Bạch Thầy, cháu trai lớn của vợ chồng
con năm nay học lớp 10, suốt 9 năm qua cháu luôn là học sinh giỏi, ngoan ngoãn,
lễ phép. Khoảng nửa năm trở lại đây cháu chểnh mảng chuyện học hành, theo chúng
bạn đi chơi điện tử. Tuần trước cháu bỏ nhà đi 4 ngày, không liên hệ gì với gia
đình.
Sau đó nhờ một người bạn có nick của cháu đã liên lạc với cháu trên mạng
và báo tin cho gia đình chúng con. Vợ chồng con liên hệ với cháu, đề nghị cháu
về nhà nhưng cháu nhất định không chịu. Cháu nói cháu lớn rồi và muốn ở riêng,
cháu sẽ đi thuê nhà ở, và nếu bố mẹ cứ nài ép về nhà cháu sẽ cắt đứt liên lạc.
Chúng con cũng không biết cháu lấy tiền
đâu để đi thuê nhà. Thấy tình hình quá căng, sợ cháu làm liều chồng con đưa ra
phương án để cháu về ở căn hộ 18m2 mà vợ chồng chúng con đang cho sinh viên
thuê, chúng con nhờ bạn cháu chuyển chìa khóa căn hộ cho cháu sau khi đã mua thực
phẩm để sẵn trong tủ lạnh cho cháu. Tạm thời chúng con mới tìm ra giải pháp như
vậy vì rất sợ làm căng cháu sẽ bỏ học. Nhưng về lâu dài chúng con biết là không
thể như vậy được. Con mong Thầy cho chúng con lời khuyên để tiếp cận cháu, hướng
cho cháu đường đi đúng trong tương lai. Chúng con rất sợ mất cháu, cháu vốn
ngoan, hiền, chăm học nhưng ở cái tuổi lỡ cỡ này thật là khó hiểu và khó tiếp cận.
Chu
Lan Phương, TP. Hồ Chí Minh
Đừng sợ lời dọa “cắt đứt liên lạc”
Các biến đổi tâm sinh lí ở ngưỡng cửa vị
thành niên sẽ làm phần lớn các cháu trở nên “khó hiểu và khó tiếp cận”, nhưng đừng
vì lời dọa “cắt đứt liên lạc” của con mà anh chị phát hoảng, chiều theo các yêu
cầu thái quá của con. Ở tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, con của anh chị không
thể tự lập, không thể lấy đâu ra tiền mà thuê nhà và chỉ có thể ở tá túc nhà của
bạn bè vài hôm rồi gây áp lực với anh chị để được “tự tung tự tác” khỏi mái ấm
gia đình của anh chị.
Việc anh chị quyết định “chuyển chìa
khóa căn hộ cho cháu”, cho phép cháu “ở riêng” trong tình trạng cháu “chểnh mảng
chuyện học hành”, và “theo chúng bạn đi chơi điện tử” vì lí do “sợ làm căng
cháu sẽ bỏ học” chỉ là một ứng xử tình thế, cần được nhìn nhận dưới hai mặt. Giải
pháp “tạm thời” của anh chị đối với cháu có thể trở thành con dao hai lưỡi. Mặt
tích cực là anh chị an tâm rằng cháu không bỏ nhà đi hoang, có thể giám sát
cháu một cách tương đối trong căn nhà cho thuê của gia đình mình.
Mặt tiêu cực là lối giải quyết này chỉ mới
là chữa lửa khi nó đã bốc cháy, chứ chưa tìm ra được nguyên nhân phát hỏa và
cách ngăn chặn không cho nó tái diễn trong tương lai. Tại sao cháu không muốn ở
cùng nhà với cha mẹ? Một khi cháu thắng anh chị trong kế sách “nhất định không
chịu” được một lần, cháu sẽ tiếp tục “đe dọa” anh chị trong những lần khác. “Biết
là không thể như vậy được” là một nhận thức đúng, anh chị cần nỗ lực để cháu trở
lại phong độ vốn có là “ngoan, hiền, chăm học”. Để “hướng cho cháu đường đi
đúng trong tương lai”, anh chị không nên quá lo sợ lời dọa của cháu, mà hãy
bình tĩnh tìm ra nguyên nhân sa sút trong việc học tập, nghiện game online và sống
buông thả như hiện nay.
Truy
tìm lí do “buồn chán”
Chán nản và bỏ học là cả một quá trình
chứ không phải là chuyện một ngày một đêm. Ngoài đam mê việc cháu chơi trò điện
tử, anh chị nên tìm hiểu từ bạn bè cháu xem liệu việc cháu không còn hứng thú học
hành có phải do bị trầm cảm và tuyệt vọng từ một biến cố nào không, chẳng hạn
như thất tình, bị chì chiết? Cháu có bị bạn bè xấu tác động không? Chương trình
học có vượt quá sức học của cháu, làm cho cháu căng thẳng và muốn quên đi mọi
chuyện bằng trò chơi điện tử không?
Trong gia đình có thiếu vắng sự quan tâm
chăm sóc nào từ phía cha mẹ và người thân không? Không khí gia đình có quá căng
thẳng hay lạnh lẽo đến nỗi cháu có cảm giác vô dụng hoặc mệt mỏi và muốn bỏ nhà
ra đi không?
Dù xuất phát từ nguyên nhân nào anh chị
nên tiếp cận cháu trực tiếp, chứ không nên qua trung gian là bạn của cháu. Hiện
tại, cháu đang ở nhà của anh chị, việc tiếp cận sẽ dễ dàng hơn. “Lạt mềm buộc
chặt” là điều anh chị cũng nên áp dụng. Không nên quát mắng, la rầy cháu trong
tình trạng cháu đang rơi vào tâm lí không cần gia đình, chứng tỏ mình đã lớn bằng
lối ứng xử thiếu thông minh như hiện nay. Hãy thể hiện sự hiểu biết và cảm
thông với tình trạng bế tắc của cháu để anh chị có cơ hội nghe những gì cháu
tâm sự. Không nên đánh giá thấp những cảm xúc này, cho dù đôi lúc anh chị thấy
hơi cường điệu hoặc hoang tưởng. Truy tìm được nguyên nhân sẽ giúp ta giải quyết
được vấn đề một cách hiệu quả và an toàn. Để lần ra được manh mối của “sự thay
đổi 180 độ” của cháu, sự trợ giúp thông tin từ bạn bè của cháu là rất cần thiết.
Tận dụng những cơ hội trao đổi với các bạn cháu, anh chị sẽ có thêm một kênh
thông tin thứ hai để hiểu đâu là nguyên nhân chính và đâu là nguyên nhân phụ.
Nhu
cầu cần được quan tâm
Trong nhiều gia đình, cha mẹ cứ nghĩ đơn
thuần rằng cho con tiền ăn học là đủ trách nhiệm làm cha mẹ rồi. Sự quan tâm của
cha mẹ đối với việc học hành và lối sống của con cái là rất cần thiết. Sự thiếu
quan tâm chăm sóc của cha mẹ có thể góp phần vào việc làm con cái trở nên lơ là
trong học tập. Lúc ấy, với khoảng trống cô đơn, bạn bè xấu rủ rê có thể biến
cháu thành người không còn màng đến việc học. Bất kì cơn nghiện gì, dù là trò
chơi điện tử, đập đá, thuốc lắc, hay khuynh hướng hưởng thụ,… cũng có thể làm
cháu trở thành kẻ bất cần đời.
Nhiều bậc cha mẹ hằng ngày không để ý đến
việc học tập của con. Đến khi thấy con không có chữ nào trong vở mới biết con
sa sút và có vấn đề, thì đã quá muộn màng. Quan tâm và chiều là hai hành động
khác nhau về động cơ và mục đích. Quan tâm khéo léo về những thay đổi tâm sinh
lí của con sẽ giúp anh chị khắc phục các yếu kém trong ứng xử của con. Chiều
theo con quá nhiều đến độ bất chấp tất cả như trong một số gia đình là một sai
lầm, vì hành động chiều sẽ cổ xúy cho con theo cá tính thiếu định hướng và càng
khó uốn nắn về sau. Nếu sự thiếu quan tâm của cha mẹ dễ làm cho cháu nhiễm các
thú giải trí tiêu cực thì chăm sóc quá mức làm cho cháu có cảm giác bị ngạt thở.
Cả hai đều dẫn đến hậu quả gần như nhau. Các cú sốc tâm lý tại nhà cũng có khả
năng làm con ngoan trò giỏi trở chứng, chán đến trường. Bằng cách ứng xử “trung
đạo”, anh chị nên thể hiện vừa có sự cảm thông, thấy rõ các nhu cầu tâm lý
cháu, vừa khéo léo trong định hướng cháu sống tích cực và có tránh nhiệm với bản
thân mình và gia đình. Sự bình tĩnh của anh chị với tư cách cha mẹ và sự hỗ trợ
của người thân bao gồm bạn bè tốt có thể góp phần làm cho con anh chị trở về
nhà sống chung với cha mẹ và lấy lại niềm say mê học tập như những năm trước.
Đừng
biến việc học thành một áp lực
Nếu cháu bị áp lực học tập do học ở trường
chuyên và thành tích học tập là nguyên nhân chính dẫn đến sự mệt mỏi, bỏ học của
cháu thì anh chị nên giúp đỡ cháu vượt qua khó khăn này. Không nên so sánh
thành tích học tập của cháu với bạn bè cùng trang lứa, vì như thế có thể tạo ra
mặc cảm tâm lý thua kém chúng bạn, kết quả là, thay vì phấn đấu hơn, có cháu
quyết định buông xuôi cho khỏe. Khi căng thẳng quá mà kết quả học tập kém hơn
chúng bạn có thể làm cho một số cháu rơi vào mặc cảm thua sút và chán nản. Khi
không theo kịp bài học, bị điểm thấp thường xuyên, các cháu cảm thấy xấu hổ và
không còn hứng thú tới trường học vì có thể nghĩ rằng mình thật vô dụng. Có
cháu muốn lập nghiệp sớm vì nghĩ rằng cha mẹ có thể tìm một công việc tốt,
lương bổng cao, học chi cho mệt và bị nhiều áp lực quá. Cần khích lệ tinh thần
con: “Có bằng cấp sẽ dễ xin việc hơn, lương bổng cao hơn, công việc ổn định hơn
và cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp cũng cao hơn”. Nhận thức đúng này sẽ góp
phần giúp cháu vượt qua được những khó khăn và thử thách trong việc học và
không bỏ học nửa chừng.
Tách
con khỏi bạn bè xấu
Trẻ em thường dễ đua đòi bạn bè hơn là
chịu ảnh hưởng từ cha mẹ và thầy cô giáo. Để tránh các ảnh hưởng tiêu cực đối với
cháu, trước nhất anh chị cần đánh giá nhóm bạn của con anh chị xem chúng có
liên quan đến hút hít, ăn nhậu, quan hệ nam nữ, bạo lực, trộm cắp không, hay chỉ
đơn thuần là ham vui, bỏ học hành. Đồng thời cũng nên xem vai trò của cháu
trong nhóm này. Nếu nhóm bạn là nguy hiểm thì anh chị cần phải khôn khéo, kiên
quyết can thiệp và cách ly, dù khó cỡ nào. Thậm chí, có thể nhờ đến các sự trợ
giúp của xã hội và luật pháp. Dĩ nhiên, phải hết sức bình tĩnh, khôn khéo. Việc
uốn nắn cách suy nghĩ, cách sống sai lệch sẽ giúp cho cháu thoát khỏi các nguy
hiểm hiện tại và về sau.
Bên cạnh việc cách ly bạn xấu, anh chị
nên tạo điều kiện cho cháu giao lưu với bạn tốt và gắn kết với người thân trong
họ tộc để cháu không cảm thấy hụt hẫng và trống trải. Cũng nên tạo các hoạt động
vui chơi giải trí lành mạnh để giúp cháu quên đi những ngày sống buông thả.
Giúp
con trở về cuộc sống bình thường
Sau khi thu thập thông tin từ bạn bè
cháu về nguyên nhân muốn ở riêng của cháu, anh chị nên phân tích tình huống và
từng bước khéo léo thuyết phục cháu trở về sinh hoạt với gia đình như trước
đây. Đồng ý cho cháu ở riêng, anh chị không thể kiểm soát được tất cả những
hành vi thất thường, thậm chí biến thái của cháu. Ở tuổi học trò, các cháu khó
vượt qua được các cám dỗ từ các trang mạng đồi trụy, mơ tưởng trái cấm, góp gạo
thổi cơm chung, ăn nhậu, hút sách và có thể nhiễm các thói quen tiêu cực khác.
Nên lưu ý, trong mọi tình huống, khi
thuyết phục cháu trở về nhà, cố gắng đừng giận dữ và quát tháo. Mắng nhiếc con
lúc này dĩ nhiên không phải là giải pháp tốt. Thậm chí, sự quát tháo có thể tạo
thêm các phản ứng hụt hẫng ở đứa con đang mất dần phương hướng, đẩy con vào
thói quen chơi game như để tự an ủi. Anh chị hãy định hướng tương lai cháu bằng
việc học tập, kiến thức và đạo đức; gợi ý con về các môn thể thao thích hợp; sẵn
lòng chia sẻ với con khi con gặp phải nỗi khổ niềm đau.
Các cú sốc tâm lý trong gia đình, học đường
và ngoài xã hội thường làm cho nhiều cháu không còn hứng thú học hành. Trong
trường hợp này cha mẹ không thể phớt lờ tâm lý và cảm xúc khổ đau của con, cần
chia sẻ và hướng dẫn cháu cách đón nhận các biến cố và tránh các cú sốc trong
cuộc sống, khéo léo trong ứng xử để tạo và giữ hình ảnh đẹp trong mắt con.
Tất cả những điều trên sẽ giúp cháu nhận
ra được tình thương cao cả của cha mẹ đã dành cho cháu, nhờ đó cháu sẽ có thêm
nghị lực vượt qua các khó khăn của bản thân.
Thích
Nhật Từ