DẠY CON TUỔI TEEN

Bạch Thầy, vợ chồng con có 2 người con, một cháu trai năm nay 17 tuổi và một cháu gái 10 tuổi. Hồi nhỏ cháu trai rất ngoan, thường nghe lời bố mẹ, rất ít khi cháu cãi hay làm trái ý bố mẹ. Nhưng từ khi cháu sang tuổi 14–15 cháu như trở thành một con người khác hẳn, hay cáu bẳn, cãi tay đôi với bố mẹ và ít khi chia sẻ, tâm sự với mọi người trong gia đình. Cháu chỉ ăn những thứ cháu thích ăn, làm những việc thích làm, mặc những bộ quần áo cháu thích mặc,… mà bỏ ngoài tai những góp ý, khuyên răn của bố mẹ.

Chúng con là những người khá hiện đại, không ép uổng con cái điều gì quá quắt; quan hệ trong gia đình khá dân chủ, cởi mở. Tuy nhiên tới giờ phút này khi chỉ còn một thời gian ngắn nữa là cháu thi đại học thì vợ chồng chúng con thực sự lo lắng, nhiều khi hoang mang không biết phải xử sự, dạy dỗ cháu thế nào cho hợp lý. Làm sao để cháu vẫn ý thức được những điều đúng đắn mà vẫn tự lập, tự chủ có trách nhiệm với cuộc sống tương lai của bản thân. Chúng con rất mong Thầy chỉ bảo. Chúng con cảm ơn Thầy nhiều!
Hàm Hải Anh, Lai Châu

Đọc thư của anh chị, tôi thông cảm với những lo lắng của anh chị khi con cái hay cãi lại lời cha mẹ. Ai cũng biết rằng nhiệm vụ của cha mẹ là dạy dỗ con cái học hành siêng năng, có ý thức và tác phong tốt, có lối sống lành mạnh, có hành xử phù hợp với chuẩn mực xã hội, làm lợi ích cho bản thân và gia đình. Để giúp con cái có chung nhận thức với cha mẹ và làm theo những gì cha mẹ dạy, có tinh thần tự lập, tự chủ có trách nhiệm với cuộc sống tương lai của bản thân, các bậc cha mẹ nên lưu ý một số điều sau đây:

Không thể hiện sự tức giận

Trong tình huống con cái không vâng lời, không làm theo lời khuyên tốt của cha mẹ, dù rất bực bội nhưng chúng ta không thể hiện sự thất vọng và giận dữ. Tuyệt đối không dùng các biện pháp đánh đòn, trừng phạt, quát mắng, hăm dọa, buộc con cái phải nghe lời. Càng buộc con cái làm theo ý mình do tức giận, ta càng cảm thấy mệt mỏi hơn khi con cái trở nên ương bướng và lì lợm. “Giận mất khôn” là điều cha mẹ không nên quên; không kiểm soát được cảm xúc sẽ làm cha mẹ mất bình tĩnh; hãy sử dụng phương pháp hòa bình, không nên gây căng thẳng cho cả hai bên.

Tránh sử dụng những câu nói: “Sao con hư hỏng quá”, “Cái đồ hư hỏng”, “Tao thật xấu hổ có đứa con như mày”, “Mày tệ quá”,… Cần tìm ngôn ngữ mô tả nhẹ nhàng, lịch sự, để con cái nhận ra vấn đề. Biết khen tặng, khích lệ, cổ vũ, động viên, để con cái tăng cường sự tự tin, lạc quan, năng động, yêu đời. Trong các tình huống con không vâng lời, cha mẹ nên tập hít thở thiền, không giận tức, điềm tĩnh, nhẹ nhàng, nhờ đó, dễ hiểu và cảm thông với con hơn. Thay vì gắt gỏng, cha mẹ hãy khéo đưa ra lời cảnh báo, đồng thời chỉ dẫn thực tế một cách nhẹ nhàng, nhằm thúc đẩy con cái làm điều gì đó thực sự mang lại kết quả tích cực. Luôn thể hiện tinh thần vui vẻ, cảm thông vốn sẽ khiến trẻ dễ dàng lắng nghe cha mẹ hơn.

Không biến con cái thành chiến tuyến đối lập

Khi nghĩ con mình “nổi loạn”, bất tuân thượng lệnh, cha mẹ có khuynh hướng muốn “dẹp loạn” và vô tình đẩy con cái thành kẻ đối lập. Khi con cái không chịu vào khuôn khổ, cha mẹ nghĩ mình như kẻ bị bại trận, cảm thấy khổ đau. Trong tình huống cha mẹ buộc con cái nghe theo, con cái nghĩ cha mẹ “độc tài” vô cớ, bắt chúng làm những điều không đâu. Trong cuộc đối đầu giữa cha mẹ và con cái, chỉ có sự thất bại, không có ai chiến thắng. Bên nào cũng khổ đau vì bên còn lại không hiểu được mình.

Càng dùng vũ lực, buông lời trách cứ nhiều chừng nào thì cha mẹ chỉ tạo thêm hố sâu ngăn cách với con cái nhiều chừng ấy. Do vậy, cha mẹ nên bằng mọi cách tạo bầu không khí hợp tác để con cái hiểu được cha mẹ và nỗ lực thích ứng với những ứng xử tốt đẹp và tích cực.

Đừng ép buộc con cái

Thay vì dùng quyền làm cha mẹ ép con cái làm theo ý muốn chủ quan của bản thân, các bậc cha mẹ nên giúp các cháu hiểu và phân biệt được đâu là tốt – xấu, đúng – sai, tích cực – tiêu cực, khéo hướng dẫn như “người chỉ đường”, chứ không đi thế con đường, hoặc ép người đi trên con đường, đang khi người đi đường chưa hiểu được giá trị của sự đến đích. Khéo giải thích mọi điều sẽ giúp cho con cái sẵn lòng hợp tác. Cha mẹ càng hăm dọa chỉ làm cho con cái trở nên bướng bỉnh hơn thôi.

Thay vì ép uổng con cái làm những việc chúng không đam mê hay ưa thích, làm cha mẹ ta nên hướng dẫn nhằm giúp đỡ con cái phát huy khả năng và trí sáng tạo về các lĩnh vực sở trường và yêu thích. Không biết được tiềm năng và khả năng của con cái, càng ép uổng càng làm cho con cái khổ đau. Cha mẹ nên tham khảo ý kiến của con cái khi cần thiết. Thậm chí có trường hợp nên khéo thương lượng với con cái để con cái ủng hộ và làm theo lời khuyên đúng của cha mẹ.

Không quản lý con như tù nhân

Nếu việc trao cho con cái quá nhiều tự do theo kiểu “buông lỏng” con cái, không có thời gian quan tâm đến con cái là một thiếu sót của cha mẹ dẫn đến các thói hư tật xấu và lối sống tiêu cực ở, thì quản lý con cái quá chặt sẽ làm chúng nghĩ rằng chúng đang bị cha mẹ “cầm tù”. Từ đó, dẫn đến thái độ kháng cự cha mẹ. Tuổi trẻ ngày nay thích tự do, thoải mái, tự chủ hơn. Môi trường sống, đối tượng giao lưu, sách báo cần đọc, chương trình TV cần xem là những điều mà các bậc cha mẹ quan tâm, định hướng cho con cái chọn lựa, để con cái “miễn nhiễm” với những điều xấu, cái bất toàn, sự tiêu cực trong cuộc sống.

Xóa khoảng cách giữa hai thế hệ

Con cái thời @ tiếp xúc với các phương tiện truyền thông nhiều, hiểu biết và đa cảm hơn. Do đó, cha mẹ cần giúp con cái tin tưởng và khai thác các tiềm năng, làm chủ cuộc sống bằng các sáng tạo và khám phá. Cha mẹ nên dành nhiều thời gian hiểu con cái mình như thử nghe nhạc chúng thích, xem chương trình TV chúng đam mê, đọc sách báo tuổi mới lớn, xem các blog tuổi trẻ,… cha mẹ dần dần sẽ hiểu được sự khác biệt giữa chúng và ta. Nhờ đó, những cái “chẳng thể hiểu nổi” và “phức tạp” của tổi teen sẽ được cha mẹ hiểu và thông cảm. Do đó, cha mẹ hãy dành quỹ thời gian cần thiết mỗi ngày để nô đùa và trò chuyện với ấy, rút ngắn khoảng cách tâm lý giữa hai thế hệ. Bằng cách này, cha mẹ có thể tăng cường sự cảm thông thế hệ, không còn chênh lệch trong ứng xử với con cái.

Ngoài ra, thể hiện sự thương yêu với con cái là điều không thể thiếu. Cách đơn giản nhất thể hiện sự thương yêu con cái là nói lời thương yêu và sự chăm sóc. Bằng cách nói khéo, cha mẹ khẳng định với con cái rằng thông điệp “Ba, má rất thương con” hay “con đáng yêu của bố, mẹ” chính là tình thương đích thực của cha mẹ dành cho chúng. Nhờ tắm mình trong những lời nói thể hiện sự quan tâm của cha mẹ, con cái sẽ vững mạnh trong các nghịch cảnh và nhận ra rằng cha mẹ là điểm tựa tinh thần của chúng. Nhờ đó, chúng vâng lời cha mẹ dạy hơn.

Sau khi vợ chồng chị đã nỗ lực hết cách, làm những điều cần làm mà con cái vẫn không nghe lời, thì anh chị nên nghĩ rằng con cái anh chị là người có tính cá biệt, không nên khổ theo con cái. Do đó, thay vì tức giận, vốn chỉ làm cho bản thân khổ đau, anh chị nên thông cảm, thể hiện tình thương yêu nhiều hơn, không từ bỏ trách nhiệm làm cha mẹ, nỗ lực giúp đỡ con cái vượt qua cá tính khó ưa, trở thành nhân cách tốt và có giá trị trong hiện tại và trong tương lai.

Thích Nhật Từ