháu tự khắc phục, đẩy lùi cảm giác căng thẳng, lo âu, sợ hãi để tiếp tục học ở trường công.

Trong trường hợp sau khi nỗ lực làm tất cả những việc cần làm nêu trên mà cháu vẫn bị ám ảnh, chị có thể yêu cầu Ban giám hiệu cho cháu đổi lớp học, đổi cô giáo. Việc tiếp xúc với cô giáo và bạn bè mới trong lớp học mới có khả năng giúp cháu sớm quên đi các ám ảnh nếu có trước đó. Nói cách khác, đừng nên tuyệt vọng khi chưa nỗ lực giải quyết vấn đề một cách có phương pháp và dứt điểm. Mọi trở ngại và thách đố đều có chìa khóa tháo mở.

Thay vì quá lo lắng cho những vấn đề mà thực chất nó có thể không nghiêm trọng như ta đang suy nghĩ, chị nên tin rằng bằng sự phối hợp với Ban giám hiệu nhà trường, tình trạng hành xử của cô giáo sẽ thay đổi theo chiều hướng tích cực để chị và cha mẹ chồng không bị mâu thuẫn quá lớn trong những chuyện không đến nỗi báo động đỏ như chị suy nghĩ. Nói cách khác, giải tỏa ám ảnh cho trẻ trong tình huống này vẫn quan trọng hơn là tranh luận với gia đình chồng về việc có nên đổi trường quốc lập sang dân lập hay không, đang khi chị không thể dễ dàng thuyết phục được chồng và cha mẹ chồng nghe theo quan điểm của chị.

Để việc đến lớp không là “cơn ác mộng”

Ngoài việc bị cô giáo dọa nạt, một số cháu có khuynh hướng xem việc đến lớp là một cơn ác mộng. Trong trường hợp của con chị, giả thiết này cũng không loại trừ. Bên cạnh các nỗ lực thông báo với Ban giám hiệu về cách hành xử của cô giáo, chị cũng nên hỗ trợ tinh thần cho cháu, giúp cháu không sợ chuyện đi học, ngược lại cảm thấy hạnh phúc khi được học chung với bạn đồng lứa tuổi.

Là một người mẹ, chị nên giúp cháu ăn mặc gọn gàng, chuẩn bị đầy đủ sách vở và các dụng cụ học tập cho cháu, hướng dẫn trẻ xếp sách vở vào cặp, để tạo thành thói quen thích đi học. Để giúp cháu vững tin về mặt tâm lý, chị nên chăm sóc sức khỏe cho cháu như uống vitamin, ăn thực phẩm đủ dưỡng chất, tối ngủ sớm và ngủ đủ giấc. Chị nên tăng cường sự tự tin cho cháu khi có mặt ở trường lớp mới, tạo cơ hội cho cháu được giao lưu với các bạn học cùng lớp. Ngoài ra, chị cũng nên giao lưu với cha mẹ của những cháu khác để trao đổi thông tin và kinh nghiệm chăm sóc trẻ và giúp trẻ vượt qua cảm giác sợ đi học và những nỗi ám ảnh ở trường lớp.

Khi có mặt trong môi trường mới, một số cháu dễ cáu nên sinh ra bướng bỉnh, số khác lại nhõng nhẽo, lo âu, nhất là các cháu gái. Từ nhỏ, chị nên tập cho cháu thói quen tự lập để sự tự tin được tăng trưởng. Trong tình huống này, việc “cho trẻ cọ xát, va đập với xã hội” theo quan điểm của gia đình chồng chị không phải là không hữu dụng, mặc dù chị có thể nghĩ là quá sớm! Thực ra, nếu chị phối hợp với Ban giám hiệu trong việc điều chỉnh thái độ hành xử của cô giáo, chị không phải tiếp tục lo âu rằng do hành xử đó mà con chị lo âu, không thích đến lớp học.

Thỉnh thoảng, chị nên vui đùa với cháu để giúp cháu giải tỏa các căng thẳng, lo âu. Trong mọi giao tiếp với trẻ, chị nên để lại ấn tượng đẹp và cảm xúc tích cực ở cháu, nhất là những ngày đầu cháu đến trường. Vì những ngày đầu đến trường có ấn tượng đẹp thì trẻ mới phát triển thói quen thích học được.

Để giúp cháu tự tin và thích học ở trường lớp, chị nên huấn luyện trẻ thói quen tập trung khi ngồi học tại nhà từ 10–20 phút. Chị nên dành thời gian để ngồi học cùng để cháu thấy việc học tập là nhu cầu mang lại hạnh phúc. Bằng cách này, con chị sẽ vượt qua các thử thách đầu đời trong những ngày đầu đến trường lớp.

Giúp trẻ thoát khỏi lo âu và sợ hãi

Trong nhiều trường hợp, một số trẻ do mắc chứng rối loạn lo âu khi đi học nên chị không nên quá lo lắng và ám ảnh về hành xử không phù hợp của cô giáo. Khi bị rối loạn lo âu tác động, nhiều trẻ phản kháng việc phải đến lớp. Một số cháu bị vã mồ hôi, đau bụng khi có mặt trong những ngày đầu ở trường lớp. Vì còn quá nhỏ, một số cháu không thể truyền thông với cha mẹ về chứng rối loạn này. Thông qua việc theo dõi các biểu hiện bất bình thường của trẻ, chị có thể nhận biết bệnh lý lo âu, đưa cháu đến gặp bác sĩ chuyên khoa tâm lý – tâm bệnh và điều trị bệnh, để giúp cháu nhanh chóng vượt qua.

Một số cháu có tâm lý lệ thuộc vào cha mẹ và người thân nên sự lo âu có thể làm cho trẻ sợ sự chia ly với cha mẹ, từ đó, vô tình rơi vào tình trạng hoảng sợ ở trường lớp. Do vậy, thay vì để cảm xúc giận dữ đối với hành vi sợ môi trường học của trẻ, chị nên tìm hiểu tâm lý của trẻ để tránh la mắng, đồng thời cảm thông, nâng đỡ cháu vượt qua nỗi lo âu và sợ hãi này.

Về phương diện tâm lý cũng khó tránh tình trạng lây lan cảm xúc từ cha mẹ qua trẻ. Với tư cách bị động và dễ bị ảnh hưởng từ cha mẹ, một số trẻ khi nhìn thấy cảnh tượng cha mẹ tất bật, căng thẳng dễ nghĩ rằng môi trường mà cha mẹ cháu cho cháu đi học sẽ là nơi không an toàn, từ đó, sinh ra lo lắng. Một khi sự lo lắng càng tăng dần, trẻ sẽ dễ bị rơi vào rối loạn tăng động, vốn làm giảm năng lực chú ý và hậu quả là trẻ sẽ không tập trung học tập, không thể ngồi yên trong lớp, mất sự kiểm soát hành vi, rơi vào tình trạng không hợp tác các bạn trong lớp.

Trong mọi tình huống, chị nên chủ động trò chuyện với cháu, nhằm giúp cháu tăng cường sự an tâm vốn rất cần thiết để tạo ra cảm giác hứng thú cho việc học của cháu tại trường với chúng bạn đồng lứa.

Với các nỗ lực nêu trên, tôi hy vọng rằng chị sớm tìm ra được giải pháp giúp con chị vững tin trong việc tiếp tục học ở trường mầm non cũ, nhờ đó, các bất đồng và mâu thuẫn với gia đình chồng sẽ sớm được kết thúc, theo đó, hạnh phúc gia đình được bền vững hơn.

Thích Nhật Từ