Trong cuộc sống này, mọi người ai cũng
có nghiệp chung, nên mới trở thành chồng vợ, cha con, anh em, bạn bè. Nhưng mỗi
người có nghiệp riêng, cho nên tính tình, sở thích, hoạt động cũng khác nhau.
Nếu sống mà ta không biết nhân nào đưa tới
quả khổ, nhân nào dẫn đến quả vui, ta cứ mặc tình tạo tác để rồi khi quả xấu đến
thì kêu trời trách đất, than thân trách phận, đổ thừa tại-bị-thì-là; đó là người
mê muội không biết tránh nhân, chỉ biết sợ quả, nên cuối cùng chịu nhiều bất hạnh,
khổ đau không có ngày thôi dứt.
Nghiệp là thói quen được lặp đi, lặp lại
nhiều lần tạo thành sức mạnh chi phối tất cả mọi sinh hoạt trong đời sống con
người từ khi mở mắt chào đời, cho đến khi ra đi vào những đời kế tiếp. Nếu
chúng ta tu mà không hiểu rõ về nghiệp thì khó mà ứng dụng tu hành đúng cách để
đạt tới chỗ giác ngộ, giải thoát hoàn toàn.
Chữ nghiệp trong nhà Phật không có nghĩa
là một chiều ác không, mà là lẫn lộn tốt và xấu. Kỳ thật, nghiệp cũng có lành,
dữ, tốt xấu, hay nghiệp chung và nghiệp riêng. Nghiệp riêng thì gọi là biệt
nghiệp và nghiệp chung thì gọi là đồng nghiệp.
Một chú tiểu rất thích tụng kinh và sám
hối mỗi ngày. Sáng hôm đó, sau khi tụng kinh xong, vì quá buồn ngủ nên chú
không đem cất quyển kinh mà bỏ ngay dưới nền.
Chú chuột cống cha chạy qua, thấy quyển
kinh liền thích thú nói, “sung sướng quá, vậy là có đồ lót chỗ cho má bầy trẻ rồi”,
miệng nói, chân liền tha quyển kinh vào nhà kho của ông bà chủ. Mẹ bầy chuột liền
hí ha, hí hửng chuẩn bị lót chỗ cho mấy sếp nhỏ nhà mình, bỗng dưng nghe tiếng
kêu“meo, meo” của chú mèo hàng xóm, đàn chuột sợ quá đành bỏ chạy mất tiêu mà bỏ
lại quyển kinh.
Mèo ta thấy quyển kinh khoái quá liền
leo lên khoanh tròn, đánh một giấc say sưa ngon lành. Sau khi ngủ xong, mèo
vươn vai ra chiều sảng khoái, rồi nói, “không ngờ có chiếc chiếu này êm quá”.
Nói xong, mèo ta cười ha hả ra chiều thoải mái lắm, và nó tiếp tục chuẩn bị đi
kiếm thức ăn bữa sáng.
Con chó lu lu đang ở ngoài sân, nghe tiếng
chít chít của đàn chuột liền chạy vào trong nhà, thấy quyển kinh đang nằm sờ sờ,
chó ta liền nghĩ thầm, “mình đem cái này cho chó phóc nhà ta chơi trò cút bắt
thì vui biết mấy”.
Chó nhà ta chơi xong, chúng chán nên bỏ
luôn quyển kinh nằm lăn lóc giữa đường, cu Tí đi học về thấy thế mừng quá reo
lên “a, mình có giấy làm diều bay và xếp ghe chơi rồi”. Thế là quyển kinh được
dán thành diều bay lượn trên trời cao, và những chiếc ghe cũng được ra đời,
trôi bồng bềnh trong ao nước.
Tới đây, quyển kinh đã được chia năm, xẻ
bảy, phần còn lại chúng được lũ mối xé nhỏ ra, tha về ổ để làm thức ăn.
Câu chuyện ngụ ngôn trên đã cho ta một
bài học lý thú của cuộc đời để nói lên việc chúng sinh ai cũng có nghiệp riêng
của mình, nên cái thấy của mỗi người không ai giống ai. Chỉ có một quyển sách
thôi mà chú tiểu gọi là kinh tụng hằng ngày, lũ chuột cho đó là đồ lót chỗ ngủ,
chú mèo thì khoái chí vì có chiếc chiếu để nằm, các chú chó dùng làm món đồ
chơi cút bắt, cu Tí làm diều bay, ghe chạy, và lũ mối cho đó là thức ăn.
Cũng đồng thời cái thấy, nhưng do nghiệp
riêng của mọi chúng sinh khác nhau, nên có sự thấy biết không giống mà sinh ra
cãi vã, tranh chấp, bất đồng quan điểm.
Cũng vậy, ai trong chúng ta khi sinh ra
đời, mỗi người đều mang theo nghiệp riêng của mình mà cùng sống chung với nhiều
người khác. Cho nên, ta cứ một bề chấp giữ và làm theo nghiệp riêng của mình mà
không thừa nhận nghiệp riêng của người khác, do đó mới có sự cãi vả, tranh chấp,
dẫn đến chửi mắng, đánh đập, rồi giết hại lẫn nhau......
(Trích trong "nghiệp chung nghiệp
riêng" - Đạt Ma Phổ Giác)