Hai thập kỷ qua, hàng loạt nghiên cứu xã
hội và tâm lý học cho thấy không có mối quan hệ thực sự giữa số tiền kiếm được
mà mức độ thỏa mãn có được. Người ta cảm thấy hụt hẫng khi bỏ ra quá nhiều thời
gian và năng lực để tích cóp tiền bạc, nhưng cảm giác sung sướng ấy thật cạn cợt
và lại tan biến rất nhanh. Dần dần, con người không còn tin tưởng và định nghĩa
những cảm giác thỏa mãn vật chất chính là hạnh phúc nữa. Người ta đã tỉnh táo
nhận ra rằng tiền bạc không những không mua được hạnh phúc, mà còn có thể hủy
diệt cả hạnh phúc.
Quả thật như vậy, từ
khi chúng ta háo hức phát triển ngành công nghiệp để cho ra những sản phẩm cao
cấp phục vụ sự hưởng thụ tăng tiến của mình, cũng chính là lúc chúng ta mất dần
tính chủ quyền sống. Thời gian để phục vụ cho công việc đã lấn át hết thời gian
cho những sinh hoạt căn bản nhất của con người. Tuy có đầy đủ tiện nghi nhưng
chúng ta không thể tận hưởng. Lúc nào chúng ta cũng bận rộn với công việc, với
khách hàng. chúng ta không có thời gian chăm sóc sức khỏe, không có cơ hội trò
chuyện với mọi người, không có điều kiện học hỏi thêm kinh nghiệm sống, nhận diện
và đánh giá thực tại một cách nhanh chóng nhưng quá ư hời hợt, nông cạn, chạy
theo cảm xúc nhất thời hơn là dành thời gian ngồi quan sát chúng, không thu xếp
được những bữa cơm gia đình đầm ấm, không thể lắng nghe và thẩu hiểu những người
thân sống bên cạnh. Tệ hại nhất là lòng tham phát triển không ngừng và hàng loạt
phẩm chất đạo đức cũng bị bào mòn.
Đó là câu trả lời tại sao các hiện tượng
bốc đồng sẵn sàng chém giết nhau chỉ vì một lý do cỏn con để trút xả cảm xúc hiện
nay. Nhiều lắm, nhiều lắm những vấn nạn do cảm xúc cạn cợt thiếu định lực kiềm
chế của mọi giới trong xã hội mà báo chí mỗi ngày vẫn đăng tải trong chuyên mục
tin nóng.
Chúng ta thấy mình dần biến thành những
cỗ máy vô tri không còn cảm nhận tinh tế trước những biểu hiện trong cảm xúc,
trong tâm tư và những giá trị màu nhiệm của cuộc sống. Vậy mà lúc nào chúng ta
cũng tin rằng mình đang xây dựng một tương lai rất vững vàn và sáng sủa. làm
sao nắm bắt được hạnh phúc nếu ngay cả những gì đang diễn ra trong hiện tại mà
chúng ta cũng không nắm bắt được? Dường như bây giờ bất cứ điều gì chúng ta làm
cũng đều được toan tính rất kỹ lưỡng, xem những việc ấy có đem tới lợi lộc gì
không.
Có khi chúng ta cho rằng thà hy sinh đời
mình để đời con cháu được sung sướng thì cũng xứng đáng. Nhưng hành trang vào đời
của một người trẻ đâu cần phải là số tài khoản ngân hàng cao ngất. Điều con trẻ
cần hơn hết là sự quan tâm, thấu hiểu và chia sẻ với những gút mắc và mơ ước của
chúng về cuộc sống. Con cái cần có một gia đình hạnh phúc để nương tựa và học hỏi.
Tài sản của cha mẹ để lại chưa hẳn là điều kiện tốt. Nó dễ khiến sinh ra tâm lý
ỷ lại, lười biếng phấn đấu và dễ dàng lao vào sự hưởng thụ. Rốt cuộc, cha mẹ hy
sinh cho con cái nhưng con cái lại oán trách cha mẹ. Chúng nghi ngờ cách tích
góp tiền bạc kia thật sự là vì chúng hay là vì lòng ham muốn làm giàu không thể
cưỡng lại của cha mẹ.
Nhà nhà quan niệm như thế, người người
suy nghĩ như thế nên kéo một xã hội mà loài người sống trong nó cứ lao đầu tìm
kiếm để thu gom, góp nhặt rồi khư khư ôm đồm thủ giữ. Ích kỷ, hẹp hòi, ham muốn
cũng vì thế cứ tuôn tràn vào lòng con trẻ mỗi ngày như những khoá học hàm thụ
thì chắc chắn chúng sẽ béo phì và bủng beo bò lết vào đời như một cơ thể không
xương cốt.
Có lẽ quan niệm “cực trước
sướng sau” vẫn còn in khắc sâu đậm trong trí não của nhiều người. Nhưng chúng
ta hãy thử tìm hỏi những người đang ở tuổi về hưu xem họ có thật sự hưởng nhàn,
hay là họ đang sống trong sự cô đơn lạc lỏng? Cái họ đang cần là được hiểu và
được thương, nhưng chính tính độc tài và thói quen ngờ vực là hậu quả của cuộc
tranh chấp khốc liệt về kinh tế đã đẩy họ ra khỏi vòng tay của những người thân
mất rồi. Vật chất đủ đầy đôi khi chẳng còn ý nghĩa gì với họ nữa, thậm chí họ rất
chán ngán và muốn lánh xa. Niềm khao khát lớn nhất của họ bây giờ chính là được
trở về thời tuổi trẻ để sống thật tươi vui, thật hay và thật đẹp. Cái hay và
cái đẹp mà họ đã để cho dang dở đó chính là tình yêu, là tình Huynh đệ, là một
việc gì đó ý nghĩa cho đời.
- Langbiang -