Xưa, có một anh chàng nọ, thuộc hàng
danh gia vọng tộc, con nhà giàu có, đẹp trai hẳn hoi nhưng lại ngu ơi là ngu.
Vì thế, thời nhân gọi anh ta là chàng Ngốc.
Hôm nọ, Ngốc đi chợ phiên mua được năm
con bò với một giá rất phải chăng. Lòng mừng khấp khởi, anh thót lên lưng một
con bò và dắt bốn con kia về.
Dọc đường, Ngốc chợt nảy ra ý định phải
kiểm lại số bò của mình: Một, hai, ba, bốn... Chết cha! Ðâu mất một con rồi? Hốt
hoảng, Ngốc tụt xuống lưng bò, đếm lại cẩn thận:
- Một, hai, ba, bốn, năm... A, đủ rồi!
Yên tâm, Ngốc leo lên lưng bò. Ði một đổi anh bắt đầu đếm:
- Một, hai, ba, bốn... Í, đâu mất một
con rồi?
Ngốc lại tuột xuống:
- Một, hai, ba, bốn, năm... đủ rồi!
Sự tình cứ thế mà tiếp diễn, hễ chàng Ngốc cỡi bò thì cả bầy chỉ còn lại bốn con, nhưng nếu chàng đi bộ thì bầy bò còn đủ năm con. Cuối cùng, Ngốc đành tuột xuống đi bộ.
Khách qua đường thấy anh mồ hôi nhễ nhại,
chạy lúp xúp theo bầy bò, ngạc nhiên:
- Sao anh không cỡi một con đi cho đỡ mệt?
Ngốc đáp một cách quả quyết:
Cứ mỗi lần tôi leo lên lưng bò là mất một
con. Vì vậy, thà rằng tôi đi bộ để còn nguyên cả bầy... Cực khổ một chút mà
không phải mất mát, mỗi con đến hàng trăm quan đấy, bác ạ!
===
<> <> ===
Trên đây là một câu chuyện vui, có thể
là không bao giờ xảy ra, nhưng xét kỹ chúng ta há chẳng ngốc nghếch giống hệt
anh chàng trong truyện đó sao?
Này nhé, xung quanh chúng ta luôn sở hữu
5 món: danh vọng (chức tước-uy quyền), tiền tài (của cải-nhà cửa), sức đẹp, tài
năng (tri thức), vợ chồng-con cái (thân quyến-tình cảm).
Cứ chốc chốc, chúng ta lại ngoái đầu lại
kiểm tra xem lại 5 món ấy có còn đầy đủ không, còn tồn tại không? Khá thú vị
thay là khi chúng ta ngồi trên bất cứ món nào cũng quên rằng nó đang hiện hữu,
cùng song hành chúng ta trên mọi nẻo đường.
Chúng ta thiếu lòng tin, chúng ta thiếu
hiểu biết, nên đôi khi một hay vài con đi trước hoặc đi sau, chúng ta có cảm
giác mất quyền quản lý, nên tìm cách củng cố uy quyền, thể hiện cái dáng dấp của
anh chàng ngốc lẽo đẽo theo sau xem xét, rình mò, ghen tương, bực bội, cáu gắt……..
mà lại quên rằng nó là chính mình.
Có mà không biết gìn giữ, an hưởng thì
chỉ làm kẻ chăn dắt muôn đời. Chung quy nó cũng bắt nguồn từ sự lòng ích kỷ.
Càng tìm cách xác định như thế thì càng làm người chăn dắt mệt, 4 con kia thì
vô tri vô cảm không nói, nhưng còn lại một con đang cỡi trên lưng là người, là
bằng da bằng thịt cũng mệt ơi là mệt, khổ ơi là khổ! Mồ hôi nhuễ nhoãi kêu trời
không thấu.
Thử nghĩ mà xem nhé, người ta cứ hình
dung nếu thiếu vắng lòng ích kỷ, thì không có cảm giác sở hữu, nên mới khổ cực,
cũng chính vì cứ tìm cách xác định lòng ích kỷ (con bò đang cỡi) như thế nên
thà đi bộ còn hơn ngồi trên lưng nó mà thiếu mất một con.
Ngồi trên lưng bò mà cỡi thì thú vị hơn
nhiều chứ, ai đã từng sống với miền quê, đồng cỏ thì mới cảm được cảm giác này.
Hương đồng cỏ nội, gió thổi hiu hiu, miệng hát nghêu ngao, thích lắm…..nhưng khổ
nỗi chúng ta cứ bị vướng mắc, bị cái cảm giác thiếu mất một con ràng buộc nên
làm gì mà có cái thú như vậy.
Bỏ qua cái cảm giác thiếu mất một con,
cuộc sống chúng ta dễ thở hơn nhiều, tình yêu thương, sự an vui hưởng thụ có cơ
hội tuôn chảy dạt dào mà không bị tắc nghẽn.
Trong giáo lý Thiên Chúa, Chúa từng dạy:
“Ai muốn theo ta thì phải chối bỏ chính mình, và chỉ có những người tâm hồn như
trẻ thơ mới vào được Thiên Quốc.”
Thế nào là chối bỏ chính mình? Thế nào
là hồn nhiên như trẻ thơ?
Hồn nhiên như trẻ thơ thì dễ hiểu rồi.
Đó là một tâm hồn vô tư hồn nhiên, thiếu vắng sự toan tính, ganh ghét, hận thù,
băn khoăn, lo lắng…. Vậy còn chối bỏ chính mình là sao?
Có lẽ từ bỏ (chối bỏ) sự lăng xăng, lích
xích, dao động bởi các tư tưởng, cảm xúc vẩn vơ chăng?
Những ai đã từng tập Tĩnh tâm, Yoga hoặc
Khí công, Nhân điện…..có lẽ hiểu sâu điều này. Tập trung tư tưởng không có
nghĩa đè nén cảm xúc, ức chế những tư tưởng vẩn vơ. Sự vắng bặt các cảm xúc, tư
tưởng (vô niệm, vô cảm) lại càng không phải.
Vì con người chứ không phải gỗ đá, nên
tư tưởng, cảm xúc cũng như cỏ cây do hạt giống ẩn tàng nơi mặt đất sinh khởi. Sự
vắng bặt cỏ cây mà không thiết lập (trồng trọi) cái gì hết thì mặt đất cũng bị
phơi nắng khô cằn, hong hốc, chai sạn và dẻ cứng.
Tìm cách xác định lại đủ 5 con bò là
đúng rồi, nhưng phải ý thức mình đang thở, đang có mặt, đang ghi nhận cuộc sống
xung quanh là con bò đang cỡi (ý thức), như vậy không lơ đễnh, mất tập trung để
rồi 4 con kia có cơ hội chạy rong khỏi bày đàn.
Sự vắng mặt các tư tưởng, suy nghĩ, cảm
xúc không có nghĩa là chúng ta không hiện hữu, chúng ta mất đi một con. Mà
chúng ta vẫn có mặt đấy thôi, chúng ta đang có mặt Thiên Quốc, Cực Lạc đấy
thôi.