PHẬT GIÁO, MẢNH ĐẤT MÀU MỠ CỦA THẦY CÚNG....

Về từ ngữ “thầy cúng”, Tự Điển Việt Nam của soạn giả Lê Ngọc Trụ giải thích là “tiếng gọi một cách mỉa mai những thầy chùa chuyên làm đám ăn tiền chứ không thiết gì đến kinh kệ, giáo lý nhà Phật”.

Hiện nay thì số thầy cúng chiếm được chùa, cuộc sống hưởng thụ vật chất, trong lúc đó tu sĩ quan tâm đến đạo Pháp thì bị chèn ép, lại thiếu cơ sở để làm Phật sự. Thời gian dành cho việc tụng đọc kinh điển Phât giáo của những thầy cúng rất ít, họ toàn lợi dụng kinh điển của Đức Phật là “Phật sự siêu độ người chết”, cho rằng đây là Phật sự. Cho nên vừa nghe nói đến tiếng “Phật sự” là rất dễ sinh ra hiểu lầm.

Cái gọi là "Phật sự" như đặt đá, đúc chuông, lạc thành, tạc tượng....ở chùa, cho đến chúc thọ, ma chay, kỵ giỗ...ở tư gia, bao giờ khởi đầu cũng thấy "hưng tác thượng phan" và kết thúc là "bạt độ giải oan, chuẩn tế cô hồn". Gần đây dễ thấy nhất trên các phương tiện truyền thông là chính phủ kết hợp với giáo hội tổ chức bạt độ giải oan cho các nạn nhân tai nạn giao thông, chuẩn tế vong linh thai nhi xấu số....thiết nghĩ đó cũng là ý nghĩa nhân đạo nhưng chẳng nhân quả chút nào.

Đơn cử vấn đề giao thông.

Xe nhập vào nước ngày càng nhiều thì phải tăng thêm tài xế. Mà tăng thêm tài xế nghĩa là tăng rất nhiều người không kinh nghiệm. Đường chật, xe nhiều, tài xế ít kinh nghiệm, ý thức người tham gia giao thông hạn chế, đạo đức cộng đồng, văn hoá ăn mặc hở hang, lối sống chung chạ, dễ dãi...thì tai nạn là tất nhiên không tránh khỏi. "Bồ tát sợ nhân chúng sanh sợ quả" cho nên nhân không thay đổi thì quả bao giờ đổi thay. Và cứ tiếp tục như thế thi các thầy hành nghề cúng được xem trọng, có giá hơn. Vô tình cổ suý cho sự mê muội, si ám được vươn lên.

Những việc này, thời Đức Phật, lục tung tạng kinh Nikaya, dò dẫm từng chữ, từng trang một cũng không thấy ghi chép những phương thức "Phật sự" thế này. Siêu độ vong linh, đàn tràng Dược sư thời xưa ở Ấn Ðộ chẳng có, sau khi truyền đến Trung quốc, lúc ban đầu cũng chẳng có, nhưng sau đó do ảnh hưởng Lão giáo mà phát triển và thịnh hành, rồi lan rộng sang Việt Nam.

Một tu sĩ chân chính Phật giáo đã cạo bỏ râu tóc, mình mặc áo cà sa, là quyết định cuộc đời vì mục đích giải thoát và cứu độ chúng sinh, chứ không có hình thức mang hia đội mão, áo quần hoại sắc thô bố chứ không phải gấm tía hài son. Đừng ham danh lợi mà phải mượn nón này mũ nọ, hài son y tía, mà thu hút hoặc tô thêm uy nghi. Đức Phật dạy uy nghi có được là nhờ vào sự giữ gìn đức hạnh, nhờ vào sự trang nghiêm của hành vi đạo đức, chứ không phải nhờ vào hình thức mà tô vẽ được.

Hiện nay, thầy cúng hầu hết họ đều tập trung ở đô thị mà chẳng thèm đến vùng nông thôn nghèo khó, vì ở đó không có ai mời cúng. Đồng thời khi xã hội được bày biện bởi sự cúng kiếng thì cũng sinh ra nhu cầu của nó, vì thế xã hội cũng chỉ cần thầy cúng là đủ. Vì vậy vai trò của chánh giáo dễ bị đánh tráo, hiểu nhầm và dễ bị kẻ lợi dụng gây tai hại cho xã hội và cho Phật giáo.

Trong quá khứ đã có giai đoạn, nhiều thời kì đen tối của Phật giáo, thời kỳ hiện nay Phật giáo cũng đang chìm trong bóng đen mê tín huyễn hoặc do cái gọi là "các thầy" mang lốt thầy cúng gây ra. Nhà nào có tang ma hiếu sự mà mời được nhiều "các thầy" áo mão kim đai, mang hia tràng hạt thì bàng dân khen nhà có phúc, đám tang lớn, khi "các thầy" đã đưa hình thức cúng vái vào công việc tâm linh để vận hành thế giới của họ thì sự đảo lộn xã hội là một điều chắc chắn, đạo đức cũng từ đó suy đồi, vì bản thân của sự cúng vái không giải quyết một sự thật nào cả, vì tất cả đều vận hành theo định luật nhân quả, mặc dù có khi được xem là một hình thức nghi lễ tôn giáo hay an ủi người sống, tất cả điều bị lầm lẫn, lầm lẫn ở đây là vô tình đẩy xã hội rơi vào tay của tà giáo.....