THÚ VUI NGHĨA LÀ CÁI VUI CỦA THÚ


Phong trào chơi đủ bộ chim-hoa-cá-đá vài năm qua lan rộng, từ thành thị tới thôn quê, đâu cũng có những ngôi nhà treo lồng chim lủng lẳng. Sáng sớm thong dong thưởng trà, nghe chim hót dưới giàn phong lan, ngắm mảnh vườn nhung xanh điểm vài gốc bonsai lạ mắt quanh hồ cá cảnh, non bộ chất chồng những khối đá thạch anh, mã não...

Tôi từng ngỡ đây là thú chơi thanh nhã, cho tới khi ngộ ra cái giá thật đắt mà môi trường phải trả cho kiểu chơi mà đám đông đang rầm rập lao theo. Đó là lúc đi giữa những khu rừng mênh mông nghèo kiệt không còn nghe tiếng chim lảnh lót, không còn tìm thấy dù chỉ một chùm hoa phong lan đong đưa. Là khi đến những dòng suối hoặc bãi đá vỡ nát vì bị khai thác bóc dỡ tan hoang. Khi chứng kiến cảnh “phu đá” đâm chém nhau để giành cho được vài viên opan vô tri, “phu cây” sẵn sàng liều tính mạng để gỡ cho được từng cụm thạch lan, từng gốc bonsai tự nhiên ngả mình bên mỏm núi chênh vênh, trăm năm sương gió...

Đã có lúc, tỉnh thành nào cũng có các tụ điểm bày bán đủ loại chim trời, từ loài hót hay, có thể luyện nói theo tiếng người như Nhồng, Yểng, Sáo, Khướu .... cho tới các giống chim xinh đẹp, sặc sỡ như Họa mi, Sả rừng, Chích chòe, Khướu má xám, Hút mật, Gõ kiến, Vàng anh... Thậm chí đến những loài thiên điểu quý hiếm như Sếu đầu đỏ, Hạc cổ trắng, Hồng hoàng, Đại bàng cũng có lúc đành chịu chết lần mòn cùng xiềng xích cho con người thỏa mãn cảm giác mình là chúa tể.

Nhiều người lại thích chơi cá hiếm, thú cưng. Giống càng quý lạ, khách chơi càng sẵn sàng chi trả. Ngoài nguồn chim-thú-cá bị đánh bắt từ sông, suối, biển, hồ, càng hoang dại càng có giá. Với các loài thú dễ dàng sinh sản như chó, mèo, thỏ, nhím, chuột Hamster, vấn đề chỉ ở chỗ vệ sinh, phòng dịch. Nhưng với những loài “một đi không trở lại” như Cù lần, Sóc bay, Nhện cảnh, Tắc kè hoa, sinh vật nước ngọt, hải sản độc đáo bị rình rập, giăng bẫy, dồn đuổi đến kiệt cùng.

Nhân tính nhiễm độc

Cuộc chơi càng trở nên nguy hiểm, lây lan căn bệnh vô nhân tính, khi nhiều người lấy việc sát sinh làm trò vui, và những người khác trở nên dửng dưng với cảnh tượng tàn nhẫn thường thấy. Từ tuổi bé thơ, tôi đã kinh dị la hét phản đối khi thấy bọn trai trẻ lăm lăm cây ná hoặc khẩu súng hơi trên tay, rình bắn bất cứ con chim sẻ, chim én bé xíu nào đậu trên dây điện, nhánh cây.

Gần nửa thế kỷ qua rồi, thế giới thay đổi biết bao, nhân loại bước lên nhiều nấc thang văn minh hơn, vậy mà trò chơi vô ý thức đó vẫn tái diễn với những lớp người mới, mức độ bạo tàn hơn nữa. Trên nhiều cung đường đông người lại qua nhiều tỉnh phía Nam, tôi hãi hùng quay mặt trước những người bán chim thản nhiên cầm đèn khò thiêu sống từng bó chim non bị trói chặt, mặc chúng giãy giụa kêu thét trước sự vui đùa thỏa mãn của số thực khách.

Còn phía Bắc, chim thú không chỉ bị tập trung bày bán, xẻ thịt ở các phiên chợ vùng cao từ Mường Khương, Bắc Hà, Cán Cấu (tỉnh Lào Cai-Tây Bắc), sang chợ Đông Kinh, Bờ sông (Lạng Sơn- Đông Bắc); mà dọc quốc lộ qua nhiều tỉnh, tùy mùa, tôi còn thấy nhiều loài chim hiếm bị bắn chết, treo cổ tòng teng trên nhành cây cắm bên đường chờ dân nhậu. Có lần qua Lai Châu, bất nhẫn quá, tôi xin bác tài ngừng xe, chạy lại hỏi đám bán chim: Sao các em treo cổ chim tội vậy? Đám thanh niên cười ồ “Úi, treo vậy người ta mới tới mua chứ! Nó chết rồi không biết đau đâu!”

Rất nhiều hàng quán dọc đường đất nước tới bây giờ vẫn trưng bày những kệ rượu lớn, bình nhỏ thì ngâm rắn, rết, tắc kè, cá ngựa, bìm bịp. Bình lớn hơn, dung tích từ vài chục tới cả trăm lít thì ngâm hà nàm (bào thai), thậm chí ngâm nguyên cả con thú còn đủ lông lá, sừng, vảy, cuộn tròn hoặc dạng chân tênh hênh khoe bộ phận nhạy cảm để quảng cáo “uống gì bổ nấy”.

Riêng cách săn bắt bìm bịp chỉ nghe đã kinh dị rồi. Chẳng biết “tối kiến” này sản sinh tự bao giờ, mà ai quan tâm cũng thuộc làu, làm theo. Những chú chim cánh nâu, thân đen, thích ăn thịt rắn con thường làm tổ trong bụi rậm gần đầm lầy, sông suối. Khi tìm thấy tổ, kẻ săn chim bẻ gãy chân chim non bỏ đó, mặc nó kêu la thảm thiết. Bố mẹ chim sẽ tìm các loại lá thuốc về đắp cho con mau lành vết thương. Kẻ săn thường bẻ chân mỗi bé chim tới 2-3 lần như vậy, với niềm tin để chất thuốc ngấm nhiều hơn, rồi mới chính thức bắt chim vặt lông, bẻ cổ, mổ bỏ phủ tạng ngâm vào rượu mạnh nhằm... bổ thận tráng dương.

Hỡi ôi, bổ đâu chưa thấy, chỉ thấy nhân tính tiêu tan theo đà giết chóc! Ai chứng minh được “tráng dương” hơn, khi buộc quả thận của chính mình phải lọc thêm biết bao độc chất từ những bình rượu chứa đầy sinh linh thê thảm đó?

—————

Đấng tạo hoá lúc này cần phải sàng để lọc ra những người hết nhân tính?

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét

Có viết cho nhau cả vạn lời,
Rằng thương rằng nhớ để rồi thôi,
Chi bằng trên đường đời vạn nẻo,
Sống Để Yêu Thương thế đủ rồi...