VẠN PHÁP DUY TÂM TẠO

Một buổi sáng nọ, có hai người phụ nữ không quen biết cùng đi trên một con đường sủng ướt sau một đêm mưa, bất chợt từ phía trước, chiếc xe hơi chạy ngang qua họ với tốc độ khá nhanh, làm nước trên đường văng tóe lên mình của họ. Người thứ nhất quay lại nhìn chiếc xe, lặng thinh mỉm cười rồi đi tiếp; người thứ hai cũng quay lại nhưng với vẻ mặt giận giữ hướng về chiếc xe chửi rủa, mặc dù người lái xe kia chẳng hề nghe thấy lời nào. Cùng đối diện với một sự việc, một hoàn cảnh, song sự nhìn nhận và phản ứng của hai người hoàn toàn trái ngược. Điều đó có thể thấy, cuộc đời này tốt hay xấu như thế nào thực tế đều do mỗi người chúng ta tự cảm nhận mà thôi, chứ bản thân của nó không hề bao hàm những khái niệm đó vậy.

Mỗi người chúng ta bước vào dòng đời với một tâm trạng khác nhau, nên chắc chắn sẽ có cảm nhận và cách nhìn khác nhau về cuộc đời; thậm chí một người ở những thời điểm khác nhau với sự chuyển hóa của nội tâm và ngoại cảnh thì khái niệm về dòng đời của họ cũng không đồng nhất. Vì thế thực tế mà nói, khó ai có thể định nghĩa một cách chính xác về cuộc đời.

Nhà Phật có câu “Vạn pháp duy tâm tạo”, nghĩa là các pháp vốn không có bản thể nhất định, mà do tâm phân biệt chấp trước mà tạo thành. Với cùng một sự vật, nhưng với cái nhìn của nhà khoa học, nhà văn, nhà họa sĩ…, sẽ biến thành nhiều khái niệm hoàn toàn không giống nhau, và nếu ở góc nhìn của nhà đạo học lại là một khái niệm khác. Khái niệm về cuộc đời cũng thế, là thiên đàng hay địa ngục, là hạnh phúc hay khổ đau, chung quy cũng chỉ do tâm mỗi người tự cảm nhận lấy. Tuy nhiên sự cảm nhận đó đúng hay sai lại là một vấn đề khác; và hạnh phúc với khổ đau cũng tùy theo sự cảm nhận đó mà có sự khác biệt…
Creations