TỰ ÁI SAI LẦM LÀ TỰ SÁT

Bạch Thầy, chồng con là người rất tốt bụng, biết quan tâm và chăm sóc người khác. Nhưng nhược điểm lớn nhất của chồng con là anh ấy có tính tự ái rất cao. Vì tự ái mà anh ấy có thể suy diễn ý của người khác theo hướng tiêu cực và giận bất cứ chuyện gì, dù lớn hay nhỏ, thậm chí cả những việc vụn vặt linh tinh không đáng để tự ái. Và hầu như chưa bao giờ anh ấy nhận phần sai về mình dù anh ấy có lỗi, lúc nào anh cũng cho là mình đúng và tìm ra đủ thứ lý do biện bạch cho bản thân.

Con rất muốn góp ý cho anh ấy, nhưng không biết phải nói như thế nào vì sợ anh ấy hiểu nhầm ý của con rồi lại giận, mất tình cảm vợ chồng. Vợ chồng con rất ít khi to tiếng cãi vã lẫn nhau. Nhưng có lẽ cũng chính vì thế mà càng ngày con càng thấy mệt mỏi vì mỗi lần giận dỗi là bao nhiêu hình ảnh tốt đẹp của anh ấy đều tan biến. Con sợ mình sẽ không thể yêu anh ấy nữa nếu anh cứ như vậy. Con rất mong được Thầy giúp đỡ vì con không biết phải hỏi ai khác. Con xin cảm ơn Thầy.
corua94@gmail.com

Đọc thư của chị, tôi thấy chị đang đối diện nỗi lo lắng và căng thẳng khi nhận diện được rằng chồng chị là người có tâm tự ái vặt, thích biện hộ cái sai của mình, dễ hiểu lầm và nổi cáu khi ai đụng đến cái tôi của anh ấy. Bù lại, chồng chị là “người rất tốt bụng, biết quan tâm và chăm sóc người khác”. Đặt lên bàn cân, ưu điểm của anh ấy không phải quá tệ so với các khuyết điểm về cá tính. Do vậy, chị đừng nên quá lo lắng mà suy tưởng rằng chị “sẽ không thể yêu anh ấy nữa nếu anh cứ như vậy”. Để giúp chị không khổ đau trước cá tính tự ái của chồng, chị nên suy nghĩ một số điều sau đây:

Nhận thức diện mạo của tự ái

Tự ái trước nhất là thái độ mặc cảm và xấu hổ về bản thân, khi thấy hoặc cảm nhận chủ quan rằng mình kém thua người khác về phương diện này hay phương diện khác. Người tự ái dễ sinh lòng hờn dỗi, ganh ghét, đố kỵ, tị hiềm, mặc cảm với người khác, đặc biệt là người có phần nổi trội hơn mình.

Người tự ái thường chú trọng cảm xúc, dễ nổi cáu trước những lời thị phi, phê bình, chỉ trích, nhất là các thái độ ác cảm của người khác. Phản ứng thông thường của người tự ái là cảm thấy khó chịu, bị xúc phạm, dễ bị tổn thương, khó chịu, căng thẳng, giận dữ khi bị người khác coi thường, đánh giá quá thấp, nói khích,... Có lẽ bởi vậy nên người tự ái thường dễ bỏ cuộc nửa chừng.

Nhăn mặt tỏ vẻ khó chịu trước những lời góp ý, thể hiện mặt nóng, mặt lạnh khi có ai buông lời khó nghe; lầm lầm, lì lì khi có người nói chạm đến; không chịu tiếp thu ý kiến nếu người góp ý không khéo léo,… là những biểu hiện của người tự ái.

Tự ái có mặt chỗ nào thì trở ngại, bế tắc, khổ đau có mặt ở chỗ đó. Tự ái kìm hãm sự tiến bộ, khóa kín các mối quan hệ xã hội chân chính, làm cho tình thân trở nên lạnh nhạt. Trong tình yêu, người sống với tâm tự ái quá nhiều thường dễ tạo ra các va chạm, mâu thuẫn và thậm chí xung đột. Người tự ái dễ biến chuyện nhỏ thành to, chuyện to thành phức tạp, do vậy khó thực tập hỷ, xả, tha thứ; khó cảm thông với người khác. Vì quá thương chính mình, người tự ái dễ trở nên bảo thủ, khó lắng nghe góp ý của mọi người xung quanh.

Về tác hại, người tự ái sẽ phải đối diện với mặc cảm, khổ đau, cô lập mình với xã hội. Người có tâm tự ái dễ bị vướng phải các sự cay đắng và chua xót ở đời. Người tự ái sẽ khó có được những phút giây bình thản. Trong các khổ đau, khổ đau do lòng tự ái là thầm lặng và dai dẳng nhất. Do đó, muốn sống hạnh phúc thì đừng để lòng tự ái dẫn dắt, chi phối cuộc sống của bản thân.

Chuyển hóa tự ái thành tự trọng

Bằng tình thương yêu chân thành, bằng sự khôn ngoan và khéo léo, bằng tất cả nhiệt huyết của một người vợ quan tâm đến chồng, chị hãy cố gắng giúp chồng chuyển hóa tâm tự ái – một tâm lý tiêu cực có tính hủy hoại, thành lòng tự trọng – một trạng thái tâm lý tích cực có khả năng bảo hộ và nâng đỡ hạnh phúc của con người.

Khi tự ái núp bóng của lòng tự tôn, người tự ái sẽ sống với lòng tự trọng ảo, do vậy dễ bị tổn thương, thường có cảm giác bị người khác xúc phạm, hoặc không tôn trọng mình. Từ đó dễ nổi cáu, căng thẳng, thậm chí bất cần đời.

Người tự trọng biết đánh giá cao các giá trị nhân cách chuẩn mực mà mình có theo những tiêu chí được xã hội chấp nhận. Do biết tự trọng, nhiều người đã khéo giữ được phẩm chất và danh dự bản thân trong các tình huống dễ đánh mất chính mình.

Vì tự ái nặng, nhiều người luôn sống với cảm giác bị bỏ rơi, bị phớt lờ, bị xem thường, bị ghét bỏ rồi từ đó trở thành người khó tính, khó chịu hồi nào không hay. Người tự ái cái gì cũng chấp vặt, không bỏ sót một thứ gì, nhớ đến từng chi tiết và chấp rất dai dẳng. Khi chuyển hóa tính tự ái thành tự trọng, bạn sẽ thấy cuộc sống đáng yêu hơn, quan hệ xã hội trở nên thiết thân hơn, sự độ lượng và bao dung sẽ lớn hơn, dễ thiết lập tình thân thương hơn.

Ranh giới của tự ái và tự trọng đôi lúc rất mong manh. Tự trọng là một hình thức biết thương yêu bản thân theo chiều hướng tích cực, nhờ đó, nhân cách của người tự trọng được trưởng thành theo năm tháng. Tự ái làm con người trở nên khép kín, cô đơn, buồn bã, chán nản, thất vọng và thậm chí là tuyệt vọng.

Người có lòng tự trọng sẽ không gây tổn thương cho ai. Tôn trọng chính mình bằng lối sống văn hóa và đạo đức chuẩn mực sẽ giúp ta trở thành chân nhân, một nhân cách sống có giá trị. Có lòng tự trọng tích cực con người tránh được các hành động không đáng làm, tránh được ngàn năm bia miệng, không bị xã hội lên án.

Người có lòng tự trọng thường biết giữ mình trước những cạm bẫy hấp dẫn đầy tai họa vì họ nêu cao ý thức “Đói cho sạch, rách cho thơm”. Khi bị ai gây áp lực hoặc buộc phải làm những điều gì đó mang tính xấu xa, tội lỗi, phạm pháp, người có lòng tự trọng biết chối từ, giữ tâm trong sáng, thanh cao.

Người tự ái thường cảm thấy mình kém cỏi hơn người, nên dễ bị thái độ tự ti và mặc cảm chi phối. Từ đó, trong quan hệ xã hội, người tự ái không dám và không thích chơi với người thành đạt hơn, hạnh phúc hơn, thành công hơn mình. Người tự trọng ngược lại biết thương chính mình, biết gạt bỏ những tâm lý mặc cảm, hòa mình với xã hội đúng chuẩn mực, tôn trọng luật pháp, đạo đức, sống trong khuôn mẫu.

Tự trọng vừa phải sẽ trở thành một nhân cách đẹp trong giao tế và ứng xử. Người có lòng tự trọng sẽ không muốn làm phiền ai, làm tổn thương ai, gây rắc rối và trở ngại cho ai vì họ biết đặt mình trong tình huống của người khác, để khéo ứng xử và giải quyết vấn đề. Tự trọng quá mức sẽ trở thành tự ái ngầm, theo đó, nỗi khổ đau sẽ có mặt cũng nhiều không kém. Khi cái tôi khoác áo tự trọng, mọi ứng xử của bạn sẽ trở thành các phản ứng tự ái, gây ra sự khó chịu và phiền não đối với tha nhân.

Hãy sống trong tương quan với người khác

Vì chồng chị là người tự ái và thích biện hộ nên khó nhận ra được các sơ suất và lỗi lầm (nếu có) của bản thân. Do vậy, để giúp đỡ anh nhận chân được sự yếu kém này, chị nên kiên nhẫn, khéo dẫn dụ để anh dần dà làm quen với lối sống biết đặt mình vào tình huống của người khác, lấy mình làm ví dụ, những gì ta không muốn người khác bảo thủ và biện hộ thì ta cũng không nên ứng xử tương tự đối với tha nhân. Nhận thức này giúp con người sống trong tương quan với tha nhân, không còn lấy mình làm trung tâm và hệ quy chiếu nữa.

Nếu tự ái là thái độ ứng xử lấy mình làm trung tâm, nên người tự ái dễ bị đỏ mặt, tía tai khi bị người khác xúc phạm, dù chỉ là vô tình, huống hồ là có chủ ý, thì tự trọng là thái độ biết đặt mình trong tương quan hai chiều với người khác, có tinh thần tương nhượng và tương thân.

Lối sống cho mình là quan trọng, là trung tâm của các quan hệ có thể do lúc nhỏ được cha mẹ và nhiều người cưng chiều. Đến lúc trưởng thành, không còn được cung phụng, cưng chiều nữa, muốn hạnh phúc, ta phải xóa bỏ tâm lý coi mọi người không ra gì, không tự đánh giá mình quá cao, không kênh kiệu, không tự đại, khó chịu. Chị nên giúp chồng nhận thức rằng mọi vật trên đời chỉ đóng vai trò chức năng, không có ai là quan trọng quá mức, không có ai là thấp nhỏ quá mức đến độ không làm được việc gì.

Do vậy, thay vì tự ái và mặc cảm, ta hãy sống hài hòa với tha nhân. Cái gì hay thì học; cái gì kém thì sửa chữa; cái gì chưa hoàn thiện thì nỗ lực đạt cho được; không bỏ cuộc nửa chừng; không thể hiện thái độ thờ ơ; không quan trọng hóa vấn đề; không kỳ vọng quá mức vào người nào; không thần tượng hóa ai; không chán nản, thất vọng; không tự ái làm liều; không cầu toàn thái quá; không đòi hỏi toàn hảo; không dễ dãi với mình; không khắt khe với người; tất cả chỉ là sự tương đối. Chấp nhận sự tương đối, chị sẽ bớt khổ vì cá tính của chồng. Giúp chồng hiểu được sự tương đối, chồng chị sẽ thay đổi tính tình từ biện hộ phủ định thành thừa nhận và sửa sai.

Nỗ lực cùng vượt qua

Chị hãy cố gắng giúp chồng nhận ra được rằng tự ái sai lầm là tự sát. Tự ái quá mức sẽ tổn thương sức khỏe thể chất và tinh thần. Thực tập thái độ vô ngã, không quan trọng hóa chính mình, không quá nhạy cảm trước ứng xử của tha nhân, ai nói động đến bản thân ta vẫn thản nhiên, điềm tĩnh để vượt qua được tâm lý tiêu cực, chán nản, cô đơn, tuyệt vọng.

Hãy giúp chồng chị tăng cường sự tự tin, không sợ hãi thị phi, không sợ sự thật, không sợ bị người khác soi mói, không sợ bị ai phê bình, không sợ đối diện với lỗi lầm, không sợ mất mát. Hãy cùng nhau xây dựng sự tự tin bằng lối sống tích cực. Hãy tập làm chủ cảm xúc, thái độ và hành vi của mình.

Mỗi ngày hãy dành đôi mươi phút trải nghiệm nội tại, đánh giá lại các sự việc và tình huống trong ngày, mạnh dạn tự điều chỉnh những lỗi lầm và sơ suất. Đây chính là dấu hiệu của bản lĩnh và sự tiến bộ nhân cách. Cần nuôi dưỡng sự quyết tâm cao độ, được giao việc gì thì làm hết mình với tinh thần trách nhiệm, làm xong việc gì rồi thì không nuối tiếc.

Hãy khép chuyện quá khứ với quá khứ; không hâm nóng các bất hạnh đã qua; không nôn nóng, vội vã, đánh mất sự điềm tĩnh; thực tập từng bước đi nho nhỏ nhằm hướng đến cái lớn hơn; biết tiếp xúc người thiện, biết giao du với người tốt, biết giúp đỡ người bất hạnh, biết học hỏi người thành công hơn mình.

Chị hãy giúp anh thực tập: Hôm nào thành công được việc gì thì biết tưởng thưởng mình; hôm nào thất bại thì không hành hạ cảm xúc bản thân; xem tất cả những việc diễn ra trong đời là những bài học mà mình cần trải nghiệm qua; hôm nào lỡ sống tự ái thì nỗ lực khắc phục; không giận dữ và ghét bản thân; không bỏ cuộc trong các nỗ lực chân chính; kiên trì đạt được mục đích cao thượng.

Với những nỗ lực nêu trên, tôi tin rằng dần dà chồng chị sẽ nhận ra được đâu là những yếu kém mà anh cần vượt qua. Rồi sẽ đến lúc, anh ấy sẽ nỗ lực vượt qua tính tự ái và biện hộ. Mong chị hãy có niềm tin và đừng bỏ cuộc.

Thích Nhật Từ